.

Giảng viên du học bằng ngân sách Nhà nước: Một đi, không về

.

(Tiếp theo và hết)

Việc một số giảng viên du học rồi biệt tăm gây nên tình trạng chảy máu chất xám, ảnh hưởng đến việc bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao của các trường thuộc Đại học Đà Nẵng.

Phá vỡ quy hoạch nhân sự

PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường Đại học (ĐH) Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Khi cử các giảng viên này đi học, chúng tôi phải nhờ người hỗ trợ, đứng lớp thay. Trường hợp giảng viên đó phá vỡ cam kết, không về, nhà trường phải tuyển giảng viên mới”.

Việc cử một giảng viên đi học tiến sĩ ở nước ngoài cũng để tạo nguồn bổ nhiệm các vị trí quan trọng như trưởng hoặc phó khoa. Cho nên sau khi hết thời gian học, nếu người đó không về thì không chỉ khoa bị thiếu hụt giảng viên mà công tác quy hoạch cán bộ của nhà trường cũng phải thay đổi.

Ngoài chế tài, cần có chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt hơn để giảng viên về nước làm việc sau khi học ở nước ngoài.
Ngoài chế tài, cần có chế độ đãi ngộ và môi trường làm việc tốt hơn để giảng viên về nước làm việc sau khi học ở nước ngoài.

Theo PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cán bộ, viên chức được cử đi đào tạo, bồi dưỡng nếu vượt quá thời hạn thể hiện trong quyết định cử đi đào tạo, bồi dưỡng của cấp có thẩm quyền thì thời gian vượt quá (kể cả thời gian được cấp có thẩm quyền cho phép gia hạn) không được tính để xét nâng bậc lương thường xuyên theo quy định.

Đồng thời nếu họ tự ý bỏ học, không hoàn thành khóa học hoặc hoàn thành khóa học nhưng không được cơ sở đào tạo cấp văn bằng tốt nghiệp hoặc chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo, bồi dưỡng thì cấp có thẩm quyền theo phân cấp đánh giá, phân loại bằng văn bản cho họ ở mức độ không hoàn thành nhiệm vụ và kéo dài thời gian xét nâng bậc lương thường xuyên 6 tháng trong thời gian giữ bậc lương hiện có.

Bên cạnh đó, cam kết giữa giảng viên với nhà trường hoặc với ĐH Đà Nẵng về việc bồi hoàn chi phí đào tạo rất rõ ràng. Thế nhưng trên thực tế, để “đòi” được số tiền trên là rất khó khăn. Chỉ có một vài trường hợp cá nhân hoàn trả kinh phí cho Nhà nước.

Đó là trường hợp giảng viên N.H.A.P. (trước đây công tác tại Trường ĐH Kinh tế) đi học để lấy bằng thạc sĩ tại Hàn Quốc (Đề án 322) đã nộp hoàn trả kinh phí cho Nhà nước với số tiền 14.000 USD. Còn lại hàng chục giảng viên khác vẫn bặt vô âm tín và động thái duy nhất các trường đại học, cao đẳng nơi họ từng làm việc là... cho nghỉ việc.

Theo nhiều lãnh đạo trường ĐH tại Đà Nẵng, việc tiếp tục cử giảng viên đi học sau ĐH ở nước ngoài bằng các nguồn học bổng từ các đề án của Chính phủ Việt Nam cũng như các nguồn khác (chính phủ các nước, dự án của giáo sư, học bổng của các trường ĐH trên thế giới…) vẫn là chủ trương được khuyến khích do có nhiều ưu điểm: tiết kiệm ngân sách Nhà nước (với các trường hợp được cấp học bổng khác); tiếp thu được trình độ chuyên môn cao, hiện đại, tác phong nghiên cứu chuyên nghiệp; trình độ ngoại ngữ nâng cao.

Đồng thời, họ cũng là cầu nối quan trọng thiết lập mối quan hệ, hợp tác trong nghiên cứu, giảng dạy giữa nhà trường với các trường, viện nghiên cứu nước ngoài. Tuy nhiên, cần có những biện pháp hạn chế tình trạng giảng viên không trở về.

Cần giải pháp hữu hiệu hơn

Lâu nay, các trường chủ yếu kêu gọi tinh thần yêu nước, yêu trường của giảng viên để họ học xong trở về phục vụ. PGS.TS Lưu Trang cho rằng, ngoài những yếu tố trên, cần phải nâng cao cơ hội việc làm, điều kiện thể hiện tài năng và tạo môi trường làm việc hiện đại tương xứng các nước trong khu vực để giảng viên có động lực quay về. Khi giảng viên trở về làm việc tại trường thì chính bản thân họ cũng được nâng cao vị thế.

Theo PGS.TS Lưu Trang, bên cạnh việc cử giảng viên đi đào tạo ở nước ngoài, việc thu hút giảng viên từ các nơi khác về trường làm việc cũng là một cách làm hay.

“Anh cứ đi học, có bằng cấp và chúng tôi tuyển dụng nếu phù hợp với nhu cầu. Có thể có chế độ đãi ngộ thật tốt. Cách làm này thuận tiện rất nhiều cho nhà trường bởi không phải bỏ nhiều kinh phí đào tạo. Tuy nhiên, địa phương cũng nên có chính sách hỗ trợ các trường ĐH thu hút giảng viên chất lượng cao như: bố trí nhà ở, hỗ trợ kinh phí cho việc đi lại...”, PGS.TS Lưu Trang nói.

Để hạn chế tình trạng chảy máu chất xám, TS Trần Hữu Phúc, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) cho rằng, song song với việc phối hợp với ĐH Đà Nẵng thực hiện thủ tục cam kết, trước khi đi học ở nước ngoài, giảng viên cần có bảo lãnh của gia đình và chứng thực của địa phương nơi cư trú về việc sau khi học tập ở nước ngoài sẽ quay về công tác lâu dài tại trường.

Nhà trường sẽ tiếp tục bổ sung các quy định nâng cao trách nhiệm của giảng viên cũng như xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Nhà trường cũng kết nối thông tin thường xuyên đến đơn vị cấp học bổng, cơ sở đào tạo mà giảng viên theo học ở nước ngoài.

Theo TS Trần Hữu Phúc, cần phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại nước sở tại và các cơ quan chức năng có liên quan trong việc yêu cầu giảng viên quay về phục vụ nhà trường.

PGS.TS Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, để các trường không bị động nếu giảng viên không trở về, ĐH Đà Nẵng đã có phương án bổ sung nguồn nhân lực. Hằng năm, các trường và các đơn vị trực thuộc ĐH Đà Nẵng phải có đề án vị trí việc làm và trình ĐH Đà Nẵng phê duyệt để tuyển dụng giảng viên có trình độ tiến sĩ về giảng dạy tại các trường nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao, bù đắp số thiếu hụt.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.