Phát triển văn hóa đọc trong trường học

.

Trường học có vai trò đặc biệt to lớn trong việc hình thành văn hóa đọc cho cộng đồng. Vậy ở trường học, chúng ta bắt đầu làm gì để tự mình gầy dựng văn hóa đọc? Câu trả lời là chúng ta bắt đầu... tập đọc chữ.

Trước hết là tập đọc từng chữ cái, rồi tập đọc từng chữ, rồi tập đọc từng từ, rồi tập đọc từng cụm từ, rồi tập đọc từng câu, rồi tập đọc từng đoạn, rồi tập đọc từng bài. Khi chúng ta bắt đầu tập đọc chữ..., bắt đầu đọc sách giáo khoa tiếng Việt, cũng có nghĩa là chúng ta đã bắt đầu đọc sách, bắt đầu tiếp cận với các câu thơ, các bài ca dao, các truyện ngụ ngôn..., cũng có nghĩa là đã bắt đầu tiếp cận với văn chương.

Như vậy, trường học là nơi rèn luyện kỹ năng đọc sách, trước hết để phục vụ việc tiếp thu tri thức các môn học - không biết đọc sách thì không thể học bất cứ môn học nào. Nhưng trường học không chỉ là nơi rèn luyện kỹ năng đọc sách, mà còn là nơi hình thành sự khao khát hiểu biết.

Sự khao khát hiểu biết ấy cháy bỏng đến mức chúng ta không thể bằng lòng với tri thức tiếp thu được từ sách giáo khoa (SGK) và các sách tham khảo đọc thêm bắt buộc trong nhà trường; cháy bỏng đến mức thôi thúc chúng ta tự đi tìm sách để đọc, để thỏa mãn sự khao khát hiểu biết ấy.

Chúng ta tiếp tục tìm những sách tham khảo đọc thêm không bắt buộc và nhiều khi còn thấy thích thú hơn so với những sách tham khảo đọc thêm bắt buộc. Thư viện trường học ít nhất có thể giúp chúng ta cơ hội tìm đọc những sách tham khảo đọc thêm cả bắt buộc lẫn không bắt buộc này.

Đọc sách nhiều khi chỉ để trở thành một độc giả bình thường - đọc để biết, đọc để học, để khám phá và ngưỡng mộ sự uyên bác của người viết, của tác giả cuốn sách. Cũng có khi đọc không nhằm để biết, không nhằm để học mà chủ yếu để thư giãn, giải trí, đọc cho vui.

Loại sách đọc để thư giãn, giải trí, đọc cho vui ấy phần lớn là sách văn chương. Truyện tranh cũng là sách văn chương, kết hợp được sức hấp dẫn của ngôn từ với sức hấp dẫn của hội họa. Nhưng trường học là nơi giúp chúng ta đọc sách văn chương không chỉ để trở thành độc giả bình thường - đọc chỉ để thư giãn, giải trí, đọc cho vui, mà còn là nơi giúp chúng ta đọc sách văn chương để khám phá chất văn trong bản thân văn chương, để khám phá và ngưỡng mộ tài năng văn chương của nhà văn.

Những tiết học giảng văn trong nhà trường, thông qua tài năng giảng dạy của các cô giáo, thầy giáo dạy văn, hay những buổi thuyết trình văn học trong nhà trường có thể giúp chúng ta sớm có được năng lực thú vị này.

Trường học còn là nơi giúp chúng ta có đủ năng lực đọc sách văn chương để có thể đồng cảm với nhà văn, để có thể thấu hiểu những gì nhà văn bộc lộ, giãi bày, để có thể đồng sáng tạo với nhà văn, để có thể cùng nhà văn đi hết vòng đời của một tác phẩm văn chương, và hơn thế nữa để có thể tự mình sáng tạo với tư cách một nhà văn.

Trường học còn là nơi giúp chúng ta có thị hiếu thẩm mỹ, thị hiếu nghệ thuật tốt để có thể tự mình chọn sách hay. Có nhiều cách để chúng ta chọn được sách hay. Dựa vào thị hiếu của số đông công chúng là một cách, chẳng hạn qua chiến lược quảng bá sách của nhà xuất bản (NXB), của giới phát hành thể hiện trên bìa các sách nước ngoài được chuyển dịch sang Việt ngữ, chúng ta có xu hướng tìm đọc những sách mang nhãn hiệu “best seller” (bán chạy nhất/được tiêu thụ nhiều nhất) hay “best selling author” (tác giả có sách bán chạy nhất). Một số người còn quan tâm theo dõi và tìm đọc dòng sách đoạt giải thưởng Nobel Văn chương danh giá hằng năm.

Trường học dạy chúng ta biết rằng, trong vòng đời của một cuốn sách, người đọc là khâu đầu tiên và cũng là khâu cuối cùng. Người viết bao giờ cũng nghĩ đến người đọc như là người đồng hành từ khâu đầu tiên đến khâu cuối cùng. Nhà văn bộc lộ, giãi bày là giãi bày, bộc lộ với người đọc - có khi ở đời sau.

Khâu tiếp theo là người viết. Nhu cầu được bộc lộ, giãi bày bức xúc đến mức không viết không được - viết sách không phải vì có thể viết mà là vì không thể không viết. Viết xong thì có nhu cầu được công bố. Đăng nhiều kỳ trên báo/feuilleton là một cách công bố đầy hấp dẫn. In thành sách là một cách công bố truyền thống. Nhiều người đang lo ngại sách in sẽ cáo chung khi sách điện tử ra đời. Nhưng có lẽ mỗi loại sách có một sinh mệnh riêng, một sức hấp dẫn riêng.

Trường học còn dạy chúng ta biết rằng, in bản thảo của nhà văn thành sách là công của các NXB và giới phát hành gắn liền với các nhà in. In sách là cả một nền công nghiệp ngày càng hiện đại. Công lớn nhất của các NXB và giới phát hành là đưa sáng tạo nghệ thuật của nhà văn đến tay người đọc - đương nhiên cũng có trường hợp “xuất bản miệng” như kiểu văn chương dân gian.

Công lớn nữa của các NXB và giới phát hành là góp phần chọn sách cho người đọc. Trong trường học, đương nhiên xuất hiện nhiều nhất vẫn là những cuốn SGK và sách tham khảo đọc thêm do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành.

Trường học còn dạy chúng ta biết rằng, chỉ khi có sách in thì mới có tủ sách riêng và mới có người tặng sách. Chỉ khi có sách in thì mới có người mua sách. Đọc sách chỉ có thể thực sự trở thành văn hóa khi người ta có nhu cầu tự tìm sách mà đọc - tự đi mượn sách mà đọc và tự đi mua sách để đọc.

Từ đó mà có thư viện, có cửa hàng cho thuê sách, có nhà sách. Quản thủ thư viện và người bán sách hay người thuê sách cũng có thể góp phần chọn sách cho người đọc, nghĩa là góp phần vào việc phát triển văn hóa đọc. Gần đây cũng có thêm mô hình cà-phê sách, kết hợp được sức hấp dẫn của sách với sức hấp dẫn của cà-phê.

Trường học cũng dạy cho chúng ta câu nói nổi tiếng của Mahatma Gandhi: You don’t have to burn books to destroy a culture. Just get people to stop reading them - Không cần phải đốt sách để phá hủy một nền văn hóa. Chỉ cần buộc người ta ngừng đọc mà thôi. Như vậy, gầy dựng phát triển văn hóa đọc trong trường học nói riêng và văn hóa đọc trong cộng đồng nói chung cũng chính là cách chúng ta góp phần bảo vệ hữu hiệu nền văn hóa dân tộc Việt Nam trước những nguy cơ xâm lăng về văn hóa.

BÙI VĂN TIẾNG

;
.
.
.
.
.