Vụ bạo hành trẻ tại nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười (số 251/32 đường Thái Thị Bôi, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vừa qua đã gây bức xúc khá lớn trong dư luận xã hội. Điều này lại một lần nữa dấy lên lo ngại về vấn đề giám sát, quản lý các nhóm trẻ tư thục tại thành phố Đà Nẵng.
Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười, nơi vừa xảy ra vụ bạo hành trẻ. |
Trong những ngày qua, các hành vi bạo hành trẻ trên video clip quay tại Nhóm trẻ độc lập Mẹ Mười lan truyền trong cộng đồng mạng đã gây nhiều bức xúc.
Ông Ngô Chính Công, Phó Chủ tịch UBND phường Chính Gián, nơi cơ sở Mẹ Mười hoạt động cho biết, mặc dù đây là cơ sở đã được địa phương cấp phép và đã kiểm tra, nhưng cũng thật khó kiểm soát bởi họ hoạt động độc lập và kín cổng cao tường.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, những điểm giữ trẻ tự phát hầu hết do những người có con nhỏ tự mở, bên cạnh việc giữ con mình, họ nhận giữ thêm các cháu nhỏ. Bên cạnh đó, có những người lớn tuổi đã về hưu, người không có việc làm nhận giữ nhóm trẻ để kiếm thêm thu nhập...
Đặc biệt, ở gần các khu công nghiệp, nơi tập trung đông công nhân thì số lượng nhóm trẻ tư thục, tự phát... mọc lên nhiều nên khó kiểm soát. Trong quá trình hoạt động, hành vi bạo hành xảy ra là do hầu hết các chủ cơ sở giữ trẻ đều cố ép trẻ ăn bằng mọi cách, kể cả dùng biện pháp mạnh, để “vừa lòng phụ huynh”.
Bà M., chủ một cơ sở giữ trẻ ở một con hẻm trên đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu) cho biết: “Giữ trẻ cũng khổ lắm. Phải ép tụi nó ăn bằng mọi giá cho mập béo thì bố mẹ chúng mới thích, mới gửi nữa. Thời buổi cạnh tranh mà. Mấy đứa lớn nhai được rồi mà lười ăn tui cũng xay ra nhét hết vô miệng để chúng ăn cho nhanh!”.
Đã từng gửi con ở cơ sở này, chị Lê Trâm (hiện là nhân viên một công ty bất động sản tại thành phố Đà Nẵng) cho biết trước đây có gửi con ở chỗ bà M. nhưng về nhà thấy bé có nhiều biểu hiện bất thường như thường hay khóc ré lên, không chịu đi học.
“Bé nhà mình vốn đã ăn thô được rồi, vào đây bà M. ép ăn cháo nên hệ tiêu hóa yếu dần. Với lại điều kiện vệ sinh không bảo đảm nên mình không gửi nữa. Còn một số người bạn của mình vẫn gửi đây chứ biết gửi đâu bây giờ vì gửi ở đây giờ giấc thoải mái. 7-8 giờ tối đón vẫn được!”, chị Trâm nói.
Trao đổi với chúng tôi, ông Tô Ngọc Quang, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, một trong những địa phương có nhiều nhóm trẻ tư thục do có số lượng công nhân ở trọ đông cho biết, hiện ngoài các cơ sở công lập thì có khoảng 30 nhóm trẻ độc lập tư thục giữ trên 7 trẻ được cấp phép và trên 50 nhóm trẻ dưới 7 trẻ chỉ đăng ký hoạt động.
“Chúng tôi đã tiến hành nhiều biện pháp để phòng ngừa như: tập huấn về đảm bảo an toàn thực phẩm, mời họp 2 lần/năm, kiểm tra tất cả cơ sở và xử phạt nơi nào không đảm bảo; đồng thời đề nghị các tổ trưởng dân phố nếu có cơ sở nào nghi ngờ thì báo địa phương đi kiểm tra”, ông Quang nói.
Tuy nhiên, ông Quang cũng thừa nhận thực tế việc quản lý không dễ bởi còn phụ thuộc vào chính bản thân người giữ trẻ.
Khảo sát của Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho thấy, năm học 2017-2018, trên địa bàn thành phố có 210 trường mầm non (71 công lập, 1 dân lập và 138 tư thục) và 1.033 nhóm trẻ độc lập tư thục (tăng 131 nhóm so với cùng kỳ).
Các nhóm lớp độc lập tư thục đa số thu nhận lứa tuổi nhỏ từ 6 - 36 tháng tuổi, mức thu phí chăm sóc trẻ rất đa dạng, phần lớn phù hợp với thu nhập của phụ huynh, với nhiều mức sống khác nhau. Giờ giấc đưa, đón trẻ linh hoạt, kể cả giữ trẻ thêm giờ ngày thứ bảy, chủ nhật nên đã thu hút nhiều phụ huynh, công nhân lao động ở các khu công nghiệp làm theo ca, lao động thời vụ gửi con ở đây.
“Bé nhà mình mới 4-5 tháng đã phải gửi để đi làm. Độ tuổi đó gửi ở trường mẫu giáo hoặc gửi ở các nhóm trẻ có đăng ký thì không ai nhận nên đành phải gửi ở những nhóm trẻ gia đình, cũng không biết họ có đăng ký giấy phép hay chưa”, chị Thùy Linh, công nhân dệt-may tại Hòa Khánh Nam, có con trai gửi nhà trẻ gần khu trọ bộc bạch.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, mặc dù ngành giáo dục đã hết sức nỗ lực, nhưng do có đến 1.033 nhóm trẻ tư thục hoạt động thiếu ổn định nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ vi phạm.
“Định kỳ hằng năm, chúng tôi đều thành lập đoàn kiểm tra liên ngành gồm: Sở GD&ĐT, Sở Y tế, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp Phụ nữ… kiểm tra hoạt động của các trường mầm non tư thục.
Chúng tôi cũng đã ban hành công văn về tăng cường việc kiểm tra, rà soát nhằm ngăn chặn tình trạng xâm hại, bạo hành trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn thành phố; đề nghị các địa phương tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước về loại hình, nhóm lớp độc lập tư thục.
Tuy nhiên, cũng cần nâng cao vai trò của địa phương trong việc kiểm tra định kỳ và đột xuất công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, chất lượng bữa ăn của trẻ và công tác giáo dục trẻ nhằm bảo đảm tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ trong thời gian ở tại nhóm, lớp”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.
Để nâng cao chất lượng hoạt động của nhóm trẻ, ngăn chặn tình trạng bạo hành, ông Nguyễn Đình Vĩnh đề nghị địa phương cần thông báo số điện thoại đường dây nóng để người dân báo khi phát hiện cơ sở giữ trẻ không có giấy phép hoặc phát hiện tình trạng bạo hành trẻ em; hướng dẫn thực hiện quản lý nhóm lớp trên 7 trẻ và dưới 7 trẻ; tổ chức tổng kiểm tra, rà soát các điều kiện về cơ sở vật chất và đội ngũ tại 100% nhóm lớp độc lập tư thục, kể cả những nhóm dưới 7 trẻ; không để tồn tại các cơ sở giữ trẻ vượt quá số lượng cho phép và không có giấy phép nhưng vẫn hoạt động.
PHƯƠNG TRÀ – THU THẢO