.
NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH - SINH VIÊN VIỆT NAM

Giỏi ngoại ngữ để tự tin hội nhập

.

Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng, sinh viên (SV) chí ít phải “lận lưng” vốn ngoại ngữ kha khá mới tự tin bước vào “sân chơi” quốc tế.

Muốn hội nhập, phải giỏi ngoại ngữ! Đó là chia sẻ của ông Huỳnh Tấn Vinh, Tổng Giám đốc Công ty CP Khu du lịch Bắc Mỹ An (Furama Resort) tại buổi ký kết thỏa thuận hợp tác giữa công ty và Trường Đại học (ĐH) Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng về việc phát triển và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành du lịch, vào tháng 11-2016.

Theo ông Vinh, ưu điểm của SV ngày nay là năng động, nhiệt huyết, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội, tuy nhiên, để mở rộng cánh cửa hội nhập, tự tin ứng tuyển vào vị trí quản lý tại các công ty nước ngoài thì chìa khóa đầu tiên là phải giỏi ngoại ngữ.

Say mê môn tiếng Nhật, bạn Nguyễn Thị Ngọc Hương, SV năm 3 ngành Đông phương học, Trường ĐH Ngoại ngữ chia sẻ, ngoài việc tiếp cận tiếng Nhật tại trường ĐH, đều đặn mỗi tuần 3 buổi, Hương đến trung tâm ngoại ngữ để luyện thêm.

Không chỉ luyện đọc, biểu đạt âm giọng, ngữ nghĩa, Hương thường xuyên nghe tiếng Nhật trên điện thoại. Từ yêu thích tiếng Nhật, Hương bắt đầu tìm hiểu văn hóa, con người Nhật Bản và tham gia hầu hết các hoạt động giao lưu văn hóa Việt – Nhật diễn ra tại trường. Chính điều này giúp Hương tự tin hơn mỗi khi có dịp giao lưu cùng người Nhật.

Là một trong 3 trường ĐH chuyên ngữ của Việt Nam, nhiều năm nay, Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng thường xuyên tổ chức chương trình giao lưu, hợp tác với các trường ĐH danh tiếng trên thế giới để tạo cơ hội cho SV tiếp cận phương pháp giáo dục hiện đại.

Đơn cử mới đây, hội thảo “Blended Learning and Innovative Approaches in Language Teaching” (tạm dịch “Các cách tiếp cận mang tính đột phá và tổng hợp trong giảng dạy ngôn ngữ”) do Trường ĐH Ngoại ngữ phối hợp với Tổ chức giáo dục Balsamo Outreach for Learning and Teaching (BOLT) tổ chức cuối tháng 12-2016 thu hút sự tham gia của hơn 100 giảng viên ngoại ngữ đến từ các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) và THPT trên địa bàn thành phố.

PGS.TS. Nguyễn Văn Long, Hiệu phó Trường ĐH Ngoại ngữ khẳng định, những hội thảo tương tự là hết sức thiết thực và bổ ích, tạo điều kiện tốt nhất cho giáo viên bộ môn tiếng Anh có thêm cơ sở thực tiễn trong giảng dạy tiếng Anh. Qua đó, phương pháp giảng dạy ngày càng đổi mới, học sinh, SV có điều kiện nâng cao kỹ năng nói, viết, phiên dịch tiếng nước ngoài.  

Hiện nay, riêng ĐH Đà Nẵng có 7 câu lạc bộ ngoại ngữ (tiếng Anh, Nhật, Hàn…) gồm 348 hội viên đang hoạt động khá hiệu quả. Bên cạnh đó, hầu hết trường ĐH, CĐ tích cực tổ chức các hoạt động giúp SV hội nhập theo hướng nâng cao ý thức trong việc chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng mềm.

Thạc sĩ Đinh Thị Mỹ Hạnh, nguyên Phó Chủ tịch Hội SV ĐH Đà Nẵng cho biết, ngoài tuyên truyền vai trò hội nhập quốc tế đối với sự phát triển bền vững của đất nước, bám sát nội dung chiến lược phát triển của ĐH Đà Nẵng và các cơ sở giáo dục ĐH thành viên trong nhiệm vụ hợp tác quốc tế, Hội SV còn phổ biến những vấn đề quan trọng mang tính thời sự như Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN…

Đồng thời, các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao, hoạt động tình nguyện giúp mở rộng và tăng cường giao lưu với SV quốc tế. Riêng nhiệm kỳ 2011-2016, ĐH Đà Nẵng tổ chức 26 hoạt động giao lưu quốc tế, 12 cuộc thi Olympic tiếng Anh cấp trường với sự tham gia của 1.591 SV; phối hợp cùng các trường thành viên thuộc ĐH quốc gia, ĐH vùng tổ chức định kỳ hằng năm cuộc thi “Olympic tiếng Anh không chuyên”, tạo điều kiện cho SV cọ xát, bổ sung, mở rộng nền tảng kiến thức.

Trong khuôn khổ chiến dịch SV tình nguyện hè, Hội SV ĐH Đà Nẵng còn phối hợp với Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (East Meets West) thực hiện chương trình Coach For College - một chương trình phi lợi nhuận của Trường ĐH Duke (Hoa Kỳ) nhằm hỗ trợ phát triển giáo dục ở các nước đang phát triển.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.