Cụ ông 85 tuổi nhận bằng thạc sĩ

.

Trong hàng trăm người nhận bằng tốt nghiệp thạc sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư của Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng vừa qua có một học viên khá đặc biệt, đó là cụ ông 85 tuổi Lê Phước Thiệt.

Dù tuổi cao nhưng tinh thần ham học của cụ Thiệt khiến nhiều người khâm phục. 
Dù tuổi cao nhưng tinh thần ham học của cụ Thiệt khiến nhiều người khâm phục. 

Tốt nghiệp đại học năm 69 tuổi và đăng ký học thạc sĩ năm 82 tuổi, cụ Thiệt cắt nghĩa rất đơn giản về sự học của mình: “Ở tuổi này, tôi học chẳng mong chức quyền hay tiền bạc, chỉ đơn giản là để làm gương cho các cháu biết quý sự học.

Việc học cũng giúp tôi rèn luyện bộ não, duy trì trí nhớ”. Khát vọng học tập của cụ Thiệt được ấp ủ từ thời xưa khi gia đình nghèo không có điều kiện đi học và phải tự học để lấy bằng THPT ở Mỹ. Đến khi lập gia đình, cụ lại phải lo làm ăn để nuôi vợ và 7 người con. Ước mơ đến giảng đường đành tạm gác cho đến khi các con yên bề gia thất cụ mới bắt đầu cắp cặp đi... học đại học.

Tuổi cao và có bằng đại học kinh tế tài chính ở Đại học bang California (Mỹ) nên cụ Thiệt được Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng đặc cách học ngành thạc sĩ Quản trị kinh doanh từ năm học 2015-2016 và được miễn hoàn toàn học phí.

Để đến lớp vào buổi tối, cụ Thiệt đón xe buýt từ nhà ở huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam và khi về thì nhờ người chở. Dẫu khó khăn, vất vả nhưng điều đáng nói là cụ Thiệt luôn đến lớp đúng giờ.

Nhiều hôm về mệt nhưng cụ bảo cảm giác được trở lại thời sinh viên rất vui, xua tan cả mệt mỏi. Nhà trường không có thang máy dành cho sinh viên và cụ Thiệt cũng không muốn có một sự đặc cách nào cho riêng mình nên quyết định tự leo thang bộ 7-8 tầng để lên giảng đường.

Cụ bảo, leo thang bộ để rèn luyện sức khỏe, tập thể dục luôn thì tại sao lại không. Cao tuổi nhất trong số 145 học viên cùng khóa nhưng cụ Thiệt chưa phải thi hay học lại môn nào. Riêng môn Anh văn lúc nào cụ cũng là một trong những người đứng đầu lớp.

Đặc biệt, cụ rất xông xáo, nhiệt tình trong các hoạt động tại lớp và tự tin xung phong phát biểu, thuyết trình như các thành viên khác.

Không ít lần cụ Thiệt phải vào bệnh viện để điều trị bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, nhưng điều đó cũng không thể cản trở việc đến lớp của cụ. Có đợt phải nằm điều trị 1 tháng tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) nhưng ban ngày cụ nằm viện, tối đến lại lục tục bắt xe buýt đi học và học xong thì lại vào viện nằm điều trị. Ngoài giờ học buổi tối, cụ Thiệt còn thường xuyên cập nhật tình hình thời sự, tin tức từ các kênh thông tin khác.

Cụ bảo, đọc nhiều để nắm bắt thông tin và cũng là tự tạo cho mình niềm vui trong cuộc sống. “Khi lên trường tôi tìm đến thư viện. Kho kiến thức rất lớn nằm ở đó. Tuổi trẻ bây giờ rất nhiều người giỏi, mình lớn tuổi thì phải siêng học để khỏi quên”, cụ nói.

Nhiều giảng viên tại trường cho biết, cụ Thiệt vượt qua các học phần với kết quả tốt và không hề có sự ưu tiên nào. Tiến sĩ Võ Thanh Hải, Hiệu phó Trường Đại học Duy Tân Đà Nẵng cho hay, cụ Thiệt là một người ham học hiếm có.

Mặc dù tuổi cao, sức yếu nhưng cụ không bỏ buổi học nào. “Tôi đến giảng đường lúc 18 giờ thì đã thấy cụ đến trước đó. Cụ rất nhanh nhẹn và đầy tâm huyết, học với một sự nghiêm túc thật sự”, tiến sĩ Hải nói.

Vợ mất đã lâu, 7 người con của cụ hiện đang sống tại Hoa Kỳ và vẫn luôn ủng hộ cha học cao học. Không chỉ đam mê học tập, cụ Thiệt còn dành hàng trăm suất học bổng tặng học trò nghèo để các em có thể bước tiếp trên con đường đến trường. “Chỉ có học tập mới giúp các em trưởng thành và trở thành người có ích. Tôi luôn muốn các em có hoài bão, khát vọng học tập, vượt qua những trở ngại để đi đến thành công”, cụ Thiệt nói.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.