Giáo dục
Bộ trưởng Giáo dục ra chỉ thị khẩn về chấn chỉnh đạo đức nhà giáo
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã ký Chỉ thị về việc tăng cường các giải pháp đảm bảo an toàn trong các cơ sở giáo dục.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN) |
Chỉ thị nêu rõ thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn thương tích; bạo hành, xâm phạm thân thể, sức khỏe, tinh thần trẻ em, học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, có trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng. Một số cơ sở giáo dục vi phạm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn lao động, phòng chống cháy nổ. Các vụ việc trên đã ảnh hưởng không tốt đến an toàn tính mạng của học sinh; uy tín, danh dự của đội ngũ nhà giáo; an ninh, trật tự trường học và gây bức xúc trong xã hội.
Nhằm bảo đảm an toàn trong các cơ sở giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trên địa bàn tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 8077/2007/ CT-BGDĐT ngày 21/12/2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về tập trung kiểm tra chấn chỉnh vi phạm đạo đức nhà giáo.
Thủ trưởng các cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý cấp trên khi để xảy ra các vụ việc liên quan đến vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc các vụ việc ảnh hưởng đến an toàn của người học; xử lý kịp thời, nghiêm túc theo quy định của pháp luật đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm.
Các cơ sở giáo dục tăng cường nền nếp, kỷ cương, xây dựng và thực hiện Quy tắc ứng xử văn hóa trong trường học. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả công tác tư vấn tâm lý cho học sinh, quan tâm giáo dục đối với học sinh có hoàn cảnh đặc biệt. Tăng cường trách nhiệm của của lãnh đạo nhà trường, Bí thư Đoàn Thanh niên, Tổng phụ trách đội, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn, cán bộ, nhân viên của nhà trường trong việc quản lý, giáo dục học sinh; phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường với Ban đại diện cha mẹ học sinh, cơ quan công an, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Khuyến học, Hội Cựu giáo chức và các cơ quan liên quan ở địa phương triển khai quyết liệt các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn có hiệu quả tình trạng học sinh đánh nhau; các hành vi bạo lực, xâm hại đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục.
Các cơ sở giáo dục thực hiện đầy đủ các nội dung, quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phòng chống, giảm thiểu nguy cơ và khắc phục hậu quả tai nạn, thương tích trong trường học. Các đơn vị này cũng cần q uán triệt và thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ ; các quy định về quản lý và xử lý các loại hóa chất độc hại, quy trình quản lý phòng thí nghiệm, an toàn, vệ sinh lao động, đảm bảo môi trường trường học an toàn; thực hiện nghiêm túc các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các trường học có tổ chức bữa ăn bán trú cho học sinh.
Các sở giáo dục và đào tạo phối hợp với các địa phương, ban, ngành có liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục mầm non tư thục về việc quản lý cấp phép và việc thực hiện các điều kiện đảm bảo trường học an toàn, phòng chống tai nạn thương tích; các quy định về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ; các quy định về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự trường học. Các đơn vị giáo dục cần xử lý nghiêm các cơ sở giáo dục, tổ chức, cá nhân vi phạm và công bố công khai trên các phương tiện truyền thông.
Các sở cần tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố rà soát cơ sở vật chất của các cơ sở giáo dục trên địa bàn, kiên quyết loại bỏ các công trình không đảm bảo chất lượng, không an toàn đối với học sinh và nhà giáo. Đồng thời, các địa phương bố trí kinh phí để cải tạo, sửa chữa các công trình đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn, xây mới các công trình còn thiếu. Việc cải tạo các công trình khác thành trường học cần tuân thủ các yêu cầu của thiết kế trường học, đáp ứng mục đích và tính đặc thù của đối tượng sử dụng.
Bộ trưởng cũng yêu cầu Vụ Công tác học sinh sinh viên chủ trì tham mưu cho Bộ trưởng trong việc phối hợp với Trung ương Đoàn, các Bộ, ngành Trung ương tăng cường giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống cho học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.
Các Vụ: Giáo dục Mầm non, Giáo dục tiểu học, Giáo dục Trung học, Giáo dục thường xuyên chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục mầm non, phổ thông; tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, phòng chống bạo lực học đường cho học sinh; hướng dẫn thực hiên các quy định về xây dựng trường học an toàn.
Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục giúp Bộ trưởng đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo. Thanh tra Bộ tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định về xây dựng trường học an toàn trong các cơ sở giáo dục và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
Theo Vietnam+