Luật Giáo dục Đại học còn nhiều bất cập

.

Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) sửa đổi cần quy định cụ thể hơn các quy định về tự chủ đại học, quy định về mô hình trường đại học phù hợp với yêu cầu mới, có sự thống nhất về các loại văn bằng… Đó là hàng loạt vấn đề được lãnh đạo các trường đại học, đại diện các bộ, ngành đề cập tại Hội nghị Tổng kết thi hành Luật GDĐH, do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức sáng 25-9 ở Hà Nội.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Luật GDĐH hiện tại còn rất nhiều bất cập. Cụ thể, các mô hình cơ sở GDĐH chưa được quy định rõ và đầy đủ. Trong luật cũng như trong các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, các mô hình đại học, trường đại học, học viện được đưa ra nhưng chưa được định nghĩa đầy đủ, phân biệt rõ ràng. Điều này dẫn đến sự vận dụng đa dạng tùy tiện, thiếu nhất quán và thiếu kiểm soát. Hầu hết các “đại học” hay “trường đại học” và một số “học viện” đều được dịch sang tiếng Anh là “university”; thậm chí một số trường đại học, học viện còn lấy tên “National University” mà không dựa trên cơ sở pháp lý nào.

Tương tự, hệ thống tên gọi các trình độ đào tạo và văn bằng cũng thiếu tính nhất quán về ngôn ngữ và chưa hội nhập quốc tế. Luật Giáo dục quy định: “Bằng tốt nghiệp đại học của ngành kỹ thuật được gọi là bằng kỹ sư; của ngành kiến trúc là bằng kiến trúc sư; của ngành y, dược là bằng bác sĩ, bằng dược sĩ, bằng cử nhân; của các ngành khoa học cơ bản, sư phạm, luật, kinh tế là bằng cử nhân; đối với các ngành còn lại là bằng tốt nghiệp đại học”. Trong khi đó, theo ông Sơn, các chức danh kỹ sư, kiến trúc sư, bác sĩ hay dược sĩ nên được hiểu là các chức danh nghề nghiệp (tương tự như luật sư, giáo viên, giảng viên, khác với các bằng cấp học vị như cử nhân, thạc sĩ.

Bên cạnh đó, Luật GDĐH cũng chưa làm rõ cơ chế quản trị đại học, vai trò của Bộ chủ quản và của Hội đồng trường, quyền và trách nhiệm của các cơ sở GDĐH. Luật thiếu các quy định cụ thể, rõ ràng về các cấp độ tự chủ, quyền tự chủ, trách nhiệm giải trình của các cơ sở GDĐH trong từng hoạt động của nhà trường theo từng cấp độ.

Theo ông Hoàng Minh Sơn, Luật GDĐH cần sửa đổi, bổ sung quy định về trình độ đào tạo và các học vị tương ứng. Cụ thể, nên quy định các trình độ của GDĐH bao gồm trình độ cử nhân, trình độ chuyên gia, trình độ thạc sĩ và trình độ tiến sĩ. Trong đó, cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ là các học vị tương ứng với trình độ đào tạo. Trình độ chuyên gia (nếu có đào tạo) thể hiện qua các chức danh nghề nghiệp, bao gồm kỹ sư, giáo viên, bác sĩ (bác sĩ chuyên khoa I, II), dược sĩ… Tiêu chuẩn các chức danh nghề nghiệp do Chính phủ ban hành (dựa trên đề nghị của các bộ ngành, trường đại học và hiệp hội nghề nghiệp).

Trong khi đó, Phó Hiệu trưởng Đại học Ngoại thương, bà Lê Thị Thu Thủy lại quan tâm hơn đến vấn đề hợp tác quốc tế. Theo bà Thủy, hiện quy định của Luật Giáo dục Đại học về việc đầu tư giáo dục đại học ra nước ngoài chưa cụ thể, nên các trường gặp khó khăn khi triển khai. Vì thế, vấn đề này cần được đề cập đến nhiều hơn khi sửa đổi…

TTXVN

;
.
.
.
.
.