Gắn kết đào tạo và tuyển dụng: Cần cái "bắt tay" từ hai phía

.

Theo thông tin từ Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2017, các cơ sở đào tạo của thành phố có gần 300 ngành nghề, tuyển sinh gần 70.000 học viên, tăng gấp đôi so với trước. Thế nhưng, vẫn còn nhiều tồn tại trong công tác đào tạo nghề, nhất là “chênh” giữa đào tạo và tuyển dụng.

Một buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh do Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tổ chức.
Một buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh do Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng tổ chức.

Thống kê của Sở LĐ-TB&XH cho biết, giai đoạn 2011-2017, thành phố đã giải quyết việc làm cho 219.000 lao động, bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho hơn 31.000 người. Trong đó, khu vực Nhà nước giải quyết được hơn 5.000 lao động, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài giải quyết được gần 55.000 lao động và khu vực ngoài Nhà nước giải quyết nhiều nhất với hơn 110.000 lao động.

Ngoài ra, các chương trình, dự án kinh tế cũng đã giải quyết được trên 46.000 lao động. Ông Võ Văn Tiến, Trưởng phòng Việc làm - An toàn lao động, Sở LĐ-TB&XH thừa nhận, đây là kết quả rất khiêm tốn bởi vẫn có nhiều người lao động trong lứa tuổi 18-25 đang cần tìm việc. Bên cạnh đó, cơ cấu cung - cầu lao động chưa được khắc phục, các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tuyển dụng lao động qua đào tạo lẫn lao động phổ thông.

Theo bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH, đây là hệ quả của một số tồn tại lâu nay như trình độ tay nghề của giáo viên hạn chế, cơ sở vật chất tại các trường công lập được đầu tư dàn trải và nhỏ giọt. Các trường ngoài công lập lại ít chú ý đến việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị. Vì vậy, chất lượng đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đã nhận ra những hạn chế này và đã cố gắng giải quyết bằng cách kết hợp với doanh nghiệp (DN) trong công tác đào tạo. Thạc sĩ Lê Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng khẳng định, sự hợp tác giữa nhà trường và DN luôn là yếu tố cốt lõi trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp.

Tuy nhiên thực tế, thời gian qua sự phối kết hợp này vẫn khá “nhạt nhẽo”. Nguyên nhân là nhà trường và DN đều thiếu thông tin về nhau, vì vậy giáo trình giảng dạy, thời gian thực tập, kể cả thời điểm tốt nghiệp và việc đào tạo còn chưa đáp ứng nhu cầu của DN.

Ngược lại, do các hạn chế này nên DN khó tuyển dụng được người lao động phù hợp nhu cầu tuyển dụng. Chung nhận định này, thạc sĩ Nguyễn Vịnh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Thương mại Đà Nẵng chỉ ra tồn tại khó giải quyết, đó là việc chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền lợi của DN trong việc tham gia nâng cao trình độ kỹ năng cho nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, điều này gây khó khăn cho giảng viên khi tiếp cận các DN để cập nhật công nghệ, nâng cao tay nghề.

“Giảng viên phải được đi thực hành, thực tập tại các DN có ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phù hợp với ngành nghề đào tạo thông qua hợp đồng giữa DN và nhà trường. Chỉ có vậy thì công tác đào tạo mới hiệu quả và DN sẽ được hưởng lợi khi tiếp nhận người lao động có tay nghề tốt”, ông Vịnh chia sẻ.

Ông Huỳnh Tấn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch thành phố đề xuất, nên chăng cho phép DN cùng “đóng dấu” vào bằng tốt nghiệp với nhà trường. Tức là nhà trường phải ngồi lại với DN xây dựng chương trình đào tạo, thực hành, đến khi học viên tốt nghiệp thì tiếp nhận vào làm. Như vậy sẽ lợi đôi đường vì nhà trường có đầu ra cho học viên, còn DN tiếp nhận lao động làm được việc ngay.

Theo một cán bộ công tác lâu năm trong ngành LĐ-TB&XH, để việc đào tạo nghề hiệu quả hơn, rất cần sự vào cuộc của bên thứ ba, tức là sự tham gia của UBND thành phố thông qua các đề án đào tạo nghề, các chương trình giải quyết việc làm; đồng thời cần đưa ra những quy định cụ thể cho cả cơ sở đào tạo lẫn DN về công tác phối hợp đào tạo và tiếp nhận lao động. Bên cạnh đó, cũng cần đẩy mạnh các hoạt động hướng nghiệp, đào tạo, tuyển sinh và tuyển dụng với sự “đồng chủ trì” là cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.