.

Không giới hạn nguyện vọng xét tuyển: Nhiều cơ hội cho thí sinh

.

Quy chế tuyển sinh mới Bộ GD&ĐT vừa ban hành có nhiều thay đổi, trong đó điểm đáng chú ý nhất là không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh. Điều này mang lại nhiều cơ hội cho thí sinh nhưng cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc tuyển sinh của các trường đại học (ĐH) tại Đà Nẵng.

Không giới hạn nguyện vọng xét tuyển tạo nhiều cơ hội hơn cho thí sinh đậu vào ngành yêu thích tại các trường. Trong ảnh: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016.
Không giới hạn nguyện vọng xét tuyển tạo nhiều cơ hội hơn cho thí sinh đậu vào ngành yêu thích tại các trường. Trong ảnh: Thí sinh thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2016.

Thí sinh có nhiều cơ hội

Mong muốn học ngành du lịch, em Trương Nguyễn Minh Tâm, học sinh lớp 12/22 Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết sẽ đăng ký 2-3 nguyện vọng vào ngành du lịch của Trường ĐH Kinh tế và Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng).

“Năm nay không giới hạn số trường đăng ký xét tuyển, số ngành trong từng trường, nên tụi em có thể đăng ký cùng một ngành ở nhiều trường khác nhau để có cơ hội vào được ngành yêu thích hoặc chọn nhiều ngành trong cùng một trường để được vào trường ở địa phương đã chọn”, Tâm thổ lộ.

Ngoài ra theo Tâm, việc thí sinh đăng ký tuyển sinh lúc đăng ký dự thi THPT và được điều chỉnh nguyện vọng một lần sau khi có kết quả thi THPT là một thay đổi có nhiều thuận lợi cho thí sinh. Nhờ đó, thí sinh có nhiều thời gian suy nghĩ, lựa chọn và được điều chỉnh nguyện vọng sau khi đã biết kết quả thi THPT.

Bên cạnh đó, quy định điểm nhận hồ sơ xét tuyển đợt bổ sung không thấp hơn điểm trung tuyển đợt 1 sẽ loại bỏ được tình trạng thí sinh điểm thấp thì trúng tuyển trong khi thí sinh điểm cao không được vào học. Do đó, các em sẽ yên tâm hơn khi đã được có tên trong danh sách trúng tuyển đợt 1 để xác định nhập học. Ngoài việc tạo sự công bằng giữa các thí sinh, quy định này sẽ góp phần hạn chế tình trạng trúng tuyển ảo của năm 2016.

PGS.TS Lê Văn Huy, Trưởng phòng Đào tạo thuộc Trường ĐH Kinh tế cho biết, năm nay quy chế tuyển sinh của Bộ GD&ĐT cho học sinh đăng ký tuyển sinh ĐH tại thời điểm đăng ký thi tốt nghiệp THPT là nét tích cực, giúp giảm áp lực trong việc phải xử lý lượng lớn hồ sơ đăng ký xét tuyển trong một thời gian ngắn như 2 năm vừa qua.

“Việc không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển và đăng ký sắp xếp thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng giúp thí sinh ưu tiên lựa chọn ngành học, trường học theo yêu thích của mình và các trường tránh tình trạng ảo khi mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển một nguyện vọng duy nhất được xét theo trình tự ưu tiên đã đăng ký. Tuy nhiên, cách làm này đòi hỏi các trường phải nâng cao chất lượng đào tạo, tham gia kiểm định trường, kiểm định chương trình đào tạo, đặc biệt là định hướng đầu ra về việc làm cho sinh viên để cam kết chất lượng đào tạo đối với xã hội”, PGS.TS Lê Văn Huy nói.

Đồng thời theo thầy Huy, các trường cũng phải năng động trong công tác hướng nghiệp, tư vấn tuyển sinh không chỉ cho học sinh lớp 12 mà còn tập trung vào học sinh các lớp trước (lớp 10, 11) để các em có thể định hướng nghề nghiệp ngay khi ngồi trên ghế trường THPT.

Đà Nẵng điều chỉnh phương thức tuyển sinh

Theo PGS.TS Võ Văn Minh, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), mặc dù Bộ GD&ĐT không giới hạn nguyện vọng đăng ký xét tuyển của thí sinh nhưng thông thường các nguyện vọng từ 4 trở lên không có ý nghĩa trong xét tuyển.

“Năm nay, sau khi hết hạn đăng ký, các trường sẽ chủ động xét (dựa vào phần mềm) và dự kiến số lượng trúng tuyển. Sau đó gửi số liệu về Bộ GD-ĐT để dùng phần mềm chạy lại, nếu thí sinh trúng tuyển một trường A nào đó ở nguyện 1 thì sẽ loại ngay các nguyện vọng sau. Chính vì vậy, sẽ không có việc cùng một lúc trúng tuyển nhiều trường”, PGS.TS Võ Văn Minh nói. Như vậy, với kết quả cuối cùng, nếu thí sinh không muốn học thì không đăng ký nhập học chờ đợt sau dự tuyển.

TS. Phan Minh Đức, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, không giới hạn số nguyện vọng, số trường đăng ký xét tuyển đối với thí sinh là cần thiết để bảo đảm quyền lựa chọn của thí sinh. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT cũng cần bảo đảm về phần mềm quản lý dữ liệu quốc gia để thực hiện đúng quy chế tuyển sinh đã ban hành bởi chắc chắn tỷ lệ thí sinh ảo trong tuyển sinh sẽ nhiều trong khi tất cả các trường đều thao tác trên cùng một hệ thống.

Năm 2016, ĐH Đà Nẵng tuyển sinh theo nhóm gồm 9 cơ sở đào tạo thành viên với mục đích tăng cơ hội lựa chọn ngành, chọn trường cho thí sinh và giảm số lượng thí sinh trúng tuyển ảo. Tuy nhiên, năm nay, Bộ GD&ĐT cho phép các trường truy cập dữ liệu của cổng thông tin tuyển sinh và sử dụng phần mềm xét tuyển chung trong năm 2017 sẽ loại được tình trạng trúng tuyển ảo.

Với quy chế tuyển sinh vừa mới ban hành, thí sinh không bị giới hạn về số nguyện vọng đăng ký và có thể dẫn đến tình trạng trúng tuyển ảo. Để hạn chế tối đa tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã đưa ra giải pháp kỹ thuật bằng cách xét tuyển có điều chỉnh. Theo đó, các trường sẽ xét tuyển lần 1 và cập nhật kết quả lên cổng thông tin tuyển sinh của bộ, sau đó phần mềm xét tuyển chung của bộ loại ảo và trả kết quả về các trường để xét tuyển chính thức.

Trước tình hình này, PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, đơn vị đã có sự điều chỉnh và phương thức tuyển sinh theo nhóm trong năm 2017 của ĐH Đà Nẵng sẽ không còn nhiều ý nghĩa. Tuy nhiên, việc xét tuyển vào các cơ sở giáo dục ĐH thành viên thuộc ĐH Đà Nẵng vẫn sẽ được thực hiện chung.

“Theo tôi, giải pháp kỹ thuật này của bộ sẽ loại được ảo nếu các trường thực hiện nghiêm việc gửi/nhận dữ liệu theo các mốc thời gian quy định và việc xét tuyển phải thực hiện lặp lại nhiều lần giữa trường và phần mềm xét tuyển chung. Thực tế tuyển sinh những năm vừa qua cho thấy, khi xác định một án điểm chuẩn cần có sự bàn bạc kỹ lưỡng của các trường liên quan. Do đó, việc chạy phần mềm chung để đưa ra kết quả cuối cùng sẽ được thực hiện tốt nhất nếu có sự liên lạc chung trực tuyến của tất cả các trường trong quá trình xử lý lặp lại chương trình xét tuyển”, PGS.TS Đoàn Quang Vinh nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.