Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi các trường đại học, cao đẳng cả nước lấy ý kiến về hai phương án thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2018. Về cơ bản, Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn giữ ổn định cách thức tổ chức kỳ thi như năm 2017, riêng bài thi 2 môn tổ hợp, Bộ đưa ra hai phương án lựa chọn. Theo đó, phương án 1, bài thi 2 môn tổ hợp Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội vẫn giữ nguyên như năm 2017 với ba bài thi thành phần riêng biệt. Kết thúc bài thi này thí sinh tiếp tục làm bài thi sau. Bài sẽ có điểm thành phần từng môn và điểm tổng toàn bài. Các trường tiếp tục xét tuyển như năm 2017.
Thầy và trò trường trung học phổ thông chuyên Lương Văn Tụy đang ôn bài trong giờ ra chơi. Ảnh: Hải Yến/TTXVN. |
Phương án 2 sẽ chuyển hướng môn tổ hợp sang tích hợp đánh giá năng lực. Nghĩa là thay vì tách riêng ba bài thi thành phần như năm 2017, bài thi sẽ trộn lẫn kiến thức các môn thành một đề hoàn chỉnh. Điểm thi được thống nhất toàn bài thi, không chia thành điểm thành phần. Với phương án này, các trường khi xét tuyển sẽ phải thay đổi tổ hợp môn. Trường có thể chọn hai hoặc ba bài thi trong số bài thi của kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia để xét tuyển, trong đó bắt buộc phải có một bài thi Toán hoặc Ngữ văn. Các trường cũng có thể chọn một bài thi Ngữ văn hoặc Toán và một hoặc hai đầu điểm thi năng khiếu (điểm đánh giá năng lực) do trường tổ chức, hoặc điểm khác do trường lựa chọn, quy định trong đề án tuyển sinh.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, việc đưa ra phương án mới đối với các bài thi tổ hợp sẽ giúp việc tổ chức thi và chấm thi đơn giản, dần phát triển thành bài thi tích hợp đánh giá năng lực của thí sinh. Ngoài dự kiến thay đổi về bài thi tổ hợp, kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2018 sẽ được giữ nguyên như 2017. Tức là thí sinh sẽ vẫn thi ba bài thi bắt buộc gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và hai bài thi tự chọn là Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội.
Trong đó tổ hợp Khoa học Tự nhiên bao gồm Vật lý - Hóa học- Sinh học. Khoa học Xã hội gồm Lịch sử - Địa lý- Giáo dục công dân với khối trung học phổ thông; Lịch sử - Địa lý với khối giáo dục thường xuyên. Trừ môn Ngữ văn thi tự luận, các môn còn lại thi trắc nghiệm. Thí sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông có thể dự thi các bài thi độc lập hoặc tự chọn để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng như đối với Kỳ thi Trung học Phổ thông quốc gia năm 2017.
Trước đó, dư luận đã có nhiều ý kiến khác nhau về phương án tổ chức 2 bài thi tổ hợp với 3 môn thi thành phần được tách riêng tại kỳ thi Trung học Phổ thông Quốc gia năm 2017. Có ý kiến cho rằng việc tổ chức thành 3 môn thi tách biệt thực chất là giúp các trường đại học, cao đẳng thuận lợi khi xét tuyển nhưng công tác ra đề, tổ chức thi, chấm thi đều phức tạp. Đặc biệt là thí sinh khá mệt mỏi, áp lực tâm lý vì phải thi 3 môn thi liên tiếp trong một buổi thi.
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra 2 phương án về bài thi tổ hợp, cũng có nhiều ý kiến trái ngược nhau. Có ý kiến cho rằng nên giữ nguyên phương án tổ chức thi và xét tuyển như năm 2017, chỉ cần khâu đề thi có sự phân hóa cao hơn để các trường có thể chọn được những thí sinh có năng lực thực sự. Nếu thi bài tổ hợp mà chỉ lấy một đầu điểm rất khó xét tuyển.
Có ý kiến đề xuất vẫn có thể thi gộp thành một bài thi, không tách thành 3 môn thi như năm trước để thuận lợi cho khâu tổ chức, coi thi đồng thời cũng giúp thí sinh tập trung cho việc làm bài. Nhưng khi chấm vẫn tách thành 3 đầu điểm để “rộng đường” cho thí sinh lựa chọn xét tuyển theo khối thi đã định trước. Cũng có ý kiến cho rằng: Phương án 2 về nhập bài thi tổ hợp, lấy một đầu điểm là phương án tốt nhưng cần phải có thời gian để thí sinh chuẩn bị, có thể công bố nhưng chưa áp dụng ngay mà nên áp dụng từ năm 2019. Còn nếu áp dụng sớm từ năm 2018 thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải công bố thật sớm phương án thi ngay từ tháng 9/2017 để học sinh lớp 12 chuẩn bị.
Theo TTXVN