.

Vun trồng "quả ngọt" cho đời

.

Sau 20 năm chia tách đơn vị hành chính (1997), thành phố Đà Nẵng chú trọng đầu tư mạnh mẽ sự nghiệp “trồng người”, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao khá hùng hậu làm động lực phát triển. So với nhiều địa phương khác ở các tỉnh miền Trung, mạng lưới trường lớp, trang thiết bị dạy học ở các trường trên địa bàn Đà Nẵng được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho thế hệ trẻ phát huy tài năng.

Hầu hết mạng lưới trường lớp ở thành phố Đà Nẵng được đầu tư khang trang, hiện đại.
Hầu hết mạng lưới trường lớp ở thành phố Đà Nẵng được đầu tư khang trang, hiện đại.

Xây dựng môi trường học tập tốt

Ở bậc học THPT, Trường THPT Phan Châu Trinh được xem là ngôi trường chất lượng cao, chỉ đứng sau Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn. Thế nhưng, cơ sở vật chất chật chội, nhà trường luôn trong tình trạng quá tải học sinh.

Trước tình hình trên, UBND thành phố Đà Nẵng quyết định đầu tư cơ sở 2 của nhà trường tại 167 Lê Lợi (quận Hải Châu) với tổng kinh phí 90,6 tỷ đồng. Trường được xây dựng với quy mô 3 tầng khá hiện đại. Đầu năm học 2016-2017, cơ sở 2 được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Ông Trần Văn Quang, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh phấn khởi nói: Nhìn cơ sở vật chất nhà trường được xây dựng khang trang, hiện đại; trang thiết bị dạy học được trang bị đầy đủ, đồng bộ, thầy và trò nhà trường rất phấn khởi. Đây là động lực mạnh mẽ để thầy và trò nhà trường tiếp tục nỗ lực gặt hái thêm nhiều thành tích hơn nữa trong công tác dạy và học.

Tính đến hết năm học 2015-2016, toàn ngành GD&ĐT có 178 trường mầm non, mẫu giáo, trong đó có 108 trường ngoài công lập; 99 trường tiểu học, trong đó có 1 trường ngoài công lập; 59 trường THCS và trường tiểu học và THCS, trong đó có 3 trường ngoài công lập; 26 trường THPT, trong đó có 8 trường ngoài công lập; 8 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, Giáo dục thường xuyên - kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và dạy nghề; có 3 trường TCCN, trong đó 2 trường ngoài công lập; có 9 trường đại học, cao đẳng ngoài công lập. Hầu hết cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học trong giai đoạn hiện nay.

Thực hiện mục tiêu xây dựng trường học 2 buổi trên ngày, trong hai năm 2015 và 2016, UBND thành phố đã đầu tư 48 công trình phục vụ việc học 2 buổi/ngày ở tiểu học với kinh phí 282,4 tỷ đồng nhằm bảo đảm đến năm học 2017-2018 có 100% học sinh tiểu học trên toàn thành phố học 2 buổi/ngày. Bên cạnh đó, các phòng học bộ môn, thư viện và trường học đạt chuẩn quốc gia được chú trọng. Đến nay, toàn ngành có 159 thư viện đạt chuẩn (86,9%); 55 trường có phòng học bộ môn đạt chuẩn (50,9%); 173 trường đạt chuẩn quốc gia (47,6%).

Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo

Xác định đội ngũ có vai trò tiên quyết trong việc nâng cao chất lượng dạy và học ở các trường phổ thông, ngành GD&ĐT một mặt chú trọng nâng cao chất lượng đầu vào của giáo viên thông qua các kỳ thi tuyển hằng năm; mặt khác tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên học tập nâng cao trình độ chuyên môn.

Theo ông Ngô Văn Nhân, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở GD&ĐT, hằng năm, Sở GD&DT phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, nâng cao năng lực chuyên môn của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và viên chức các bậc học. Tổ chức cho 100% cán bộ, giáo viên, nhân viên các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố được bồi dưỡng pháp luật, chuyên môn hè hằng năm. Riêng đối với cán bộ, giáo viên có nhu cầu học thêm sau đại học, ban giám hiệu các trường tạo điều kiện, khuyến khích để họ học tập bằng nguồn ngân sách hoặc tự túc.

Đến cuối năm học 2015-2016, toàn ngành có 100% cán bộ quản lý và giáo viên mầm non có trình độ đạt chuẩn, trong đó có 76,7% đạt trình độ trên chuẩn đào tạo; tiểu học có 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt trình độ chuẩn, trong đó có 92,79% đạt trình độ trên chuẩn đào tạo; THCS có 100% đạt trình độ chuẩn, trong đó có 87,7% đạt trình độ trên chuẩn đào tạo; THPT có 100% cán bộ quản lý và giáo viên đạt chuẩn, trong đó 25,5% trên chuẩn đào tạo; trung tâm giáo dục thường xuyên có 100% đạt trình độ chuẩn, trong đó có 27,78% trên chuẩn đào tạo.

Đến thời điểm hiện nay, toàn ngành GD&ĐT thành phố có 10 cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ tiến sĩ và 650 thạc sĩ. Hơn 70 cán bộ quản lý, giáo viên đang tham gia học cao học, nghiên cứu sinh trong và ngoài nước bằng nguồn ngân sách và bản thân giáo viên tự túc học phí.

Những quả ngọt đầu mùa  

Cùng với việc đầu tư đồng bộ về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp bậc học phổ thông, ngành GD&ĐT thành phố chú trọng đầu tư, nâng cao chất lượng học sinh mũi nhọn, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ thành phố.

Trong đó, việc đầu tư xây dựng mô hình Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn kể từ năm học 2003-2004 đã minh chứng cho hướng đi đúng đắn ấy. Bởi lẽ, từ ngày thành lập đến nay, nhà trường đã góp phần phát hiện, bồi dưỡng, tạo điều kiện tốt cho học sinh phát huy năng lực, phát hiện những nhân tố nổi trội để bồi dưỡng, phát triển nhân lực chất lượng cao.

Từ ngôi trường nổi tiếng này, nhiều học sinh Đà Nẵng đoạt các giải thưởng cao trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia và quốc tế, được bạn bè trong nước cũng như quốc tế đánh giá cao, nổi bật là các em: Đinh Hưng Tư, Nguyễn Đình Tùng, Phạm Xuân Hòa, Đỗ Quốc Khánh, Bùi Đức Thắng, Huỳnh Minh Toàn, Nguyễn Quốc Toán, Nguyễn Bá Cảnh Sơn, Nguyễn Kiều Hiếu, Phạm Việt Cường, Hoàng Lê Phương, Lê Hữu Phước, Trương Thị Phương Thảo, Nguyễn Phan Trung Hải, Vương Nguyễn Thùy Dương, Lê Thị Nguyệt Hằng…

Xác định nguồn nhân lực chất lượng cao là yếu tố tiên quyết trong việc xây dựng và phát triển thành phố ngày càng giàu đẹp, trở thành trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của cả khu vực miền Trung, thông qua các đề án, thành phố Đà Nẵng đã hỗ trợ toàn bộ kinh phí để các học sinh xuất sắc, học sinh giỏi tham gia các chương trình đào tạo bậc đại học, sau đại học trong vào ngoài nước (hiện nay tên gọi là Đề án 922). Sau khi tốt nghiệp, học viên được thành phố ưu tiên bố trí việc làm phù hợp với năng lực, sở trường.

Theo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng, tính đến tháng 7-2015, đã có 625 lượt người tham gia Đề án 922, trong đó có 397 học viên bậc đại học (163 học trong nước, 234 học ở nước ngoài); 109 lượt học viên bậc sau đại học ở nước ngoài (89 học viên cao học và 20 nghiên cứu sinh), 119 học viên tham gia đề án theo kế hoạch đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú. Số lượng học viên tham gia Đề án 922 đã tốt nghiệp là 390 lượt người và có 315 người công tác tại các cơ quan, đơn vị của thành phố.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, để tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học, góp phần tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao, phục vụ việc xây dựng, phát triển thành phố, cùng với việc kiện toàn cơ sở vật chất, ngành GD&ĐT sẽ tiếp tục tập trung đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo, phát huy năng lực học sinh. Cùng với đó, nhà trường chú trọng giáo dục đạo đức, bồi dưỡng lý tưởng, tinh thần yêu nước để đào tạo thế hệ trẻ “vừa hồng vừa chuyên”.

Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN

;
.
.
.
.
.