An toàn cho trẻ học bơi ngày hè

.

Học bơi giúp trẻ phòng tránh đuối nước, phát triển năng khiếu và rèn luyện thể lực. Tuy nhiên, để việc học bơi được an toàn cần lưu ý nhiều điều.

Một tiết học bơi tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu.
Một tiết học bơi tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu.

Chị Nguyễn Thu Loan (32 tuổi, quận Thanh Khê) có con học bơi tại khách sạn Sông Hàn (đường Lý Tự Trọng) cho biết, mùa hè năm nay, chị cho con gái 5 tuổi học bơi lớp cơ bản vì cháu chưa biết bơi. Dù có giáo viên hướng dẫn nhưng chị vẫn không yên tâm, luôn theo sát con trong giờ học.

“Lúc đầu, khi có ý định cho con học bơi, ba của cháu cản vì sợ lớp đông, giáo viên không thể theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên, qua thực tế, chúng tôi cảm thấy yên tâm khi mỗi giáo viên chỉ phụ trách 2-4 cháu. Dù vậy, tai nạn không thể lường trước nên chúng tôi luôn theo dõi khi cháu xuống hồ bơi”, chị Loan chia sẻ.

Chị Hà Thu Mai (ngụ đường Phạm Ngọc Thạch, quận Hải Châu) cũng không khỏi lo lắng mỗi khi con gái 5 tuổi học bơi. “Cháu hiếu động, thích nghịch nước nên tôi đăng ký cho cháu học vào giờ ba mẹ rảnh rỗi để tiện theo dõi”, chị Mai nói.

Tại Trường tiểu học Võ Thị Sáu, thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng nhà trường thường xuyên ghé bể bơi của trường để quan sát tình hình học bơi. Thầy Phong cho biết, dạy bơi để bảo đảm an toàn, trang bị cho trẻ kỹ năng phòng tránh đuối nước, vì thế, ngay tại các bể bơi, vấn đề an toàn phải đặt lên hàng đầu. Thực tế, phần lớn học sinh rất hiếu động, tự ý vào hồ, thường xuyên đùa giỡn dưới hồ nên giáo viên và phụ huynh phải luôn theo dõi, nhắc nhở.

Là giáo viên dạy bơi tại các trường tiểu học: Núi Thành, Lý Công Uẩn, Võ Thị Sáu..., thầy Nguyễn Xuân Trung cho biết, những bể bơi thông minh ở trường tiểu học rất an toàn, được xây dựng theo tiêu chuẩn dành riêng cho trẻ em.

Hơn nữa, bể bơi ở các trường học vắng người, các em không phải chen chúc, thậm chí bơi chung với người lớn như các bể công cộng.

“Để bảo đảm an toàn cho trẻ, các huấn luyện viên, giáo viên luôn là người vào bể đầu tiên và ra về sau cùng. Trẻ em vốn hiếu động, nên cần giáo dục trẻ trước khi vào bể. Cho trẻ khởi động và tắm trước bằng nước sạch để theo dõi phản ứng của trẻ với nước, tuyệt đối không cho trẻ ăn no trước khi xuống hồ. Đặc biệt, dạy trẻ học bơi để tự bảo vệ bản thân nhưng không vì biết bơi mà có thể chủ quan...”, anh Trung cho biết thêm.

Theo anh Lê Chí Hùng, huấn luyện viên Trung tâm CP Giáo dục thể thao Goldswim, không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đuối nước tại các bể bơi, trẻ còn có nguy cơ mắc các bệnh về mắt, bộ phận sinh dục, da, tai mũi họng hoặc tiêu chảy.

“Mùa nắng nóng cũng là mùa dịch bệnh phát triển. Một số dịch bệnh có khả năng lây qua đường nước. Để bảo đảm an toàn, bố mẹ nên chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cho trẻ khi đi bơi như: đồ bơi, phao, mũ, kính, nút tai, khăn bông, xà phòng tắm, nước muối sinh lý nhỏ mắt, nước súc miệng.

Không nên cho trẻ đi bơi khi trẻ đang bị các bệnh ngoài da, vết thương trên da, bị bệnh đường sinh dục, đau mắt đỏ... Bố mẹ cần nhắc nhở trẻ không uống nước và tập cho trẻ không tiểu, tiện trong bể bơi. Sau khi bơi về, cần tắm rửa sạch sẽ cho trẻ”, anh Hùng cho biết.

Bài và ảnh: THU THẢO

;
.
.
.
.
.
.