Sự gắn kết trong mối quan hệ thầy-trò ngày nay không thể không kể đến “chiếc cầu nối” mạng xã hội. Hầu hết các giáo viên, nhất là giáo viên chủ nhiệm đều sử dụng facebook như một công cụ cung cấp thông tin và nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của học sinh.
Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên dạy Văn Trường THPT Trần Phú (ngoài cùng, trái) cho rằng, muốn hiểu học sinh trước hết phải gần gũi, làm bạn với các em. Và facebook là công cụ hữu hiệu để thầy kết nối với học trò. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Thầy Nguyễn Đình Hòa, chủ nhiệm lớp 10/2, giáo viên Văn Trường THPT Trần Phú thường xuyên sử dụng facebook để kết nối với bạn bè và học sinh. “Tất cả những nội dung như thời gian tập trung, thời khóa biểu, các hoạt động ngoại khóa hay nghỉ học do mưa bão... đều được tôi đưa lên facebook.
Chỉ cần ít phút sau là thông tin đến được tất cả các em”, thầy Hòa nói và chia sẻ thêm, có lần, nhà trường yêu cầu lấy thông tin về từng học sinh, thầy liền tạo file excel đưa cho cán bộ lớp đăng trên group (nhóm nội bộ trên facebook) của lớp.
Đến cuối ngày, thầy nhận lại được đủ thông tin điền sẵn. Ngoài ra, theo thầy Hòa, khi kết bạn trên facebook, giáo viên chủ nhiệm có thể biết được nhiều hoạt động của học trò bên ngoài lớp học để có thể nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em và có thể can thiệp, điều chỉnh theo hướng tích cực.
Chẳng hạn năm ngoái, lớp có một học sinh cá biệt, thầy Hòa phải thường xuyên lên facebook chia sẻ, giúp đỡ và sau đó em này tiến bộ hẳn. Tuy nhiên, theo thầy Hòa, việc nắm bắt, theo dõi hoạt động của các em cũng cần phải có giới hạn và tôn trọng quyền cá nhân của học sinh.
“Không phải chuyện gì giáo viên cũng can thiệp. Chẳng hạn như lớp có 1 nhóm riêng nhưng tôi không tham gia nhóm và để các em thoải mái, tự do thể hiện. Tất nhiên, mình vẫn nắm được thông tin cần thiết qua cán bộ lớp hoặc những thành viên tích cực”, thầy Hòa cho biết.
Cô Nguyễn Thị Tố Uyên, giáo viên Toán Trường THPT Phan Châu Trinh, chủ nhiệm lớp 12/8 cũng cho biết lớp có lập nhóm và cô chỉ theo dõi chứ không tham gia để các em không cảm thấy ngại. Tuy nhiên, cô Uyên vẫn lập một nhóm riêng trên facebook gồm lãnh đạo lớp và cô giáo để tiện trao đổi khi cần. “Có những chuyện như đi lao động hoặc thông báo hoạt động ngoài giờ đột xuất mà đưa lên facebook thì hầu như tất cả các em đều tiếp cận được ngay. Rất tiện lợi”, cô Uyên cho biết.
Là lớp trưởng lớp 11/6, em Nguyễn Hoàng Yến Nhi, học sinh Trường THPT Trần Phú cũng thường xuyên sử dụng facebook để trao đổi thông tin với các bạn và thầy giáo chủ nhiệm. “Làm bài không hiểu chỗ nào, buổi tối tụi em có thể nhắn tin qua facebook để hỏi thầy, cô.
Dịp sinh nhật hay gặp những buồn vui trong cuộc sống, được thầy, cô chia sẻ qua facebook, em cảm thấy rất vui. Qua mạng xã hội, các bạn trong lớp có thể trao đổi với nhau những bài toán hay, cách học tốt, cùng luyện đề thi hoặc đơn giản chỉ là nhắc nhau làm bài tập về nhà buổi tối. Nhờ vậy, việc học tập của cả lớp tiến bộ thấy rõ”, Nhi nói.
Theo thầy Lê Đình Sơn, Phó hiệu trưởng Trường THCS Lê Độ (quận Sơn Trà), qua facebook, giáo viên có thể dễ dàng hiểu phần nào tính cách, tâm tư, tình cảm của học sinh, hoàn cảnh gia đình các em. “Muốn hiểu và giúp các em, trước hết giáo viên phải làm bạn với các em mà facebook là một trong những kênh thông tin hữu ích, nhất là khi các em đang ở độ tuổi tâm lý phức tạp và nhạy cảm.
Tuy nhiên, các thầy, cô cũng cần định hướng cho các em biết sử dụng mạng xã hội sao cho đúng, không ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của người khác”, thầy Sơn nói.
Ông Ngô Ngọc Hoàng Vương, Trưởng phòng Chính trị, tư tưởng thuộc Sở GD-ĐT Đà Nẵng cho biết, sở đã tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên về giáo dục học sinh sử dụng facebook an toàn, đúng quy định. Sở GD-ĐT cũng đã phối hợp với Công an thành phố tổ chức nhiều buổi truyền thông về sử dụng facebook an toàn, an ninh mạng.
“Nếu biết khai thác facebook sẽ hỗ trợ nhiều cho giáo viên trong công tác quản lý, giáo dục; tuy nhiên giáo viên chủ nhiệm cũng phải hết sức thận trọng, nhất là vấn đề bảo mật thông tin cá nhân của mình và học sinh”, ông Hoàng Vương chia sẻ.
PHƯƠNG TRÀ