Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng: Nâng chất lượng để bảo đảm đầu ra

.

Mặc dù có điểm chuẩn không quá thấp so với các trường trong hệ thống sư phạm trên cả nước nhưng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cũng đang nỗ lực vượt khó trong bối cảnh chung là nhiều thí sinh ít mặn mà với ngành sư phạm.

Năm học 2017-2018, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có 830 chỉ tiêu ở 9 ngành.
Năm học 2017-2018, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) có 830 chỉ tiêu ở 9 ngành.

Ở Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), trong năm học 2017-2018, ngoại trừ hai ngành Sư phạm Tin học và Sư phạm Sinh học có điểm chuẩn chỉ 15,75 và 17,5, các ngành còn lại đều có điểm chuẩn từ 21,5 trở lên. Ngành Sư phạm Toán có điểm chuẩn cao nhất là 24,25 điểm.

Người học chưa mặn mà với ngành sư phạm

Theo TS. Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm, nhiều người băn khoăn điểm đầu vào ở một số trường sư phạm khá thấp và người học chưa mặn mà với ngành sư phạm. TS. Minh cho rằng, do một số nơi đào tạo tràn lan nên việc phân bổ giáo viên không đồng đều, một số địa phương rất thiếu, một số nơi dư thừa, tạo cảm giác bất an trong việc lựa chọn nghề nghiệp.

Hiện nay, có nhiều trường đại học địa phương được hình thành chủ yếu do nâng cấp từ trường cao đẳng sư phạm với nhiệm vụ chính là đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, THCS. Bởi vậy, dù đa ngành thì các trường này vẫn đào tạo giáo viên là chính.

Tại những trường này, ngành sư phạm tuyển sinh chủ yếu bởi thu hút được sinh viên với chính sách miễn học phí, còn các ngành ngoài sư phạm rất khó cạnh tranh với các trường chuyên ngành khác trong khu vực. Sự khác nhau về mô hình quản trị, đội ngũ giáo viên... dẫn đến có sự phân hóa lớn về chất lượng đào tạo giữa các trường trong cả nước.

Lý do khách quan nữa là hiện nay, học ngành sư phạm ra trường khó tìm việc làm. Đinh Như Quỳnh (26 tuổi, quê tỉnh Quảng Bình) cho biết, sau khi tốt nghiệp sư phạm ngành Vật lý (hệ đại học), nhiều năm nay cô vẫn phải đi làm thêm đủ nghề chứ chưa tìm được việc làm. “Bây giờ, xin đi dạy rất khó vì ở đâu cũng đủ người. Em đã nộp hồ sơ nhiều nơi nhưng chưa được nhận”, Quỳnh thổ lộ.

TS. Nguyễn Phương Khánh, Phó Trưởng khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm cũng cho rằng: “Thực tế, không ít sinh viên không chỉ học ngành sư phạm mà học nhiều ngành nghề khác ở bậc đại học, thậm chí tốt nghiệp cao học vẫn không có việc làm và phải làm nhiều nghề khác nhau. Trong khi đó, những em may mắn hơn được đứng trên bục giảng phải đối mặt với nhiều nỗi lo bởi lương giáo viên vẫn chưa được cải thiện nhiều, trong khi áp lực cao. Vì vậy, phụ huynh và học sinh e ngại khi chọn ngành sư phạm”.

Nhiều cách làm linh hoạt

Theo TS. Võ Văn Minh, trong tình hình khó khăn chung của việc tuyển sinh, nhà trường đã có những cách làm linh hoạt để thích ứng. Năm nay, nhà trường có 830 chỉ tiêu ở 9 ngành nhưng khi các em đăng ký vào thì có ngành thấp, ngành cao do nhu cầu xã hội. Bởi vậy, nhà trường đã có sự thay đổi chỉ tiêu ở một số ngành; chẳng hạn, giảm chỉ tiêu ở các ngành như: Lịch sử, Văn học, Văn hóa học... từ 90 chỉ tiêu còn 50 chỉ tiêu; đồng thời, tăng chỉ tiêu một số ngành như: Báo chí, Tâm lý học... từ 180 chỉ tiêu lên khoảng 240 chỉ tiêu.

Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) là trường đầu tiên của cả nước đã được kiểm định và công bố bảo đảm chất lượng giáo dục năm 2014. “Những năm qua, nhà trường tập trung xây dựng chương trình, đào tạo đội ngũ, nâng cao chất lượng phục vụ, đầu tư cơ sở vật chất, phát triển các chương trình tăng cường tiếng Anh, chương trình chất lượng cao...”, TS. Võ Văn Minh cho biết.

Trong chương trình đào tạo của nhà trường năm nay, sinh viên trúng tuyển vào bất cứ ngành nào thuộc Trường Đại học Sư phạm, sau một học kỳ đầu có thể đăng ký học thêm bất cứ ngành nào thuộc trường này hoặc các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Kinh tế, Đại học Ngoại ngữ (thuộc Đại học Đà Nẵng).

Ở nhiều ngành có sự liên thông đến 70%. Chẳng hạn, giữa ngành Sư phạm Toán và Toán ứng dụng đều có sự liên thông, giảm tính hàn lâm, dàn trải để các em có thể thích ứng nhiều công việc khác nhau, dễ tìm việc. Khi vào trường, các em được định hướng ngay, những em nào học chuyên về Toán cơ bản thì được các giảng viên giới thiệu, tạo điều kiện để học chuyên sâu và học lên cao hơn; những em còn lại thì học Toán ứng dụng.

TS. Võ Văn Minh cho biết, thực tế, nhiều ngành sư phạm của các trường có điểm đầu vào thấp, gây nhiều băn khoăn cho xã hội. “Điểm đầu vào thấp sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu ra. Tuy nhiên, nếu có thái độ học tập tốt thì các em hoàn toàn có kết quả tốt”, TS. Minh nói. Cũng theo ông, bên cạnh sự nỗ lực của các trường, cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành và toàn xã hội để có thể giành lại vị thế cho người thầy với chế độ đãi ngộ tốt, qua đó thu hút ngày càng nhiều thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.