.

Giảng viên du học bằng ngân sách nhà nước: Một đi, không về

.

Hàng trăm giảng viên của các trường thành viên thuộc Đại học Đà Nẵng được cử đi đào tạo nước ngoài với mong muốn trở về phục vụ quê hương. Dù được hưởng nhiều ưu đãi ngay trong thời gian đi học nhưng hàng chục người trong số đó… một đi không trở lại.

Trước khi ra nước ngoài học tập, các giảng viên đều có cam kết trở về trường công tác sau khi học xong nhưng một số đã không thực hiện.
Trước khi ra nước ngoài học tập, các giảng viên đều có cam kết trở về trường công tác sau khi học xong nhưng một số đã không thực hiện.

Hết thời hạn học tập ở nước ngoài nhưng nhiều giảng viên vẫn không quay về trường công tác như cam kết ban đầu. Điều này gây tổn thất đáng kể cho ngân sách Nhà nước, ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín và hoạt động của các trường nhưng nhà trường chỉ biết cách ra quyết định buộc thôi việc.

Cam kết chỉ là... cam kết

Bà Nguyễn Kiều Trang (37 tuổi), giảng viên Trường Đại học (ĐH) Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) được Bộ GD&ĐT cử đi học tiến sĩ-chuyên ngành Văn học Pháp, tại Trường ĐH Paris – Est (Pháp) trong thời gian 3 năm kể từ tháng 12-2011.

Theo cam kết giữa bà Trang với ĐH Đà Nẵng, sau khi hoàn thành khóa học, bà Trang phải về nước ngay và báo cáo kết quả học tập cho ĐH Đà Nẵng; đồng thời cam kết công tác tại ĐH Đà Nẵng tối thiểu 7 năm (thạc sĩ) và 15 năm (tiến sĩ) tính từ thời điểm về nước. Nếu không thực hiện đúng điều cam kết trên, bà Trang phải bồi hoàn toàn bộ chi phí đào tạo cho Nhà nước hoặc tổ chức cấp học bổng đã đài thọ và bồi thường gấp 5 lần các khoản lương ĐH Đà Nẵng đã trả trong thời gian bà đi học nước ngoài.

Thế nhưng, cam kết chỉ là… cam kết. Theo PGS.TS. Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, hết thời hạn học tập, bà Trang đã không liên lạc với nhà trường mặc dù nhà trường nhiều lần gửi thông báo yêu cầu bà trở về nhận công tác. Cuối cùng, Trường ĐH Sư phạm buộc phải cho bà thôi việc.
Tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), thời gian qua cũng có nhiều trường hợp giảng viên đi học nước ngoài xong không quay về. Đơn cử như trường hợp ông Nguyễn Ngọc Nhân, giảng viên khoa Điện

tử - Viễn thông được cử đi học chuyên ngành hệ thống nhúng ở nước Anh từ tháng 9-2011 đến tháng 9-2013. Thế nhưng, hết thời gian học tập, ông Nhân không trở về và sau đó bị buộc thôi việc. PGS.TS Lê Kim Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết:

“Nhà trường cũng đã tạo điều kiện cho giảng viên bằng cách đồng ý để họ ở lại 2 năm nghiên cứu tiếp nếu muốn nhưng hết 2 năm đó phải về trường làm việc. Tuy nhiên, sau 3 lần gửi giấy báo mà không nhận được phản hồi, chúng tôi đành phải xử lý buộc thôi việc”.

Thời gian qua, Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cũng có một vài giảng viên được cử đi đào tạo ở nước ngoài nhưng không trở về. Trong đó có một cán bộ xin kết thúc hợp đồng khi đang học và không báo cáo kết quả học tập theo quy định và một cán bộ không báo cáo kết quả học tập theo đúng thời hạn quy định.

Đó là ông Lê Minh Sơn (31 tuổi), học ngành Ngôn ngữ và văn hóa Hàn Quốc tại Hàn Quốc và ông Lê Nguyễn Minh Phương (30 tuổi), học ngành Phương pháp giảng dạy tiếng Hàn tại Hàn Quốc. Do vi phạm cam kết trước khi đi học và không quay về trường nên nhà trường đã thành lập hội đồng xử lý kỷ luật, buộc thôi việc và bồi thường kinh phí theo quy định.

Ngân sách tốn tiền tỷ

Theo thống kê của ĐH Đà Nẵng, ở các trường thành viên hiện có 25 giảng viên được cử đi đào tạo nước ngoài không trở về. Cụ thể, Trường ĐH Bách khoa 9 người, Trường ĐH Kinh tế 3 người; Trường ĐH Sư phạm 5 người; Trường ĐH Ngoại ngữ 4 người; Trường Cao đẳng Công nghệ 3 người và Trung tâm Phát triển phần mềm 1 người.

Có rất nhiều lý do được các giảng viên đưa ra để biện hộ cho việc họ không trở về. Một số trường hợp lập gia đình khi đang học ở nước ngoài và lấy cớ xin nghỉ dạy hoặc do không hoàn thành nghiên cứu sinh nên họ nghỉ luôn để tìm việc khác ở quốc gia đó…

Như vậy, nếu học viên đi học theo Đề án “Đào tạo cán bộ khoa học, kỹ thuật tại các cơ sở nước ngoài bằng ngân sách Nhà nước” (gọi tắt là Đề án 322) hay Đề án “Đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020” (gọi tắt là Đề án 911) thì việc họ không trở về đã gây tổn thất cho ngân sách Nhà nước hàng tỷ đồng.

“Khi giảng viên đi học ở nước ngoài, chúng tôi luôn tạo điều kiện tối đa cho họ. Trong thời gian đó, những đối tượng này được hưởng 40% lương hằng tháng, được nhà trường đóng bảo hiểm xã hội 100%. Thời gian đi học được tính vào thời gian nâng bậc lương thường xuyên, đồng thời được tính phụ cấp thâm niên nhà giáo, xét thi đua khen thưởng cuối năm học. Không chỉ được giữ vị trí làm việc khi quay trở lại công tác, những giảng viên này còn được ưu tiên xem xét bổ nhiệm, đề bạt”, PGS.TS Lê Kim Hùng cho biết.

Trước khi cử đi học, mỗi giảng viên phải ký cam kết trở về phục vụ cho trường ít nhất 5 năm và nếu không thực hiện đúng cam kết sẽ phải bồi hoàn kinh phí theo quy định của Nhà nước. Số tiền này được tính bằng tổng chi phí Nhà nước bỏ ra bao gồm 40% lương hằng tháng cùng các khoản bảo hiểm xã hội và những chi phí phát sinh khác…

Nếu đi theo đề án 322 hay 911 thì buộc các học viên phải trả lại 100% kinh phí đã nhận. Tuy nhiên, đối với trường hợp học viên đi bằng nguồn kinh phí từ các suất học bổng nước ngoài hay chương trình liên kết đào tạo (giữa các đơn vị với ĐH Đà Nẵng) thì… không thể thu hồi. “Các suất học bổng này không cho cá nhân mà thường là dành cho ĐH Đà Nẵng sau đó phân bổ về các trường và trường phân bổ cho giảng viên.

Hoặc nếu do một giáo sư nào đó mời giảng viên thì trước đó cũng đã làm việc với trường, trường cử đi bằng uy tín của nhà trường nhưng giảng viên ra nước ngoài thì một số lại biệt tăm luôn. Đúng ra phải thu hồi khoản kinh phí đó nhưng thực tế nguồn kinh phí các tổ chức nước ngoài chi ra một năm bao nhiêu thì trường không biết nên khó thu hồi. Bên cạnh đó, cũng không biết căn cứ điều luật nào để thu”, PGS.TS. Lưu Trang nói.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.