Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng vừa tổ chức thí điểm chương trình giáo dục thể chất Hexathlon của Nhật Bản cho giáo viên và học sinh tiểu học. Bên cạnh những mặt tích cực, để chương trình được phổ biến rộng rãi vẫn còn nhiều điều cần bàn…
Học sinh Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) hào hứng tham gia chương trình giáo dục thể chất của Nhật Bản. |
Sáng sớm, tại sân Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu), từng tốp học sinh hào hứng tham gia các trò chơi theo nhóm như: ném tên lửa, ném đĩa, di chuyển nhảy bậc… Quệt những giọt mồ hôi trên má, cậu bé Nguyễn Minh Chiến (học sinh lớp 1/4) tươi cười: “Con thấy học thể dục vui quá ạ. Được chơi nhiều trò mới lạ, con thích lắm”. Nhiệt tình chơi trò nhảy bậc không kém cậu bạn cùng lớp, cô bé Đinh Hứa Hoàng Anh sôi nổi nói: “Con thích nhất trò nhảy bậc nhưng cũng mệt vì phải vận động nhiều ạ”.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các em đều khá thích thú với các trò chơi vận động mạnh. Tuy nhiên, cũng có một số em chưa quen vận động nhiều nên bị mệt. Một giờ học theo kiểu này có khoảng hơn 20 học sinh và phải có ít nhất 2 giáo viên giáo dục thể chất hỗ trợ các em sử dụng dụng cụ đĩa mềm, búa mềm, vòng nhựa với nhiều kích cỡ khác nhau. Những dụng cụ này hầu hết có thiết kế an toàn, gọn nhẹ, dễ tháo lắp và màu sắc đa dạng, phù hợp với lứa tuổi, giúp học sinh có thể thỏa sức phát huy tính sáng tạo, biến đổi vật dụng thành nhiều trò chơi khác nhau.
Bà Chu Cẩm Linh, đại diện đơn vị phối hợp với Sở GD&ĐT thực hiện chương trình thí điểm này cho biết, Hexathlon là chương trình giáo dục thể chất toàn diện được phát triển bởi các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản. Đây là chương trình đã thử nghiệm thành công tại Nhật Bản và được Bộ Khoa học công nghệ, thể thao, văn hóa, giáo dục Nhật Bản nhân rộng tại một số quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. “Chúng tôi cũng đã triển khai tại một số trường trên địa bàn Hà Nội và nhận được phản hồi tích cực từ các em. Hiện nay, thời lượng cho các em luyện tập, hoạt động thể chất rất ít. Trong khi đó, từ 4 đến 10 tuổi là “thời gian vàng” để các em vận động nhiều để phát triển hệ thần kinh, cơ xương…”, bà Linh nói. Theo bà Linh, chương trình không kỳ vọng các em sẽ thay đổi nhiều theo chuẩn nhất định mà chỉ cần các em tiến bộ hơn so với bản thân mình, giúp các em phát huy khả năng thể thao tiềm ẩn, thêm chủ động và tự tin trong học tập, vui chơi. Ngoài ra, chương trình còn mong muốn cải thiện các khả năng đang dần giảm sút của trẻ như khả năng học tập, giao tiếp, vận động…
Bên cạnh các ưu điểm, theo nhiều giáo viên, chương trình còn nhiều vấn đề cần bàn. Thầy Nguyễn Đức Tú, giáo viên dạy thể dục Trường tiểu học Núi Thành (quận Hải Châu) cho biết, muốn áp dụng chương trình này phải có khu vui chơi, hoạt động thể chất riêng biệt. Điều này không phải trường nào tại Đà Nẵng cũng đáp ứng được. “Diện tích sân trường nhỏ, học thể dục theo kiểu mới sẽ ảnh hưởng đến những lớp học văn hóa”, thầy Tú chia sẻ. Còn theo thầy Phạm Văn Cát, giáo viên dạy thể dục Trường tiểu học Lê Quý Đôn (quận Hải Châu), áp dụng cách học này vào trường không khó nhưng thực tế một tiết dạy thể dục chỉ từ 35-40 phút thì khó bảo đảm thời gian học các bài tập vận động nên phải có sự điều chỉnh nội dung linh hoạt. Đồng thời, lớp học hiện tại thường đông với khoảng 40 em. 1 giáo viên phải hướng dẫn, giám sát chừng đó em thì chỉ một chút lơ là có thể để xảy ra tai nạn thương tích. Ông Hồ Anh Dũng, phụ trách công tác Giáo dục thể chất, Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, chương trình chỉ được thí điểm tại một trường học trên địa bàn quận Hải Châu và sẽ xem xét, đánh giá hiệu quả cũng như tùy tình hình thực tế tại Đà Nẵng mới có thể nhân rộng.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ