Truyền "lửa" để học sinh đam mê sách

.

Học sinh vẫn thờ ơ với việc đọc sách, hệ thống thư viện tại nhà trường chưa đáp ứng nhu cầu và lạc hậu… là những vấn đề tồn tại được đề cập tại tọa đàm “Phát triển văn hóa đọc ở các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 15-11.

Đọc sách góp phần hình thành, phát triển trí tuệ, nhân cách cho học sinh. (Ảnh chụp tại Nhà sách Đà Nẵng). Ảnh: P.TRÀ
Đọc sách góp phần hình thành, phát triển trí tuệ, nhân cách cho học sinh. (Ảnh chụp tại Nhà sách Đà Nẵng). Ảnh: P.TRÀ

Theo số liệu điều tra xã hội học của Ban Tuyên giáo Thành ủy, với số lượng 420 phiếu ở 70 trường trên toàn địa bàn thành phố, ở các bậc học, thể loại sách được học sinh lựa chọn nhiều nhất là truyện tranh, sau đó đến sách tham khảo. Hầu hết các em đều tham gia các trang mạng xã hội và bắt đầu hình thành thói quen đọc sách điện tử, việc đến thư viện của học sinh THPT chỉ đạt 10%. Hầu hết các em ở tất cả bậc học đều cho rằng, một cuốn sách hay, hấp dẫn người đọc trước hết cần có nội dung mới lạ, sau đó mới đến việc cung cấp thông tin cần thiết.

Qua khảo sát cơ sở vật chất của các thư viện, có 30% thư viện chưa bảo đảm cơ sở vật chất (diện tích phòng đọc hẹp, máy vi tính cũ hoặc thiếu...). Riêng ở huyện Hòa Vang, nhiều trường chưa có thư viện. Cũng qua khảo sát, các cán bộ thư viện cho biết, loại sách được học sinh quan tâm lần lượt là sách truyện tranh, sách tham khảo, sách lịch sử… Các đầu sách hiện có ở thư viện hiện chưa phong phú, thiếu sách về lịch sử địa phương.

Đọc sách phải là nhu cầu tự thân

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Đà Nẵng cho rằng, đọc sách phải là nhu cầu tự thân, lúc đó mới trở thành văn hóa đọc. Nếu bản thân cha mẹ, thầy cô đam mê đọc sách thì mới có thể hướng học sinh đến với việc đọc sách và đam mê sách.

Theo ông Hứa Văn Hải, Phó Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng, thực tế hiện nay sách được đưa vào nhà trường chưa phải là những cuốn sách học sinh thật sự mong muốn. “Để hình thành văn hóa đọc trong học sinh, người lớn là các thầy cô giáo và phụ huynh phải đọc trước để hiểu và “truyền lửa” cho các em, nhất là với sách văn học”, ông Hải nói.

Bà Lê Thị Bích Phượng, Phó Giám đốc Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố cho biết, thanh thiếu niên ở các quận, huyện xa trung tâm thành phố thường ít đến thư viện và nhu cầu đọc rất hạn chế. “Một thực tế là thời gian các em đến lớp học quá nhiều, về nhà còn đi học thêm. Vì vậy, các em ít đến thư viện. Ngoài ra, một vấn đề lo ngại nữa là các em thường mất nhiều thời gian truy cập các trang mạng xã hội nhưng lại không dành thời gian đó để đọc sách”, bà Phượng nói.

Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho rằng, học sinh chưa được giáo dục thực sự về văn hóa đọc, về kỹ năng đọc với từng lứa tuổi; từ đó, việc đọc của các em hiện nay chủ yếu là tự phát, tùy thích, thiếu định hướng, mất thời gian và có những tác hại khó lường về tâm lý cũng như phát triển nhân cách. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất của hệ thống thư viện cùng cách quản lý còn lỗi thời, chưa phù hợp với sự phát triển của văn hóa đọc thời hiện đại, chưa có đủ nguồn sách in và sách trực tuyến.

Cần xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng đọc sách

Ông Huỳnh Văn Hoa, nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho rằng, để phát triển văn hóa đọc, cần thành lập một ủy ban về phát triển văn hóa đọc có đầy đủ đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước. Ủy ban này có nhiệm vụ soạn thảo chiến lược phát triển toàn diện và cơ bản nền văn hóa đọc Việt Nam, xây dựng kế hoạch dài hạn phát triển văn hóa đọc… Cũng theo ông Huỳnh Văn Hoa, cần tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi đọc sách ở các cấp, đồng thời xây dựng chương trình giáo dục kỹ năng đọc sách để giảng dạy trong nhà trường.

Cần rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh từ nhỏ. Trong ảnh: Học sinh trên địa bàn quận Thanh Khê đọc sách tại Phòng đọc sách ở phường Xuân Hà.
Cần rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh từ nhỏ. Trong ảnh: Học sinh trên địa bàn quận Thanh Khê đọc sách tại Phòng đọc sách ở phường Xuân Hà.

Cô Lê Phan Quỳnh Trang, giáo viên dạy Văn - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho rằng, cần tạo một không gian đọc sách gần gũi với trẻ thơ, mang tính nghệ thuật; các em không chỉ đọc sách mà còn có thể hóa trang thành các nhân vật trong sách.

Ngoài ra, cũng cần xây dựng thêm nhiều các câu lạc bộ đọc sách để các em có thể tương tác với nhau. Ở các trường phổ thông, bản thân người giáo viên phải là người truyền lửa bằng niềm đam mê sách. Ở mỗi lớp học, cần có tủ sách để các em có thể cùng nhau đọc và trao đổi ngay tại lớp.

Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đặng Việt Dũng cho rằng, cần phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động học sinh nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc đọc sách; đồng thời, đẩy mạnh việc giới thiệu tác giả, tác phẩm hay để học sinh biết và tìm đọc.

Sở Văn hóa và Thể thao cần phối hợp với Thư viện Khoa học Tổng hợp thành phố hỗ trợ các thư viện trên địa bàn thành phố cùng phát triển, như bổ sung các đầu sách, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ thủ thư. Đồng thời, cần khen thưởng kịp thời những người viết văn tốt, có tác phẩm hay; biểu dương các tổ chức, cá nhân có đóng góp tích cực trong phát triển văn hóa đọc.

“Cần có những chiến lược tổng thể dài hơn với những mục tiêu đầu tư thỏa đáng. Cần hoàn chỉnh đề án phát triển văn hóa đọc. Trong quá trình hoàn chỉnh đề án, phải tham khảo ý kiến các chuyên gia. Hội Nhà văn thành phố cần phối hợp với Hội Nhà văn Việt Nam giúp đỡ, hỗ trợ các tác giả, nhất là các tác giả văn học trẻ”, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.