Để làm bài thi tốt nghiệp đạt kết quả cao

.

Kỳ thi THPT quốc gia 2017 được tổ chức từ ngày 22 đến 24-6 tại từng địa phương trên cả nước. Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh học chương trình giáo dục THPT (gọi tắt là thí sinh giáo dục THPT) phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi do thí sinh tự chọn trong số 2 bài thi tổ hợp là Khoa học tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Học sinh lớp 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 2, ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp 2017.  							                                        Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Học sinh lớp 12 Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 2, ôn tập chuẩn bị thi tốt nghiệp 2017. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Để giúp học sinh có kết quả tốt trong kỳ thi, các giáo viên có nhiều kinh nghiệm giảng dạy tại Đà Nẵng chia sẻ một số kinh nghiệm.

* Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Trần Phú: Cần phân bổ thời gian hợp lý

Trong 120 phút làm bài, thí sinh cần lưu ý phân bổ thời gian hợp lý, chẳng hạn dành cho phần đọc hiểu 20 phút, phần nghị luận xã hội 30 phút, phần làm văn 70 phút. Các câu hỏi nhận biết có thể trả lời theo gạch đầu dòng. Câu hỏi vận dụng có thể trả lời bằng đoạn văn ngắn (5 - 7 dòng). Các em chú ý trả lời đúng trọng tâm. Phần nghị luận xã hội là một đoạn văn khoảng 200 từ, thí sinh cần bảo đảm đúng yêu cầu: có mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn. Phần làm văn bị giới hạn về thời gian nên sẽ gây khó khăn cho những em học vẹt, học tủ theo văn mẫu. Các em cần nắm vững ý chính của các tác phẩm văn học rồi viết thành một bài văn cô đọng, súc tích, bảo đảm cấu trúc một bài nghị luận văn học. Nói chung, các em cần trả lời ngắn gọn, đúng chính tả, diễn tả mạch lạc, trong sáng.

* Cô Võ Thị Việt Hà, giáo viên Sinh học, Trường THPT Tôn Thất Tùng: Nên sử dụng sơ đồ tư duy để nắm chắc kiến thức

Môn Sinh học là môn cuối cùng trong tổ hợp nên thời điểm đó học sinh rất dễ bị mệt mỏi. Nắm vững lý thuyết, các em có thể đậu tốt nghiệp, còn nếu muốn xét tuyển đại học thì phải luyện tập thêm nhiều bài tập, nhất là luyện giải những dạng cơ bản và bài tập tổng hợp để tập tư duy nhanh. Các em cũng nên sử dụng sơ đồ tư duy để hiểu bài, nắm kiến thức, từ đó đi vào liên hệ thực tế như vấn đề bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn tài nguyên. Trong khi làm bài, các em chú ý những đáp án “gây nhiễu” để dùng phương pháp loại trừ và tập trung những đáp án có thể đúng.

* Cô Ngô Bùi Cẩm Hiền, giáo viên tiếng Anh,  Trường THPT Trần Phú: Dùng phương pháp loại trừ để tránh nhiễu thông tin

Cấu trúc đề thi môn Tiếng Anh năm nay có 50 câu trắc nghiệm trong 60 phút nên các em cần phân bổ thời gian hợp lý. Khi bắt đầu làm bài, hãy dành khoảng 10 phút đầu tiên đọc toàn bộ đề thi để nắm sơ lược các câu hỏi. Trong đề thi chắc chắn sẽ có những từ mới hoặc những cụm từ thí sinh không biết nghĩa, nếu đã đọc đề và suy nghĩ thật kỹ mà vẫn không tìm được câu trả lời, hãy sử dụng phương pháp loại trừ. Hãy loại bỏ thật nhanh những câu biết chắc chắn là sai, sau đó khoanh vùng những câu chưa chắc chắn hoặc còn băn khoăn.

Cách làm này không chỉ giúp tập trung hơn vào những câu đúng mà còn giúp não bộ tránh tình trạng nhiễu thông tin và bị đánh lạc hướng bởi những câu gần đúng. Trong đề thi, phần Đọc-Hiểu được xem là phần khó nhất và thí sinh thường mất rất nhiều thời gian cho phần này. Trước tiên, thí sinh phải đọc một lượt toàn bộ bài và các câu hỏi để nắm ý chính; sau đó đọc các câu hỏi một lần nữa và xác định những từ khóa chính trong câu. Từ những từ khóa chính vừa gạch chân, hãy tìm nó ở trên bài đọc. Một số câu sẽ có thông tin ngay ở những từ khóa, một số thông tin sẽ nằm ở phía sau đó 1-2 câu. Nếu đã tìm thấy từ khóa ở trên bài đọc mà vẫn chưa tìm được thông tin giống với các đáp án đã cho, hãy tiếp tục đọc 1-2 câu tiếp theo.

* Cô Bùi Thị Huế, giáo viên Sử, Trường THPT Tôn Thất Tùng: Hệ thống sự kiện và kết nối theo tiến trình

Mỗi bài học đề cập những sự kiện cơ bản nhất nên các em cần ôn kiến thức trọng tâm. Thi hình thức trắc nghiệm thì không nên học thuộc lòng, cần nắm vấn đề theo logic để có thể làm được những câu hỏi nâng cao. Lịch sử Việt Nam vẫn là phần trọng tâm của chương trình ôn tập. Khi ôn tập có thể vẽ sơ đồ tư duy, hệ thống sự kiện, kết nối theo tiến trình. Lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam đều giống nhau về cách học, tức là các em phải nắm được tính chất, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa... của sự kiện và vận dụng kiến thức tích hợp từ bộ môn Ngữ văn, Địa lý...

* Thầy Ngô Văn Phúc, giáo viên Vật lý, Trường THPT Phan Châu Trinh: Cần phân biệt kiến thức tương tự nhau để khỏi nhầm lẫn

Về lý thuyết, các em cần thuộc các định nghĩa, định luật, đồng thời hiểu rõ và phân biệt những kiến thức tương tự nhau để khỏi nhầm lẫn. Việc thuộc các công thức vật lý cũng quan trọng không kém để vận dụng giải các bài tập cơ bản. Đối với bài tập trắc nghiệm, các em phải giải nhanh và chính xác vì thời gian không nhiều. Các em cần tập trung làm những câu có khả năng trả lời được và kiểm tra để chắc chắn những câu này sẽ có điểm rồi suy nghĩ làm tiếp những câu đã bỏ qua.

* Thầy Trương Đắc Định, giáo viên Hóa học, Trường THPT Trần Phú: Nắm vững một số định luật

Các em chú ý ôn lý thuyết chương trình lớp 12. Để nhớ lâu lý thuyết, phải làm các bài tập trong sách giáo khoa và sách bài tập. Các em cần nắm vững một số định luật hay dùng trong giải toán như: định luật bảo toàn điện tích trong phản ứng oxy hóa - khử hay trong dung dịch, định luật bảo toàn nguyên tố, tăng giảm khối lượng, đại lượng trung bình... Ngoài ra, các em còn phải dựa vào đáp án để tìm ra kết quả nhanh nhất. Để giảm thời gian và có kết quả cao khi làm bài, các em cần biết một số “mẹo” như: làm câu dễ và quen thuộc trước (khoảng 25 câu đầu) và làm những câu mang tính vận dụng (khoảng 10 câu), còn 5 câu tiếp theo thường là những câu khá khó dành cho học sinh giỏi.

* Thầy Lê Phước Bình, giáo viên Toán, Trường THPT Phan Châu Trinh: Cần tư duy nhiều hơn là sử dụng máy tính

Đôi khi các em giỏi nhưng chủ quan trong làm bài dẫn đến sai sót số báo danh, mã đề. Hiện nay, các em sử dụng máy tính quá nhiều nên tư duy hạn chế. Thực tế, nếu em hiểu nội dung và tư duy tốt sẽ làm nhanh hơn sử dụng máy tính. Các em cần rèn luyện nhiều đề thi thử để thực hiện tốt các kỹ năng như tính toán, sử dụng máy tính, vẽ hình, phương pháp loại trừ...

* Cô Lê Thị Thanh Bình, giáo viên Giáo dục công dân, Trường THPT Trần Phú: Đọc thêm sách, báo để mở rộng kiến thức

Các em cần bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT. Việc nắm vững lý thuyết giúp các em dễ dàng nhận ra đáp án đúng. Không cần học thuộc từng định nghĩa, khái niệm như trong sách giáo khoa. Đối với những câu hỏi mang tính vận dụng (chiếm 40% số câu), các em không chỉ nắm vững nội dung bài học mà còn phải hiểu để áp dụng vào thực tiễn đời sống xã hội. Các em cần hình thành tư duy phê phán, năng lực phân tích - tổng hợp, nhận xét - đánh giá, giải quyết vấn đề... Ngoài ra, các em cần đọc thêm sách, báo để bổ trợ kiến thức, đặc biệt là kiến thức về pháp luật.

* Cô Võ Thị Xuyến, Tổ trưởng tổ Địa, Trường THPT Trần Phú: Nên lập bảng để so sánh, tổng hợp
kiến thức

Các em phải học đầy đủ chương trình Địa lý lớp 12 thay vì học tủ. Tuyệt đối không học thuộc lòng mà phải nắm được kiến thức để dễ nhận loại suy những phương án sai. Học sinh nên lập các bảng để so sánh, tổng hợp kiến thức... Ví dụ lập bảng để so sánh đặc điểm 4 vùng đồi núi (theo các tiêu chí về phạm vi, hướng núi, hướng nghiêng, độ cao, các bộ phận địa hình...). Bên cạnh kiến thức lý thuyết, các em cũng phải nắm các kỹ năng thực hành địa lý như nhận diện được các dạng biểu đồ phù hợp, bảng số liệu, đọc được Atlat Địa lý Việt Nam... Chú ý các “từ khóa” của câu để tránh “bẫy”. Trong đề thi Địa lý, các bẫy thường nằm ở câu hỏi dạng biểu đồ, về tốc độ tăng trưởng, giá trị theo tỷ trọng...

PHƯƠNG TRÀ thực hiện

;
.
.
.
.
.