Thi đâu đoạt giải đó là điều các thầy cô và bạn bè đặc biệt ấn tượng về Ngô Tiểu My (lớp 11, Trường THPT Hòa Vang, quận Cẩm Lệ), cô học trò có niềm yêu thích đặc biệt với bộ môn Tin học.
Ngô Tiểu My (thứ hai, từ trái qua) nhận giải nhất tại Hội thi Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng lần thứ 20, năm 2017. |
Ấn tượng của chúng tôi trong lần đầu gặp Ngô Tiểu My tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc lần thứ 22, năm 2016, được tổ chức tại Bình Định là hình ảnh cô học trò xinh xắn đến từ thành phố Đà Nẵng cứ quấn quýt chân mẹ sau mỗi giờ thi. Thế nhưng, đằng sau dáng vẻ rụt rè đó, Tiểu My là một nữ sinh rất thông minh, đặc biệt với bộ môn Tin học khi tham gia cuộc thi nào từ cấp thành phố đến quốc gia, em cũng đều đoạt giải.
Năm đó, sản phẩm “Cẩm nang y tế học đường”, một ứng dụng không cần kết nối Internet, chạy trên các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính bảng và máy tính cố định của Ngô Tiểu My đoạt giải nhì tại Hội thi Tin học trẻ toàn quốc và giải nhất Hội thi Tin học trẻ cấp thành phố. Trước đó, năm 2015, cũng với sản phẩm này, Ngô Tiểu My đoạt giải ba Cuộc thi Khoa học - Kỹ thuật cấp thành phố, do Sở GD&ĐT Đà Nẵng tổ chức, giải nhì Hội thi Tin học trẻ cấp thành phố và giải khuyến khích Cuộc thi “Sáng tạo Thanh-thiếu niên, nhi đồng toàn quốc”.
Mới đây, chúng tôi gặp lại Ngô Tiểu My tại Hội thi Tin học trẻ thành phố Đà Nẵng năm 2017 với sản phẩm “Hệ thống vườn thông minh (Smart Garden)” và không bất ngờ khi sản phẩm của em xuất sắc nhận giải nhất phần thi “Phần mềm sáng tạo” dành cho khối THPT. Tiểu My chia sẻ, với sản phẩm này, em sử dụng công nghệ IoT (Internet of Things), kết hợp giữa lập trình điều khiển phần cứng, sử dụng các cảm biến để đo nhiệt độ và độ ẩm của đất, sau đó gửi dữ liệu về trung tâm xử lý. Dựa trên kết quả số liệu đo đạc của thiết bị, hệ thống sẽ đưa ra các xử lý tự động như tự động phun nước, báo cho chủ vườn biết cây sắp đến mùa thu hoạch hay chưa. Để hoàn thiện sản phẩm, em dành gần một năm nghiên cứu các ứng dụng dưới sự giúp đỡ nhiệt tình của gia đình, thầy cô và bạn bè.
“Nếu như trước đây, sản phẩm dự thi của em đơn giản chỉ là phần mềm, thì năm nay, với sản phẩm “Hệ thống vườn thông minh”, em đã kết hợp phần mềm, phần cứng và áp dụng khá nhiều công nghệ mới. Năm đầu tiên sử dụng phần cứng đi kèm, em gặp chút khó khăn trong việc lập trình arduino (bo mạch vi xử lý) nên dành nhiều thời gian vào mạng xem video hướng dẫn lập trình và đọc thêm sách tham khảo. Ngoài ra, vì đây là phần mềm về hệ thống vườn thông minh tự động nên em chú tâm tìm hiểu cả kiến thức nông nghiệp”, Tiểu My cho biết.
Làm quen với Tin học từ cấp tiểu học, khi trong nhà chưa có máy vi tính, tình yêu với những “phần mềm”, “phần cứng” cứ theo đó lớn dần trong em. Cho đến bây giờ, thầy cô Trường tiểu học Hoàng Dư Khương (quận Cẩm Lệ) vẫn còn đầy tự hào khi nhắc về Ngô Tiểu My - cô bé lớp 5 ngày ấy từng đoạt giải nhất Hội thi Tin học trẻ cấp thành phố năm 2012 với sản phẩm đầu tay “Thư mục sách online”. Cô Lê Thị Hướng, giáo viên môn Tin học, Trường tiểu học Hoàng Dư Khương - người thắp lên ngọn lửa đam mê Tin học và sát cánh cùng My trong những ngày đầu làm quen với bộ môn này cho biết, em là cô bé thông minh và kiên trì theo đuổi mục tiêu của mình. Cô Hướng nhớ như in hình ảnh cô học trò nhỏ hằng trưa không ngủ, xin phép gia đình lên thư viện mượn máy tính nhà trường để nhập dữ liệu cho phần mềm thư mục sách và luôn đặt ra những câu hỏi để tìm hướng giải quyết hợp lý nhất.
Riêng bản thân My, lần đầu mày mò sáng tạo phần mềm, em luôn cảm thấy việc này rất khó, nhưng càng khó em càng muốn theo đuổi. “Phần mềm “Thư mục sách online” nói về sách nên dữ liệu khá lớn, mất nhiều thời gian hoàn thành. Khi ấy nhà em chưa có máy vi tính, nhiều lúc chưa kịp lưu mà bị cúp điện nên toàn bộ dữ liệu mất sạch, em phải nhập lại từ đầu. Vất vả, song em không nản lòng. Sau tất cả cố gắng, giải nhất cấp thành phố năm ấy là động lực để em tiếp tục phấn đấu hơn nữa”, My chia sẻ.
Tính đến nay, Ngô Tiểu My đoạt 7 giải thưởng về Tin học cấp thành phố và quốc gia. Sau các giải thưởng, điều em mong ước nhất là các sản phẩm của em và của những thí sinh khác không chỉ dừng lại khi cuộc thi kết thúc mà sẽ được hỗ trợ đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Bài và ảnh: TIỂU YẾN