Ở miền Trung có một ngôi trường “tuổi đời” ngang với trường Bưởi (nay là Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội) lẫy lừng đất Bắc: Trường tiểu học An Phước, tọa lạc tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng.
Giáo viên và học sinh Trường tiểu học An Phước luôn nêu cao truyền thống, phát huy tinh thần hiếu học. |
Trường tiểu học An Phước nguyên là một lớp học chữ nho cho con em làng Cẩm Toại, do Tú tài Lâm Hữu Mẫn - nguyên Bang tá Tỉnh ủy của Nghĩa hội Quảng Nam, mở từ năm 1888, tại xóm Gò Lòi, bấy giờ thuộc thôn Cẩm Toại, tổng An Phước, huyện Đại Lộc. 16 năm sau, hưởng ứng Phong trào Duy tân, ông Tú Mẫn giao trường lại cho trưởng nam là Tú tài Lâm Quang Tự (thường được gọi là ông Nghè Lâm).
Năm 1908, sau khi nổ ra phong trào “kháng sưu, chống thuế” ở Đại Lộc rồi lan rộng ra vùng đất phía tây Hòa Vang, trường được dời từ xóm Gò Lòi ra xóm Đình bên tỉnh lộ 102 (nay là quốc lộ 14B) và chuyển hẳn sang dạy quốc ngữ.
Cụ Nghè Lâm, người thầy đầu tiên của trường mới, đi dạy nhưng không hưởng lương. Học trò theo học không những không đóng học phí mà còn được cấp giấy bút, sách vở.
Gọi là trường, nhưng bấy giờ chỉ có một phòng học bằng gỗ, mái tranh với chưa đến 20 học sinh. Chương trình học gồm các lớp đồng ấu (cours enfantin), dự bị (cours préparatoire) và sơ đẳng (cours élémentaire).
Đến năm 1912, trường có lứa học sinh đầu tiên đỗ bằng Tuyển sanh, tức bằng Sơ học Yếu lược (Primaire Elémentaire). Đây là một bằng cấp quan trọng đối với việc học lúc bấy giờ, bởi lẽ có bằng Tuyển sanh rồi mới được vào học trường Đốc (tức trường tỉnh) để lấy bằng Học sanh; sau đó mới được dự kỳ thi Hương.
Khi trường được mở rộng cả về cơ sở vật chất lẫn chương trình đào tạo, tổng An Phước làm tờ trình lên Tri huyện Đại Lộc và Đốc học Quảng Nam xin công nhận trường là trường công. Mãi đến năm 1924, Thanh tra Học chánh mới về xem xét và 2 năm sau mới công nhận là trường công lập mang tên École Cantonale d’An Phuoc (Trường Tổng An Phước). Đến năm 1932, trường đổi tên thành Ecole Elémentaire d’An Phuoc (Trường Sơ học An Phước).
Năm 1938, trường mở Cours Moyen deuxième année (lớp Nhì nhị niên). Năm sau, trường được Đốc học tỉnh duyệt đồng ý cho mở Cours Supérieur (lớp Nhất) để hoàn chỉnh bậc tiểu học với tên gọi Ecole Primaire Complémentaire d’An Phuoc và được phép đăng cai tổ chức thi bằng Sơ học Yếu lược cho các trường thuộc Hòa Vang.
Khi nổ ra Cách mạng Tháng Tám, trong lớp lớp những người khắp 16 xã tập trung về sân vận động tổng An Phước ngày 16-8-1945 để chuẩn bị lên đường cướp chính quyền có không ít học sinh Trường An Phước.
Họ đã được các thầy, cô ở trường dạy về đạo đức làm người, về tinh thần quật cường của dân tộc bằng cách cố ý nhấn mạnh truyền thống chống ngoại xâm của nhân dân ta qua những giờ học Sử. Cách mạng thành công, trường được mang tên thuần Việt là Trường tiểu học An Phước mãi cho đến ngày nay.
Năm 1994, được sự giúp đỡ của các ngành, các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước, trường mở lớp dạy trẻ em khuyết tật, trở thành trường đầu tiên trong cả nước mở loại hình lớp học này... Kết quả giáo dục các lớp khuyết tật chuyên biệt của trường được thành phố Đà Nẵng và Bộ GD&ĐT động viên khen thưởng.
Năm 2001, trường được Bộ GD&ĐT công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Năm 2008, trường được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố theo Quyết định số 4141/QĐ-UBND ngày 27-5-2008 của UBND thành phố Đà Nẵng.
Cũng năm này, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập, Trường tiểu học An Phước được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen; UBND thành phố Đà Nẵng tặng bức trướng “Nghĩa thục An Phước 100 năm phát huy truyền thống hiếu học, yêu nước”. Năm nay, ở tuổi 110, trường được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì “đã có thành tích xuất sắc trong quá trình xây dựng và phát triển giai đoạn 1908-2018”.
110 năm đi qua với bao biến cố thăng trầm của lịch sử, sau khi Ðông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội bị thực dân Pháp đóng cửa, tất cả các nghĩa thục khác của phong trào Duy Tân, vì nhiều lý do, đã không còn tồn tại.
Chỉ riêng Nghĩa thục An Phước là còn cho đến ngày nay và tiếp tục phát triển. Học sinh An Phước nhiều người đã đạt được những học vị, học hàm cao về khoa học và giáo dục. Trường đã góp phần đào tạo nhiều cán bộ từ sơ cấp đến trung, cao cấp, giáo sư, tiến sĩ, nhà giáo ưu tú... Thầy và trò nhà trường đã có nhiều hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Đốm lửa nhỏ được nhóm lên ở làng Cẩm Toại ngày nào đã bừng sáng thành ngọn lửa An Phước trên vùng đất học Hòa Vang. Một cô giáo đang dạy ở trường trải lòng qua mấy vần thơ: Hạt gieo trên đất học/Nở hoa thơm khắp miền...
Bài và ảnh: VĂN THÀNH LÊ