Lưu giữ khoảnh khắc đẹp tuổi học trò

.

Mùa hè đến, học sinh cuối cấp chia xa thầy cô, trường lớp. Nếu như các chàng trai, cô gái tuổi 18 ngày xưa chỉ biết “khắc nỗi nhớ trên cây” (*) trước lúc chia tay, thì ngày nay, có vô vàn cách thức để lưu giữ những kỷ niệm của tuổi học trò. Đó có thể là những bộ ảnh kỹ thuật số, những đoạn phim được thực hiện công phu. Tuổi học trò hiện lên thật sống động, nhưng cũng có lúc, đằng sau mùa kỷ yếu cũng có nhiều chuyện đáng bàn...

Tuổi học trò hồn nhiên cần được lưu giữ như một kỷ niệm trong sáng. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh trong một giờ sinh hoạt ngoại khóa.                            Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Tuổi học trò hồn nhiên cần được lưu giữ như một kỷ niệm trong sáng. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh trong một giờ sinh hoạt ngoại khóa. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

Lưu dấu khoảnh khắc ngày chia xa

Một buổi trưa đầu tháng 5, gần 50 học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) tập hợp tại sân trường. Trong bộ đồng phục màu xanh thiên thanh, các bạn xếp hàng thành hình kim tự tháp, gương mặt tươi cười rạng rỡ.

Nhạc nổi lên, cô lớp trưởng lớp chuyên Văn 12C1 tách khỏi hàng và bắt đầu dõng dạc đếm nhịp. Lần lượt từng hàng “kim tự tháp” cất tiếng hát, bè trầm hòa bè cao. Đến khi tất cả học sinh đều cùng nhau hát vang, bài hát chia tay của tuổi học trò bỗng trở nên xúc động kỳ lạ. Có bạn không kìm nổi, lén đưa tay chận nhẹ dòng nước mắt đang chực rơi xuống má.  

Chiếc máy quay bắt đầu lia từ cổng trường vào sân. Theo kịch bản đã được tập kỹ suốt một tuần trước đó, các bạn bắt đầu thay đổi đội hình rồi cùng ùa vào dãy hành lang thân thuộc trong suốt ba năm trung học. Ra đến hồ sen giữa trường, chiếc flycam bay lên cao, quay cảnh toàn cảnh học sinh cuối cấp ngước nhìn lên bầu trời xanh biếc, hát vang bài ca tạm biệt.

Đoạn phim ấy đẹp đến mức được nhà trường chọn để chiếu trong buổi lễ bế giảng năm học. Khi được đưa lên mạng xã hội facebook, đoạn phim này lại tiếp tục “gây bão” khi nhận được hơn 10.000 lượt tương tác. Nhiều cựu học sinh của trường chia sẻ lại đoạn phim và tấm tắc khen ngợi các “hậu bối”. Với những khung hình sống động, góc quay độc đáo, đoạn phim khiến nhiều người cùng “cảm” cái bồi hồi, lưu luyến của khoảnh khắc cuối cấp.

Ý tưởng cho bộ phim này được các bạn 12C1 bàn bạc từ giữa tháng 3. Mất hơn hai tháng, sau nhiều lần tham khảo giá các gói chụp tại nhiều studio khác nhau, lịch trình mới được quyết định. Để có được đoạn phim cảm xúc đó, các bạn bàn nhau mỗi người góp 400.000 đồng thuê trang phục, phụ kiện, loa, ê-kíp quay phim...

“Vùng trời kỷ niệm” đến từ tiền hay cảm xúc?

Việc học sinh lưu giữ kỷ niệm bằng công cụ hiện đại cùng những “chiêu trò” vô cùng sáng tạo, dễ thương, ngộ nghĩnh đúng chất “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” đã trở nên rất phổ biến. Nhiều tập thể lớp đầu tư trang phục, thuê nhiếp ảnh gia quay hoặc chụp bộ ảnh kỷ yếu theo chủ đề, từ tình cảm như “Tình yêu thời chiến”, hoài niệm như “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, hài hước như “Thổ dân bên bờ biển” và cả ly kỳ như... Harry Potter.

Tuy nhiên, 1-2 năm trở lại đây, bộ ảnh kỷ yếu không còn đơn thuần là sản phẩm lưu kỷ niệm hay thể hiện sự sáng tạo mà trở thành “vũ khí” đọ độ “độc và lạ” giữa các lớp, các trường. Khi một lớp được chú ý vì có bộ kỷ yếu độc đáo, các lớp khác, thậm chí các lớp ở những địa phương khác sẽ cố đầu tư tiền bạc và thời gian để có những bộ ảnh “hoành tráng” không kém cạnh.

Tháng 3 vừa qua, trên trang facebook Phan Châu Trinh Confessions (diễn đàn tâm sự bí mật của học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) có đăng đoạn chia sẻ của một học sinh lớp 12 trường này: “Ở Đà Nẵng trăm ngàn cảnh đẹp không chịu, cứ thích phiêu lưu vào Quảng Nam, Hội An để chụp.

Thuê đồ thì thuê bà ba hay gì đó đẹp mà rẻ là được, không chịu, phải thuê 6 bộ quần áo (nam nữ riêng), mỗi bộ ước tính 60.000 đồng, mà lớp mình đến hơn 40 thành viên chứ đâu có ít. Người ta thuê khu nghỉ dưỡng chụp ảnh có 800.000 đồng/ngày, lớp mình nổi hứng thuê sạp thuê đồ ba láp đủ thứ tính ra hơn 1 triệu […] Thế là sau 2 ngày huy hoàng chụp kỷ yếu và nửa tháng chờ đợi, chi phí hết hơn 17,5 triệu. Sao tiền giống giấy quá vậy?”.

Lời chia sẻ này nhận được rất nhiều phản hồi từ cộng đồng mạng, cũng chính là các bạn học sinh trong trường. Hầu hết mọi người bày tỏ sự cảm thông, bởi số tiền 400.000 đồng/người không phải nhỏ. Tài khoản facebook có tên V.N viết: “Bản thân cũng thấy đúng, vì học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh không phải ai cũng giàu và đối với họ 50.000 đồng có thể là bữa ăn của cả gia đình. Vậy mà tính ra bạn ấy phải bỏ hơn khoảng 400.000 đồng cho hai ngày chụp kỷ yếu thì xót thật”.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc đầu tư quá mức về thời gian, tiền bạc cho một bộ ảnh là chưa cần thiết, bởi đối với học sinh cuối cấp, quan trọng nhất vẫn là việc học. Hơn nữa, ở độ tuổi này, đa số các bạn vẫn phải xin tiền từ cha mẹ. Nhớ lại thời lớp 12 cách đây 7 năm, anh Bùi Vĩnh Phúc (cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, Đà Nẵng) chia sẻ: “Hồi đó, hầu hết ảnh cuối cấp đều được các bạn trong lớp tự chụp bằng máy ảnh kỹ thuật số bỏ túi. Riêng tấm ảnh tập thể lớp chụp chung với thầy chủ nhiệm thì mời một bác thợ ảnh đến chụp. Bọn mình hầu như không phải đóng khoản tiền nào cho việc chụp ảnh kỷ yếu, nhưng mỗi tấm ảnh đến giờ vẫn chất chứa một khoảng trời kỷ niệm. Bạn bè chụp ảnh cho nhau cũng giúp tình bạn khăng khít hơn”.

Cùng suy nghĩ, bạn Lê Thùy Vy, cựu học sinh lớp chuyên Anh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn chia sẻ: “Nếu được quay lại ba năm THPT, album ảnh lớp mình sẽ là những khoảnh khắc chân thật, không phải thuê máy chụp, không phải vuốt tóc tai, đạo diễn các kiểu. Đáng lẽ tụi mình phải có những hình ảnh mà khi nhìn vào sẽ như được lúc ở bên nhau, chứ không phải như khi tụi mình... bận đồ đi diễn. Nói vậy nhưng mình vẫn không quên được dịp đi chụp ảnh kỷ yếu, bỏ qua những lúc gượng gạo, chúng mình vẫn là... số 1!”.

Trong khi đó, cùng với sự phát triển của công nghệ và kinh tế, những bộ ảnh, đoạn phim được thực hiện chuyên nghiệp kết hợp với việc đi dã ngoại vẫn được nhiều bạn trẻ hưởng ứng. Trở về sau chuyến đi Hội An để chụp ảnh kỷ yếu cùng lớp, bạn Nguyễn Kiên (Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng) bộc bạch: “Lần đầu tiên đi chơi xa cùng các bạn, lần đầu tiên cả lớp mặc đồ giống nhau mà không phải là đồng phục đi học để chụp kỷ yếu, chắc em sẽ chẳng bao giờ quên. Bởi đây là một kỷ niệm đẹp của thời đi học”.

Trên thực tế, nhiều học sinh xem việc đi chụp ảnh kỷ yếu như một chuyến dã ngoại với bạn bè cùng lớp trước khi chia tay trường THPT. Trên trang Phan Châu Trinh Confessions, một học sinh kể lại kỷ niệm: “Đêm chụp hình kỷ yếu, cả lớp ngồi quây quần với nhau, kể những chuyện xưa, những chuyện từ thời mới bước vào trường, tôi còn chẳng nhớ nỗi. […] Trên đường đi chụp hình kỷ yếu về, lớp trưởng và lớp phó đứng lên nói “Cảm ơn các bạn rất nhiều”. Tôi nghẹn ngào nhưng không dám khóc. Phía dưới có mấy người nói “Đừng có khóc nghe”, nói rất to, rất hào sảng, nhưng tôi biết các bạn cũng không đành lòng nghe”.

PHONG LAN


(*) Lời bài thơ “Phượng Hồng” của nhà thơ Đỗ Trung Quân.

;
.
.
.
.
.