Nhiều trường phổ thông ở Cẩm Lệ học tiếng Đức, tiếng Hàn

.

Bắt đầu từ năm học 2015-2016, đến nay, dự án dạy tiếng Đức và tiếng Hàn tại các trường phổ thông trên địa bàn quận Cẩm Lệ bước đầu phát huy hiệu quả, tạo được sự yêu thích trong học sinh và sự ủng hộ của phụ huynh.

Trong một tiết học tiếng Đức tại Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (Cẩm Lệ).
Trong một tiết học tiếng Đức tại Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật (Cẩm Lệ).

Buổi học tiếng Đức tại lớp 7/1, Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật diễn ra trong không khí hết sức vui tươi, hào hứng. Giáo viên nhiệt tình với phương pháp dạy hết sức sáng tạo. Bên cạnh ngôn ngữ, việc sử dụng tối đa hình thể cùng với sự pha trò dí dỏm của giáo viên đã tạo nên không khí sôi nổi của lớp học, cuốn hút học sinh, giúp các em tiếp thu nhanh những kiến thức của môn ngoại ngữ mới mẻ. Trong khi đó, học sinh cũng thích thú, hăng say học tập theo từng lời nói, cử chỉ, hướng dẫn của giáo viên.

Bắt lấy chiếc khăn từ giáo viên, dấu hiệu gọi trả lời câu hỏi, Lê Quang Huy, học sinh lớp 7/1, Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật, hiện đang theo học lớp tiếng Đức tại trường nhanh nhảu đọc vanh vách từng từ, từng câu bằng tiếng Đức do giáo viên đưa ra, cũng như trả lời những câu hỏi của giáo viên. Huy cho hay, tiếng Đức càng học càng có nhiều điều lý thú. “Khi học tiếng Đức, bên cạnh việc biết thêm một ngoại ngữ thứ hai ngoài tiếng Anh, em có thể tìm hiểu thêm về văn hóa cũng như những điều mới mẻ của nước Đức. Ngoài ra em cũng ước mơ trở thành hướng dẫn viên du lịch nên việc biết thêm tiếng Đức sẽ giúp ích rất nhiều cho bản thân em sau này”. Huy nói.

Sôi nổi không kém là không khí tại tiết học tiếng Đức tại lớp 8/4, Trường THCS Trần Quý Cáp. Các em học sinh đến với môn học này không chỉ là những học sinh giỏi được tuyển chọn của nhà trường, mà các em còn có niềm đam mê, yêu thích với chính ngoại ngữ này. Trong khi đó, việc dạy tiếng Hàn tại trường tiểu học Hoàng Dư Khương cũng đạt được hiệu quả tích cực, nhất là các em học sinh đã quen dần và hình thành một số kỹ năng, phương pháp học tập, nghiêm túc và yêu thích môn học. Em Nguyễn Đỗ Thiện Nhân, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Hoàng Dư Khương cho hay, tiếng Hàn thật sự là một ngôn ngữ thú vị, mỗi tiết học đều chứa đựng nhiều điều mới mẻ.

Đến nay việc dạy tiếng Đức trên địa bàn quận Cẩm Lệ đang được triển khai tại 2 Trường THCS Nguyễn Thiện Thuật và Trần Quý Cáp, trong khi đó tiếng Hàn được dạy tại Trường THCS Nguyễn Văn Linh và Trường tiểu học Hoàng Dư Khương. Qua khảo sát, kết quả có đến 117/120 học sinh học tiếng Đức và 100% học sinh học tiếng Hàn đủ điều kiện để tiếp tục theo học các lớp tiếng Đức, tiếng Hàn trong năm học tiếp theo.

Cô Sabine Frevert, giáo viên dạy tiếng Đức cho hay, các em học sinh ở đây rất thông minh, nhanh trí, có khả năng tiếp thu nhanh, có sự tương tác với giáo viên nên việc giảng dạy rất thuận lợi. “Các em phát âm và nói tiếng Đức khá tốt, tham gia tích cực vào các hoạt động chung của lớp. Nhiều em rất cố gắng học tập và thường xuyên phát biểu ngay tại lớp”. Cô Sabine chia sẻ.

Trong khi đó, đối với thầy Bang Sejin, giáo viên tiếng Hàn, việc dạy các em học sinh vừa giúp các em biết thêm một ngoại ngữ mới, vừa giúp chính bản thân thầy trau dồi thêm khả năng tiếng Việt. “Các em học rất tốt, rất chăm chỉ rèn luyện và tiếp thu tiếng Hàn, phát âm chuẩn, điều này làm cho tôi cảm thấy rất hạnh phúc”. Thầy Bang Sejin tâm sự bằng vốn tiếng Việt ít ỏi của mình.

Thực tế, việc học song song 2 ngoại ngữ, cùng với khối lượng lớn kiến thức của các môn học khác thực sự là khó khăn đối với em học sinh. Theo thầy Phạm Hồng Thái, Trưởng phòng GD&ĐT quận Cẩm Lệ, để có thể theo học các lớp tiếng Đức, tiếng Hàn, các em học sinh có nguyện vọng học phải trải qua các đợt xét tuyển và trong quá trình theo học, các em sẽ tiếp tục trải qua các bài kiểm tra, khảo sát, đánh giá năng lực của giáo viên. Tuy nhiên, để các em theo học một cách tốt nhất, quận Cẩm Lệ cũng như phòng GD&ĐT quận luôn tạo mọi điều kiện từ cơ sở vật chất, giáo viên giảng dạy đến giáo trình học tập.

“Chúng tôi thường xuyên làm việc với cơ quan hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) và Ủy ban giáo dục phổ thông Cộng hòa Liên bang Đức tại nước ngoài (ZfA) để đề nghị cử tình nguyện viên, giáo viên giảng dạy, đồng thời phối hợp với khoa tiếng Hàn trường Đại học Ngoại ngữ Đà Nẵng xây dựng giáo trình tiếng Hàn sơ cấp theo khung năng lực ngôn ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam. Phòng cũng trang bị đầy đủ sách giáo khoa cho các em học sinh các lớp tiếng Hàn. Riêng các lớp tiếng Đức được Ủy ban Giáo dục phổ thông Đức trang bị sách giáo khoa cũng như cơ sở vật chất phục vụ công tác giảng dạy”. Thầy Thái cho biết.

Thành công bước đầu trong việc triển khai dự án dạy tiếng Đức và đề án dạy tiếng Hàn tại các trường phổ thông trên địa bàn quận Cẩm Lệ đã cho thấy sự đúng đắn trong lộ trình phát triển giáo dục của quận nhà, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của quận Cẩm Lệ trong tương lai.

Nam Trung

;
.
.
.
.
.