Bộ GD&ĐT vừa đưa ra lộ trình kiểm định chất lượng giáo dục đại học (ĐH). Theo đó, đến cuối năm 2017 phải có 35% số trường ĐH và 10% số trường cao đẳng (CĐ) sư phạm trên cả nước được kiểm định; đến cuối năm 2020 có 100% trường ĐH và CĐ được kiểm định. Riêng tại Đà Nẵng, nhiều trường đã hoàn thành kiểm định chất lượng để đáp ứng yêu cầu mới.
Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất là một trong những hoạt động nhằm nâng cao chất lượng của các trường đại học. TRONG ẢNH: Một giờ tự học ở thư viện của sinh viên Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng. |
Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) là một trong những trường ĐH đầu tiên trong cả nước được đánh giá ngoài và được cấp giấy chứng nhận đạt chuẩn chất lượng. Việc triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng đã giúp nhà trường có thể nhìn lại toàn bộ hoạt động dạy và học, từ đó biết mình đang ở mức độ nào so với chuẩn nhằm có kế hoạch, định hướng phát triển về nhiều mặt như: công tác quản lý, quy mô đào tạo, các hoạt động nghiên cứu khoa học. Theo PGS.TS Lưu Trang, Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm, để được công nhận kiểm định chất lượng, trước đó nhà trường phải hoàn thành công tác tự đánh giá theo bộ tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục trường ĐH trong hơn 3 năm liền. Nhờ đó, các hoạt động của trường được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực, diễn ra thực chất, có chất lượng tốt hơn và được công nhận đạt chuẩn chất lượng giáo dục bởi Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội vào tháng 4-2016.
Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), sau nhiều năm được công nhận là cơ sở giáo dục ĐH đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục, nhà trường luôn đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, giảng viên, đầu tư cho hoạt động sinh viên... Nhiều hoạt động của nhà trường được cải tiến, trong đó không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ. Ngoài ra, cơ sở vật chất của nhà trường cũng từng bước được đầu tư với các dãy nhà làm việc, phòng máy và phòng học, thư viện theo hướng hiện đại, đáp ứng được yêu cầu dạy và học hiện nay.
Là trường ĐH ngoài công lập, Trường ĐH Duy Tân Đà Nẵng cũng không ngừng đổi mới về mọi mặt. Nhiều năm qua, việc đào tạo của nhà trường luôn gắn liền nghiên cứu thực nghiệm với 731 bài báo đăng tại các tạp chí khoa học trong nước và quốc tế, trong đó có 405 bài báo quốc tế có chỉ số ISI/SCI... Việc hỗ trợ sinh viên tốt nghiệp sau 1 năm có việc làm đúng ngành nghề trên 75% là nỗ lực không nhỏ của nhà trường. Ngoài ra, trường cũng đẩy mạnh xây dựng đội ngũ với hơn 17% giảng viên có trình độ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư trong tổng số 1.100 cán bộ, giảng viên cơ hữu trong thời gian khá ngắn. Nhờ đó, Trường ĐH Duy Tân là trường đầu tiên ngoài công lập trên cả nước được trao giấy chứng nhận kiểm định chất lượng. Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân cho biết, thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục kiểm định các ngành theo các chuẩn quốc gia và quốc tế như ABET, ACBSP và ACPHA và đào tạo sinh viên có tinh thần khởi nghiệp để sau khi tốt nghiệp có thể phát triển từ những gì đã học.
Theo GS.TS Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, hoạt động kiểm định chất lượng rất quan trọng trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục. “Đạt kiểm định chất lượng giáo dục không phải là điểm cuối cùng mà đây chỉ là dấu mốc đầu tiên để các trường ĐH cải tiến và hoàn thiện điều kiện phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học. Phải có sự phân tầng, xếp loại giữa các trường, chứ không còn đánh đồng như trước đây. Bởi vậy, đã đến lúc các trường phải liên tục tự hoàn thiện mình để được người học, xã hội tin cậy, chọn lựa. Đó cũng là đòi hỏi tất yếu của xu thế hội nhập bởi khi nước ta đã tham gia Cộng đồng ASEAN và sự dịch chuyển, trao đổi lẫn nhau về nguồn nhân lực đòi hỏi yêu cầu chất lượng lao động ngày càng cao”, GS.TS Bùi Văn Ga nói.
Hiện cả nước đang có 4 trung tâm kiểm định chất lượng giáo dục được thành lập và đã đi vào hoạt động là: Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH quốc gia Hà Nội; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, ĐH Đà Nẵng; Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội ĐH, CĐ Việt Nam. Để đạt được chất lượng đào tạo và được công nhận tại các trung tâm này, nhà trường phải bảo đảm các yếu tố như: nội dung chương trình đáp ứng nhu cầu xã hội, phương thức đào tạo tiên tiến, phương pháp học chủ động, môi trường học tập tạo điều kiện tốt nhất cho người học phát huy tối đa năng lực của bản thân... |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ