Cần đổi mới cách dạy môn Giáo dục công dân để học sinh không cảm thấy nhàm chán và những giờ học trở nên bổ ích, thực chất hơn là yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Dạy Giáo dục công dân trong nhà trường cần được chú trọng để góp phần hoàn thiện nhân cách cho học sinh. Trong ảnh: Một giờ học Giáo dục công dân của học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh. |
Học sinh khó tiếp thu bài học
Chương trình Giáo dục công dân ở phổ thông hiện nay còn nhiều bất cập. Học sinh lớp 10 chủ yếu học những nguyên lý, quy luật cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin và các phạm trù cơ bản của đạo đức học. Lên lớp 11, các em lại được tiếp cận khái niệm trong quy luật kinh tế, phương hướng của chính sách lớn: dân số, tài nguyên thiên nhiên, chính sách giáo dục. Lớp 12, học sinh được học chủ yếu về pháp luật, các quyền cơ bản của công dân. “Việc phân phối chương trình như vậy sẽ làm cho rất nhiều học sinh gặp khó khăn trong tiếp thu và hiểu tường tận bài học”, TS Đinh Thị Phượng, giảng viên khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) nói.
Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) tiến hành khảo sát tại 13 trường THPT trên địa bàn thành phố về việc dạy học môn Giáo dục công dân. Thực tế cho thấy, Giáo dục công dân hiện nay chưa đủ mạnh để tách ra thành bộ môn riêng do số lượng giáo viên ít (mỗi trường có 2 giáo viên). Môn Giáo dục công dân sinh hoạt chuyên môn cùng với môn Lịch sử, Địa lý. Nhiều trường THPT do hoàn cảnh lịch sử để lại, giáo viên dạy Lịch sử kiêm giảng dạy Giáo dục công dân và ngược lại. Thực tế đó khiến rất nhiều giáo viên có tâm lý ngại đổi mới, tìm tòi, thiết kế tài liệu trực quan. Theo khảo sát, tài liệu trực quan ở các trường trên chủ yếu là những trang giấy vẽ một số sơ đồ, biểu đồ mà nhiều bộ môn cùng sử dụng như: biểu đồ dân số, việc làm, ô nhiễm tài nguyên môi trường... Một học sinh lớp 11 Trường THPT Thái Phiên cho biết, những giờ học Giáo dục công dân trên lớp vẫn chưa hấp dẫn do có quá nhiều lý luận khô khan.
Đổi mới theo định hướng phát triển năng lực người học
Việc đổi mới phương pháp dạy học môn Giáo dục công dân theo định hướng phát triển năng lực người học được triển khai ở nhiều trường. Đây thực chất là quá trình đổi mới giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học, đòi hỏi phải có nhiều giải pháp đồng bộ với sự tham gia của nhiều lực lượng xã hội khác nhau, từ các cấp lãnh đạo, quản lý cho đến các nhà khoa học và đội ngũ giáo viên, học sinh, phụ huynh; trong đó đội ngũ giáo viên luôn giữ vai trò quan trọng. TS Vương Thị Bích Thủy, Trưởng khoa Giáo dục chính trị, Trường Đại học Sư phạm cho biết, phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực sẽ làm gia tăng mức độ hoạt động, sự tương tác giữa học sinh với giáo viên và giữa học sinh với nhau trong giờ học để đạt hiệu quả cao.
Cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền cho rằng, cần đổi mới kiểm tra, đánh giá môn Giáo dục công dân để tránh sự nhàm chán. Giáo viên phải thường xuyên thay đổi các hoạt động thảo luận nhóm, thuyết trình, câu hỏi 10 điểm... để đánh giá người học. Thông qua những hoạt động đó, người học vừa được đánh giá khả năng vừa cảm thấy hứng thú với môn học hơn.
Theo TS Đinh Thị Phượng, giáo viên cần biết tổ chức cho học sinh khai thác tài liệu trực quan, đồng thời phân tích rút ra những nhận xét, đánh giá từ đó. Ví dụ, đối với hình ảnh thanh niên, học sinh thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ (Giáo dục công dân lớp 10, trang 90), giáo viên có thể đặt các câu hỏi như: Thanh niên, học sinh thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ thể hiện trách nhiệm gì; thể hiện nội dung gì trong truyền thống nhân nghĩa của dân tộc Việt Nam; khi đi thăm viếng nghĩa trang liệt sĩ thì em thường làm gì?... “Những câu hỏi được đặt ra xoay quanh hình ảnh trực quan sẽ kích thích học sinh tự suy ngẫm, tìm tòi và liên hệ với thực tiễn để hình thành kiến thức mới”, TS Đinh Thị Phượng chia sẻ.
Cô Lê Thị Thanh Bình, giáo viên môn Giáo dục công dân của Trường THPT Trần Phú, Đà Nẵng: Buổi học công dân như buổi trò chuyện Tôi từng có dịp tham quan một trường học ở Singapore. Ở đó, người ta dạy môn Giáo dục công dân giống như một buổi nói chuyện và giáo viên là người chia sẻ tâm tư tình cảm, trao đổi với học sinh để điều chỉnh hành vi cho các em. Tại Singapore, Đạo đức và Giáo dục công dân là môn học độc lập được dạy từ tiểu học đến THCS. Nội dung tập trung 6 giá trị cốt lõi: tôn trọng; trách nhiệm; liêm chính; quan tâm, chăm sóc; tính kiên cường, khả năng ứng phó; sự hòa hợp. Mỗi giá trị lại được thiết kế theo chủ đề dựa trên các mối quan hệ và chương trình từ tiểu học đến THCS mang tính hệ thống, phát triển. Chủ đề trong chương trình môn Giáo dục công dân giúp hình thành và phát triển ở học sinh các năng lực như: tự nhận thức; tự quản; nhận thức xã hội; quản lý các mối quan hệ; chịu trách nhiệm trong việc ra quyết định... |
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ