Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Không thể lùi chương trình giáo dục phổ thông mới

.

Ngày 21-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2016 - 2017 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019. Tại đây, vấn đề triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới được nhiều địa phương quan tâm và có những kiến nghị cụ thể.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm học 2017- 2018 là các địa phương sẽ triển khai chương trình giáo dục phổ thông tổng thể ,vừa được thông qua tháng 7/2017. Tuy nhiên, chia sẻ tại Hội nghị, nhiều địa phương cho biết vẫn chưa thể đảm bảo đủ điều kiện để triển khai.
Ông Cao Xuân Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) Nam Định cho biết: Để thực hiện được chương trình giáo dục phổ thông mới, thì địa phương cần chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên và tâm lý xã hội. Đề nghị Bộ GD – ĐT công bố các điều kiện tối thiểu để các địa phương căn cứ thực hiện. Bởi đây cũng không phải là vấn đề quá cấp bách, mà cần có thời gian chuẩn bị.

Bà Nguyễn Thị Kim Chi, Giám đốc Sở GD – ĐT Nghệ An cho biết: “Mặc dù thời gian qua ngành giáo dục đã tham mưu cơ chế chính sách tiếp tục rà soát, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý, đặc biệt là giáo viên nòng cốt, để đáp ứng yêu cầu chương trình giáo dục phổ thông tổng thể; tuy nhiên, căn cứ vào lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và chương trình sách giáo khoa mới, Nghệ An có những khó khăn cần tháo gỡ như vấn đề đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất. Đội ngũ giáo viên qua nhiều thời kỳ đang còn bất cập. Do đó, đề nghị Bộ GD – ĐT giãn tiến độ để các địa phương chuẩn bị.

Ông Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở GD- ĐT Thừa Thiên Huế đánh giá rằng chương trình giáo dục phổ thông mới hiện nay đã hoàn chỉnh dạy học theo hướng tích hợp, lồng ghép, có hướng phân hóa, hướng nghiệp cao, đáp ứng được yêu cầu phát huy năng lực của em học sinh. Tỉnh Thừa Thiên Huế đã có tâm thế sẵn sàng, nhưng vẫn xin lùi lại thời gian triển khai công tác đổi mới chương trình phổ thông. Thời hạn là 1 năm, để địa phương chuẩn bị cơ sở vật chất cần thiết cho các Sở tiến thành triển khai bồi dưỡng giáo viên. Đồng thời, có điều kiện nâng tỉ lệ học 2 buổi/ ngày đáp ứng yêu cầu giáo dục phổ thông mới đặt ra.

Tuy nhiên, bà Trần Thị Ngọc Diễm, Giám đốc Sở GD – ĐT Kiên Giang băn khoăn rằng với việc lùi lại 1 năm thì có đồng bộ được các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực, chương trình sách giáo khoa, trong khi để chuẩn bị thì cần nhu cầu quá lớn về tài chính? Do đó, nên chăng qua từng năm làm dần từng nội dung. Nếu triển khai một lúc luôn thì các địa phương chắc chắn không làm được. Cần làm theo lộ trình là bồi dưỡng giáo viên, dạy thí điểm, nhân rộng mô hình thì mới hiệu quả.

Đồng ý với vấn đề này, đại diện Sở GD – ĐT Vĩnh Long cho rằng, một trong những rào cản để thực hiện chương trình chính là điều kiện về cơ sở vật chất. Các thành phố lớn còn có điều kiện xã hội hóa nhưng vùng sâu, vùng xa có nhiều khó khăn. Mong rằng Bộ có kế hoạch phối hợp với bộ ngành, tăng cường để địa phương thực hiện.

Phát biểu chỉ đạo kết luân Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: “Không thể nói vì không có trường lớp mà lùi chương trình giáo dục phổ thông mới, bởi vấn đề này đã được Quốc hội thông qua. Điều cần làm bây giờ là các Sở GD – ĐT báo cáo tình hình với UBND về cơ sở vật chất, giáo viên (biên chế do tỉnh quyết định) để có bước chuẩn bị tích cực nhất. Đổi mới làm một lần là áp dụng cho nhiều năm, cho nên chất lượng là trên hết. Nhưng nếu chưa yên tâm thì báo cáo cơ quan chức năng nhưng cần tinh thần khẩn trương”.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, ngay từ bây giờ, giáo viên cần phải mang tinh thần đổi mới để dạy học sinh. Đây là sự chuẩn bị cần thiết nhất. Chuẩn tinh thần đổi mới xuống toàn bộ đội ngũ giáo viên để họ có thời gian xác định lại ở các vùng từ đô thị đến nơi xa nhất. Phải đổi mới thì giáo dục mới đi lên được, bởi người thầy là quan trọng nhất. Người thầy không đáp ứng yêu cầu, thì sẽ có rất nhiều học sinh chịu thiệt thòi.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng Bộ GD – ĐT quản lý chất lượng, không chỉ huy trực tiếp, nhưng cần ra điều kiện để đảm bảo chất lượng giáo dục.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ ra thực trạng là nhiều cử nhân sư phạm ra trường không xin được việc, nhiều em “mai phục” bằng cách dạy hợp đồng trong trường nhiều năm nhưng chưa được vào biên chế. Thống kê về cử nhân sư phạm ra trường là có. Nếu việc này làm nghiêm túc, căn cứ vào số liệu này thì sẽ định hướng được từng địa phương một. Từ đó có chương trình đào tạo giáo viên, các ĐH Sư phạm làm theo chương trình bồi dưỡng mà không phải đào tạo nhiều, đào tạo mới và dài hạn nữa.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng chỉ ra vấn đề cơ sở vật chất vẫn còn nhiều khó khăn, ngay cả địa bàn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh vẫn có nơi chưa thể triển khai học 2 buổi/ngày như yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông mới, chưa nói đến vùng sâu vùng xa.

Bộ trưởng Bộ GD- ĐT Phùng Xuân Nhạ khẳng định tiếp thu những ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng để thực hiện trong năm học này.

Theo baotintuc.vn

;
.
.
.
.
.