Nâng niu những mầm xanh

.

Trường tiểu học An Phước không chỉ giàu truyền thống, mà thế mạnh được nhà trường phát huy là công tác xã hội hóa, vận động mạnh thường quân góp sức trong sự nghiệp trồng người. Những bước chân của các em học sinh nơi vùng thôn quê còn nhiều khó khăn, nhờ đó cũng bớt nhọc nhằn hơn.

Cô Trần Thị Kim Yến, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học An Phước tặng giấy khen và phần thưởng cho 5 lớp đạt danh hiệu Lớp xuất sắc năm học 2017-2018. 						                   Ảnh: V.T.L
Cô Trần Thị Kim Yến, Phó Hiệu trưởng Trường tiểu học An Phước tặng giấy khen và phần thưởng cho 5 lớp đạt danh hiệu Lớp xuất sắc năm học 2017-2018. Ảnh: V.T.L

Đối với Trần Thị Thanh Huyền, học lớp 5/2 Trường tiểu học An Phước, được đến trường là niềm hạnh phúc rất lớn. Em là con của một người mẹ đơn thân gầy yếu, hơn 10 năm nay, gia đình Huyền luôn nằm trong diện hộ nghèo của thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong. Ngoài những hỗ trợ về học phí hằng năm, những phần thưởng từ quỹ khuyến học của trường luôn là động lực để em phấn đấu. Mấy năm trước, dù rất cố gắng, kết quả học tập của Huyền luôn dừng lại mức khá nên Huyền chỉ biết nhìn các bạn được nhận phần thưởng “mà thèm”.

Riêng năm học 2017-2018, nhờ nỗ lực vượt bậc, Huyền đã đạt danh hiệu học sinh xuất sắc, hơn nữa, còn vượt qua hàng trăm “đối thủ” để lọt vào danh sách 10 học sinh được nhận phần thưởng trong lễ kỷ niệm 110 năm thành lập trường. “Nhận được tin báo từ cô giáo chủ nhiệm, em quá bất ngờ và vui sướng. Phần thưởng vừa là vinh dự của em, vừa là niềm vui của mẹ, chắc mẹ sẽ không bàn chuyện em học đến lớp mấy nữa, thưa cô!”, Huyền lễ phép nói.

Trần Đăng Tường Vy, học lớp 3/4 cũng là một trong 10 học sinh được nhận phần thưởng trong dịp kỷ niệm 110 năm thành lập trường lần này.

Cha Vy bị liệt phải ngồi xe lăn, hằng ngày vẫn mưu sinh bằng việc may vá giày dép, mẹ là công nhân với nguồn thu nhập bấp bênh. Khác Huyền, 3 năm bậc tiểu học, Vy luôn là học sinh xuất sắc của trường, ngoài ra, em còn có khiếu kể chuyện, cắm hoa, liên tục giật giải cao tại hội thi do nhà trường tổ chức. Bên cạnh lời khen ngợi, nhà trường luôn có những phần quà nho nhỏ động viên Vy.

Cô Đinh Thị Dễ, Hiệu trưởng Trường tiểu học An Phước nói, với kinh phí hạn hẹp, để kịp thời có những phần thưởng, những phần quà nho nhỏ ấy chính là nhờ những tấm lòng thơm thảo không ngại góp sức vì sự nghiệp giáo dục của nhà trường.

Xuất phát từ thực tế địa phương còn nghèo, học sinh của trường còn rất nhiều em có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có 11 em khuyết tật học hòa nhập cần được hỗ trợ nhiều mặt..., câu hỏi làm sao để các em yên tâm, vững bước đến trường luôn khiến Ban giám hiệu nhà trường đau đáu.

“Chi bằng đi vận động hỗ trợ, góp gió thành bão. Lòng thiện ở khắp nơi, con người ta ai cũng muốn làm việc nghĩa, quan trọng biết khơi đúng nguồn. Cứ lên tiếng, có mất gì tiếng nói”, cô Dễ thật thà chia sẻ nghĩ suy ban đầu thôi thúc cô quan tâm câu chuyện vận động sự hỗ trợ của xã hội hơn 3 năm nay.

Nghĩ là làm, bằng nhiều cách, khi đến tận nơi thuyết phục, khi mời họp mặt, có khi chỉ qua một cuộc điện thoại trao đổi chân tình, cô Dễ và Hội Khuyến học của trường vận dụng tất cả các mối quan hệ, các nguồn tin để vận động tài trợ.

Một điều rất quan trọng trong các chiến dịch vận động của Trường An Phước là mục đích, ý nghĩa, số kinh phí cần của sự vận động đó luôn được công khai như: thưởng cuối kỳ, cuối năm cho học sinh đạt thành tích xuất sắc, thưởng học sinh nghèo vượt khó, “thưởng nóng” các học sinh và giáo viên vừa đoạt giải thành phố, mua thẻ bảo hiểm cho học sinh đặc biệt khó khăn, tổ chức Trung thu với đầy đủ quà bánh, xem múa lân cho toàn thể học sinh...

Lấy việc khuyến khích nâng cao chất lượng học tập của học sinh là trung tâm, với nguồn quỹ ổn định trung bình khoảng trên dưới 100 triệu đồng/năm, nhà trường cũng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất nhằm phục vụ trở lại công tác giảng dạy, học tập, với những con số đáng nể.

Chẳng hạn, năm học 2016-2017, riêng để xây dựng thư viện xanh, Trường An Phước huy động được hơn 40 triệu đồng từ các mạnh thường quân. Năm học 2017-2018, trường huy động được 300 triệu đồng để sơn quét, chỉnh trang lại toàn bộ khu vực chính; huy động đầu tư phòng máy vi tính...

Điều đáng nói là mạnh thường quân của Trường tiểu học An Phước có thể là bất kỳ ai và đến bằng nhiều cách. Đó có thể là những cựu học sinh thành đạt, là một dòng họ hiếu học, một hội đồng hương, một phụ huynh hào phóng hay là chủ thầu xây dựng, bác sĩ... Nhiều người không muốn để lại tên tuổi, nhưng họ có một điểm chung là đau đáu với sự nghiệp trồng người, là cái tâm trong sáng vì một tương lai tốt đẹp hơn cho những mầm xanh nơi ngôi trường giàu truyền thống này.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.
.