Thay vì chỉ áp dụng cách dạy nghe - nói như lâu nay, Trường chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng áp dụng phương pháp “song ngữ”, tức vừa sử dụng phương pháp nghe - nói vừa kết hợp ngôn ngữ ký hiệu. Kết quả sau một năm áp dụng phương pháp mới cho thấy học sinh tiếp thu bài tiến bộ thấy rõ.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thu đang “nói” với các em khiếm thính bằng ngôn ngữ ký hiệu. |
Giờ học tiếng Việt của cô Nguyễn Thị Hồng Thu và các em khiếm thính lớp điếc 4 của Trường chuyên biệt Tương Lai bắt đầu bằng ngôn ngữ ký hiệu. Sau đó, cả cô và trò đều đọc bằng miệng những nội dung trong bài học và cô giáo dùng rất nhiều tranh ảnh minh họa.
“Nếu dạy trẻ bình thường mất một giờ thì dạy trẻ khiếm thính mất gấp đôi, thậm chí gấp ba thời gian đó. Lúc đầu chỉ dạy bằng phương pháp nghe - nói dựa vào sự hỗ trợ của máy trợ thính thì việc học rất chậm và phụ thuộc nhiều vào máy trợ thính”, cô Thu cho biết. Sau một năm áp dụng phương pháp “song ngữ”, cô Thu nhận thấy nhiều em tiến bộ rõ rệt. Có em vốn tính toán chậm, giờ đã thành thạo; có em đọc yếu, giờ đọc nhanh hơn. Theo cô Thu, phương pháp mới này còn tạo sự hứng thú cho học sinh và vốn từ, ký hiệu của các em tăng lên rất nhiều.
Nhiều năm qua, dựa vào khung chương trình của Trung tâm Nghiên cứu giáo dục đặc biệt thuộc Viện Khoa học giáo dục Việt Nam, Trường chuyên biệt Tương Lai Đà Nẵng xây dựng thành chương trình giảng dạy các môn học cho học sinh khuyết tật trí tuệ tại trường. Thầy Nguyễn Duy Tuyên, Hiệu phó nhà trường cho biết, dạy kiểu truyền thống chỉ chú trọng về nói nên các em chậm hiểu bài và mau quên kiến thức. Cách dạy hiện nay có kết hợp ngôn ngữ ký hiệu nên vốn từ của các em khắc sâu và mở rộng hơn. Các em ngoan và biết nghe lời giáo viên hơn, tự tin trong giao tiếp với bạn bè.
“Phương pháp mới giúp giảm thời gian học nhưng mang lại hiệu quả hơn. Nhờ đó, trẻ điếc học được nhiều khái niệm, nhiều thuật ngữ và có thể học lên cao”, thầy Tuyên chia sẻ.
Thầy Tuyên cho biết thêm, các nghiên cứu trên thế giới và thực tế cũng cho thấy chỉ có phương pháp “song ngữ” mới phù hợp với thể trạng trực quan của người điếc và giúp người điếc có những kỹ năng nền tảng để hòa nhập tốt hơn và phát huy trí tuệ trong cộng đồng. Tại Hà Nội và Đồng Nai có trường THCS, THPT dạy bằng ngôn ngữ ký hiệu cho học sinh điếc nhưng chưa có trường mầm non, tiểu học giảng dạy phương pháp này.
Bài và ảnh: KIM NGÂN