3 tháng nghỉ hè, thời gian nhàn rỗi nhiều nên nhiều cô cậu học trò đắm chìm trong thế giới ảo với các trò chơi điện tử hoặc được “nhồi nhét” các kiến thức tạo sự mệt mỏi cho các em khi bước vào năm học mới. Bởi vậy, làm sao để trẻ có một kỳ nghỉ hè bổ ích, tránh xa những thói quen không tốt?
Nhiều trò chơi giúp bé phát huy trí tưởng tượng, rèn luyện nhiều kỹ năng cho bản thân. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
Báo Đà Nẵng ghi nhận những ý kiến của những nhà quản lý giáo dục, phụ huynh chung quanh vấn đề này.
* Ông Nguyễn Đình Vĩnh – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Trường học là sân chơi lý tưởng cho các em
Sau một năm học tập thì phải làm sao để các em được vui chơi thực sự trong mùa hè. Tuy nhiên, chơi mà học. Đây cũng là thời gian quý báu để các em học được thật nhiều kỹ năng để có thể phát triển toàn diện.
Chúng ta có nhiều địa điểm công cộng để tổ chức hoạt động hè, nhưng theo tôi, trường học là địa điểm lý tưởng nếu chúng ta biết phát huy, bởi nó thu hút được học sinh và tạo sự yên tâm cho phụ huynh khi cho con chơi ở đây. Bởi vậy, hè năm nay, chúng tôi tiếp tục triển khai các chương trình hướng đến một mùa hè bổ ích, an toàn cho học sinh.
Đó là tiếp tục triển khai các chủ trương “Thư viện mở”, “Cổng trường mở”, “Trường học sáng đèn”, đưa trò chơi dân gian vào trong trường học.
Các cơ sở giáo dục phối hợp với hội, đoàn thể, cơ quan văn hóa địa phương hướng dẫn, tổ chức cho thanh - thiếu niên, nhi đồng chơi các trò chơi dân gian phù hợp như: Rồng rắn lên mây, nhảy dây, múa sạp, kéo co, ô ăn quan, dung dăng dung dẻ, tập tầm vông…
Các cơ sở giáo dục tăng cường tập luyện và biểu diễn các làn điệu dân ca Khu 5, bài chòi và các trường: THCS Nguyễn Tri Phương, THCS Ông Ích Đường; Trường THPT Phạm Phú Thứ phối hợp với Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang tổ chức tập luyện, biểu diễn điệu múa tung tung da dá cho học sinh người đồng bào Cơ tu. Trang bị kỹ năng bơi và phòng chống đuối nước cho học sinh cũng là một hoạt động không thể thiếu.
Với việc khai thác tối đa các bể bơi di động, cố định đã được đầu tư thì trong mùa hè 2018 sẽ có khoảng 30.000 học sinh được dạy-học bơi. Tất cả các trường tiểu học, THCS, THPT, các trung tâm GDTX tiếp tục thực hiện việc mở cổng trường, thư viện, các tủ sách mở, khu tập luyện thể dục - thể thao các ngày trong tuần (trừ các ngày lễ, Tết, Chủ nhật) để học sinh, nhân dân vùng lân cận đến vui chơi, đọc sách.
Đối với các trường tiểu học: Khuyến khích giáo viên nhà trường tổ chức các hoạt động tại trường như: tổ chức dạy học ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, các bộ môn năng khiếu, nghệ thuật, thể dục thể thao…
Chúng tôi cũng đã chỉ đạo các trường học, các cơ sở giáo dục đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ văn hóa nghệ thuật, thể thao thu hút học sinh và nhân dân khu vực gần trường tham gia; đảm bảo mỗi trường tiểu học, THCS, THPT có ít nhất 2 câu lạc bộ.
Gần gũi với thiên nhiên giúp bé có thêm nhiều hiểu biết và tình yêu với vạn vật. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ |
* Ông Võ Văn Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng: Cần có sự phối hợp của toàn xã hội
Thực tế hiện nay, nghỉ hè ngoài việc đến các lớp học hè, học bán trú, học văn hóa thì các em không có nhiều không gian và hoạt động vui chơi, rèn kỹ năng. Hiện nay các đơn vị mở ra nhiều lớp học kỹ năng sống nhưng phải đóng tiền và không phải em nào cũng có thể tham gia. Hoạt động cộng đồng, rèn kỹ năng chưa có nhiều là một thực tế hiện nay.
Bởi vậy, không ít em cứ đến hè là bị bố mẹ nhốt trong nhà cùng với máy tính, điện thoại, ti-vi… dẫn đến trở nên mệt mỏi, lười vận động và không học tập hiệu quả khi bước vào năm học. Số trẻ bị trầm cảm, mặc cảm, tự ti, không muốn giao tiếp ngày càng nhiều do tác động tiêu cực của công nghệ là một thực tế hiện nay.
Không chỉ chú tâm vào công nghệ, với một số em thì kỳ nghỉ hè trở thành “học kỳ 3” khi bị nhồi nhét, học trước các kiến thức mà vào năm học sẽ học vì ba mẹ sợ con không theo kịp bạn bè…
Bởi vậy, việc mang đến cho các em một mùa hè đúng nghĩa để vừa có thể vui chơi vừa rèn luyện thêm được các kỹ năng là thực sự cần thiết. Đó có thể là kỹ năng bơi lội, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng nói trước đám đông… Với cơ sở vật chất sẵn có, nhà trường là nơi các em có thể vui chơi với nhiều trò chơi dân gian vui và bổ ích.
Tuy nhiên, theo tôi nghĩ thì một mình ngành giáo dục không thể làm được mà cần sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, sự đầu tư về cơ sở vật chất, kinh phí… để tổ chức. Cũng cần có sự phối hợp, vào cuộc mạnh mẽ của chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, đặc biệt là đoàn Thanh niên các địa phương trong các hoạt động hè. Có như vậy mới có một chương trình thực chất và hiệu quả, giúp các em được vui chơi và góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
* Ông Mai Xuân Mùi, Phó Giám đốc Cung Thiếu nhi Đà Nẵng: Phải tư vấn và để con chọn môn học năng khiếu
Tham gia vào các hoạt động tập thể, các em có thể rèn luyện bản thân, mạnh dạn hơn trong mọi hoạt động và tránh được các tệ nạn xã hội, sa vào các trò chơi vô bổ như trò chơi điện tử... Nhằm tạo sân chơi vui tươi, bổ ích cho thiếu nhi toàn thành phố, chúng tôi sẽ phối hợp cùng Hội đồng Đội thành phố tổ chức nhiều hoạt động trong dịp hè theo hướng tiếp tục tăng cường các hình thức vui chơi gắn với học tập, đa dạng hóa các loại hình vui chơi giải trí cho thiếu nhi thông qua việc phát triển các hoạt động vui chơi ngoài trời, tăng cường các mô hình giáo dục kỹ năng sống, mô hình sân chơi lưu động, duy trì các trò chơi dân gian để giáo dục các em giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Trong hè này, chúng tôi cũng sẽ tăng cường các cuộc thi, liên hoan, gặp gỡ, giao lưu, hội trại, tham quan dã ngoại như: chương trình “Thắp sáng ước mơ”, liên hoan trò chơi dân gian, thi tìm hiểu về lịch sử dân tộc, trại hè kỹ năng khám phá cùng thiên nhiên, trại hè học kỳ quân đội, tham quan các danh lam thắng cảnh… cùng các hoạt động mang tính tập thể như chú trọng tổ chức các trò chơi dân gian, sân chơi cuối tuần…
Hoạt động liên hoan tài năng nhí sẽ được tổ chức hằng tuần để trẻ em trên toàn thành phố có thể được tham gia thường xuyên, tạo sân chơi cho các em. Hiện chúng tôi cũng tổ chức được hàng loạt các lớp năng khiếu hè và sinh hoạt hè cho các em tham gia, đủ các bộ môn năng khiếu thu hút hàng trăm em đăng ký học như: đàn organ, múa, cờ vua, bóng bàn, thể dục nhịp điệu, võ thuật…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay là các bậc cha mẹ hay đăng ký cho con học năng khiếu theo sở thích của mình chứ không phải của con. Theo tôi, cha mẹ nên hỏi ý kiến con, đồng thời nói cho con biết những điều gì con có thể nhận được và đừng “ép” con tham gia những môn mà con không thích.
* Chị Trần Thị Kim Cúc, nhân viên Công ty TNHH kiến tạo Nguyên Khoa: Sân chơi phải an toàn và hấp dẫn trẻ
Cứ hè đến là mình cho con gái về quê ngoại, nội chơi khoảng 1 tháng rồi sau đó cho cháu đi học đàn, vẽ. Các cháu rất thích về quê vì được vui chơi thỏa thích. Mình nghĩ môi trường nông thôn rất thích hợp cho trẻ để có thể trải nghiệm và khám phá.
Ở đó, các con không chỉ nắm bắt được nhiều điều thú vị về thế giới tự nhiên mà còn có thể học được những bài học từ cuộc sống đồng thời những kỹ năng khác. Mình nghĩ hè về không nên nhồi nhét thêm kiến thức văn hóa mà cần cho các con nghỉ ngơi, vui chơi và học các môn năng khiếu mà chúng yêu thích.
Mình mong muốn có thêm nhiều hơn nữa sân chơi cho các con. Đó là những sân chơi mà các con có thể được thỏa sức chơi các trò chơi mình yêu thích. Tuy nhiên, nếu tổ chức sân chơi thì tiêu chí đầu tiên phải đảm bảo an toàn về nhiều mặt cho bé, nhất là các bé đang học tiểu học, thì phụ huynh mới yên tâm gửi con ở đó để đi làm; tức là ở đó phải có thầy cô hoặc các cán bộ Đoàn-Đội để trông coi các cháu.
Đồng thời các trò chơi phải hấp dẫn khiến các cháu thích như: nhảy dây, chơi ô ăn quan, nhảy bao bố, đá banh… và phải an toàn, không gây nguy hiểm cho bé.
Phương Trà (thực hiện)