Đào tạo nhân lực chất lượng cao cho miền Trung - Tây Nguyên

.

Thành phố Đà Nẵng với mạng lưới các trường đại học, cao đẳng trọng điểm, chất lượng cao trở thành cái nôi đào tạo nhân lực chất lượng cao cho khu vực miền Trung - Tây Nguyên.   

100% cơ sở giáo dục đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng được kiểm định và đạt chất lượng giáo dục quốc gia.
100% cơ sở giáo dục đại học thành viên của Đại học Đà Nẵng được kiểm định và đạt chất lượng giáo dục quốc gia.

Quê ở Quảng Ngãi, Lương Thủy Tiên quyết định chọn học ở Đà Nẵng và hiện cô là sinh viên năm 2 khoa Tài chính thuộc Trường Đại học (ĐH) Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Vừa qua, Thủy Tiên vinh dự là một trong 2 đại diện của thanh niên miền Trung được Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tài trợ toàn phần tham dự chương trình giao lưu ASEAN - Hàn Quốc năm 2017, làm phiên dịch viên ở các hội thảo du học, tình nguyện viên hơn 10 chương trình trong nước và quốc tế, tham dự diễn đàn quốc tế “Tiếng nói tương lai” (VOF) trong khuôn khổ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 diễn ra ở Đà Nẵng.

PGS.TS. Đào Hữu Hòa - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế cho biết: “Với chất lượng đầu ra được bảo đảm, Trường ĐH Kinh tế trong những năm qua luôn là sự lựa chọn hàng đầu của sinh viên, các doanh nghiệp, tập đoàn trong và ngoài nước. Trong thời gian học tập, sinh viên thường xuyên được tiếp cận với các doanh nghiệp lớn như Unilever, Nestlé, PepsiCo... thông qua những chương trình tuyển dụng nhân viên, workshop hay Ngày hội việc làm. Bên cạnh đó, trường đã ký kết thỏa thuận hợp tác với nhiều doanh nghiệp lớn như FPT Đà Nẵng, Emprire Việt Nam, Furama, Saigontourist... để cùng liên kết hỗ trợ và phối hợp tổ chức các hoạt động tuyển dụng, đào tạo, thực tập - kiến tập - học việc, mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên”. Tổng số sinh viên đại học, học viên cao học và nghiên cứu sinh đang theo học tại trường là hơn 12.000 người.

Dù trúng tuyển nhiều trường nhưng Lê Hùng, sinh viên khoa Điện, Điện tử của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) cho biết, Hùng chọn học ở đây vì muốn trở thành kỹ sư lành nghề, không chỉ giỏi về lý thuyết mà còn có nhiều cơ hội thực hành để đáp ứng tốt nhu cầu của doanh nghiệp. PGS.TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường triển khai mô hình đào tạo tín chỉ cho phép người học chủ động xây dựng kế hoạch học tập, phát huy tính tích cực tự lực và năng động. Tất cả các chương trình đào tạo được xây dựng theo hướng thực tiễn và hiệu quả, thiên về kỹ năng thực hành - ứng dụng, hướng đến các đặc trưng nghề nghiệp của sinh viên tốt nghiệp trong bối cảnh phát triển của đất nước và hội nhập quốc tế.

Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật là hai đơn vị trong mạng lưới gồm 13 trường ĐH, cao đẳng, viện, khoa, phân hiệu và 39 trung tâm trực thuộc ĐH Đà Nẵng. Nhờ vậy, ĐH Đà Nẵng trở thành ĐH vùng trọng điểm có cơ chế tương tự hai ĐH quốc gia, một trong 3 trung tâm đào tạo - nghiên cứu lớn nhất Việt Nam, phát triển theo định hướng nghiên cứu, đa ngành, đa lĩnh vực (Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội nhân văn - Ngoại ngữ, Kỹ thuật - Công nghệ, Kinh tế - Luật, Sư phạm - Sư phạm Kỹ thuật...) với quy mô gần 60.000 sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh... Nơi đây có 90% giảng viên có trình độ sau ĐH (hơn 30% có trình độ tiến sĩ, giáo sư, phó giáo sư). Mỗi năm ĐH Đà Nẵng tuyển sinh gần 12.000 chỉ tiêu vào đại học và cao đẳng.

TS. Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo - ĐH Đà Nẵng cho biết, hiện nay 100% cơ sở giáo dục ĐH thành viên của đơn vị được kiểm định và đạt chất lượng giáo dục quốc gia. ĐH Đà Nẵng có hệ thống tổ chức quản trị về chất lượng giáo dục xuyên suốt, đồng bộ, chặt chẽ từ cấp ĐH vùng đến các trường, khoa, đơn vị thành viên và thường xuyên được đánh giá, kiểm định để hoàn thiện mọi mặt theo tiêu chí, tiêu chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục quốc gia và quốc tế. ĐH Đà Nẵng cũng là một trong những trường đi đầu xây dựng các chương trình tiên tiến, qua đó khẳng định truyền thống, học hiệu của nhiều ngành đào tạo; là những chiếc nôi ươm tạo, phát triển tài năng và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho miền Trung - Tây Nguyên và cả nước.

Theo TS. Trần Đình Khôi Quốc, Trưởng ban Đào tạo - Đại học (ĐH) Đà Nẵng, trên lộ trình phát triển theo định hướng ĐH nghiên cứu, ĐH Đà Nẵng tiếp tục ổn định quy mô, nâng cao chất lượng, đẩy mạnh đào tạo ĐH và sau ĐH với 22 chuyên ngành tiến sĩ, 44 chuyên ngành thạc sĩ, 4 chuyên ngành thạc sĩ liên kết quốc tế, 130 chuyên ngành ĐH và 38 chuyên ngành cao đẳng, trong đó có nhiều chương trình tiên tiến, chất lượng cao, chương trình liên kết quốc tế...

Các chương trình đào tạo thường xuyên được rà soát, cập nhật, kiểm định, được công nhận đạt chất lượng quốc gia và quốc tế. Sinh viên được chọn trường, chọn ngành, chọn lớp, chọn thầy với lộ trình học tập linh hoạt, phù hợp khả năng và nhu cầu bản thân, có nhiều cơ hội liên thông giữa các bậc học, học hai chương trình để nhận “bằng kép”, hoặc được tuyển chọn học các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, du học chuyển tiếp quốc tế hoặc chuyển tiếp lên cao học.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.
.