ĐƯA NGHỊ QUYẾT CỦA ĐẢNG VÀO CUỘC SỐNG

Về đích mục tiêu xóa mù chữ

Thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã có nhiều nỗ lực, trong đó có việc hoàn thành mục tiêu về xóa mù chữ ở các địa phương.

Thời gian qua, ngành giáo dục thành phố xây dựng mạng lưới các trung tâm giáo dục thường xuyên (GDTX), bố trí đủ biên chế giáo viên làm công tác chuyên trách xóa mù chữ ở từng trung tâm GDTX. Giáo viên chuyên trách có trách nhiệm phối hợp với chính quyền xã, phường và sự hỗ trợ của các tổ dân phố làm nhiệm vụ điều tra và huy động ra lớp các đối tượng trong độ tuổi ra lớp xóa mù chữ (XMC). Ở Trung tâm GDTX số 2, ông Đinh Lương Y, Giám đốc trung tâm cho biết, trong năm học 2017-2018, đơn vị tiến hành kiểm tra định kỳ công tác phổ cập giáo dục (PCGD) - XMC cho 28 phường thuộc 3 quận Hải Châu, Thanh Khê và Liên Chiểu. Kết quả có 28/28 phường được công nhận đạt các chuẩn về PCGD-XMC cấp quận. “Chúng tôi đã thường xuyên thông báo tuyển sinh để thu hút các đối tượng, các nhóm đối tượng người học vào các lớp bổ túc THPT để nâng cao trình độ văn hóa.

Đồng thời, năm qua cũng đã mở được 3 lớp XMC với 18 học viên và mở 1 lớp phổ cập giáo dục THCS với 33 học sinh”, ông Y nói. Trung tâm GDTX số 2 cũng đã chủ động phối hợp với Phòng GD&ĐT, Ban chỉ đạo về PCGD-XMC và xây dựng xã hội học tập ở phường để tập trung chỉ đạo, hỗ trợ các TT học tập cộng đồng nâng cao hiệu quả hoạt động.

Bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT thành phố cho biết, để chỉ đạo công tác XMC được kịp thời và hiệu quả, ngành GD&ĐT đã tham mưu với các cấp lãnh đạo Đảng, chính quyền thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo kịp thời về công tác này. Các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền từ thành phố đến quận, huyện, phường, xã quan tâm lãnh đạo sự nghiệp giáo dục, trong đó có nhiệm vụ XMC; đồng thời phối hợp với các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội trong việc chỉ đạo thực hiện. “Chúng tôi đã chỉ đạo các trung tâm GDTX, các Phòng GD&ĐT tiến hành phối hợp với các địa phương điều tra, huy động số đối tượng trong độ tuổi nhưng còn ở ngoài nhà trường ra lớp, nắm chắc số lượng còn ở ngoài nhà trường để huy động ra lớp.

Tổ chức kiểm tra, duy trì sĩ số học viên các lớp XMC”, bà Thuận nói. Các TTGDTX thường xuyên tổ chức kiểm tra và duy trì sĩ số học viên đang theo học các lớp XMC bằng các biện pháp như: phối hợp với Hội cha mẹ học viên, chính quyền địa phương, Hội Khuyến học, trung tâm học tập cộng đồng, các đoàn thể quần chúng động viên học viên ra lớp, chống bỏ học, tạo điều kiện hỗ trợ về vật chất và tinh thần để học viên an tâm học tập nhằm duy trì tốt sĩ số học viên các lớp XMC.

Đơn cử như lớp học của Trung tá Mai Văn Sơn (hiện đang công tác tại Đồn Biên phòng Hải Vân) đang giúp cho hàng chục người nghèo, trẻ khuyết tật được học chữ; lớp học của chị Nguyễn Thị Ân, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) giúp các chị em vẫn miệt mài mưu sinh trên bãi rác có thể biết đọc, biết viết, biết cộng-trừ-nhân-chia dù chỉ là để tính cho đúng mỗi khi đi chợ… “Các chị, các em càng quyết tâm đến với con chữ thì mình thấy càng phải cố gắng hơn và những lớp học sẽ vẫn được tiếp tục mở”, Trung tá Mai Văn Sơn chia sẻ.

Hiện nay, ngành giáo dục thành phố đã huy động được 100% cháu trong độ tuổi học tiểu học, 99,9% trong độ tuổi 11-14 học THCS, 95% trong độ tuổi 15-17 học THPT hoặc bổ túc THPT ra lớp. Đến nay, toàn thành phố đã đạt 99,62% số người trong độ tuổi từ 15-60 biết chữ, tăng 0,92% so với năm 2014. Năm vừa qua, UBND thành phố công nhận đạt chuẩn PCGD-XMC cho các quận, huyện; trong đó các quận, huyện đều đạt chuẩn XMC cấp độ 2.

Kim Ngân
 

;
.
.
.
.
.
.