Ứng dụng Stem trong giảng dạy

.

Không chỉ dạy học sinh kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, Stem là phương pháp dạy học lồng ghép cả khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học. Tại Đà Nẵng, Trường song ngữ liên cấp Sakura-Olympia áp dụng phương pháp này và mang lại niềm hứng thú cho học sinh trong các giờ học.

Một giờ học theo phương pháp Stem ở Trường song ngữ liên cấp Sakura-Olympia.
Một giờ học theo phương pháp Stem ở Trường song ngữ liên cấp Sakura-Olympia.

Học sinh thích thú

Một giờ học tại Trường song ngữ liên cấp Sakura-Olympia (Đà Nẵng), lớp học với khoảng 20 học sinh tiểu học chia thành nhiều nhóm cùng thảo luận và lắp ghép một bộ lego thành chiếc máy bắn đá trong 15 phút rồi thi xem nhóm nào có thể bắn được xa nhất. Mới nhìn tưởng đây chỉ là trò chơi nhưng thực tế là học sinh đang học cách tính toán, ghi chép để xem đội mình bắn xa bao nhiêu, vì sao lại gặp sự cố khi đá không bắn được... Sau khi các nhóm hoàn thành “trò chơi”, ThS Sarah Williver, chuyên gia giáo dục Stem đến từ Mỹ, người đứng lớp tiết học Stem này cho biết, mọi hoạt động đều nhằm giúp kích thích sự tìm tòi, khám phá của các em qua việc đặt câu hỏi, suy nghĩ, ghi chép, phân tích và tự mình đánh giá. Theo ThS Sarah Williver, việc ứng dụng Stem lồng ghép cả khoa học, công nghệ, kỹ thuật, toán học, trong đó tiếng Anh được sử dụng như là phương tiện chuyển tải kiến thức. Từ năm học 2018-2019, chương trình giáo dục Stem được triển khai toàn diện trong chương trình chính khóa của Trường song ngữ liên cấp Sakura-Olympia (Đà Nẵng).

Stem là chữ viết tắt của khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering) và toán học (mathematics). Theo PGS.TS Lê Quang Sơn, Hiệu phó Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng), việc đặt ra nhiều câu hỏi và tự giải thích trong mỗi em giúp các em phát triển tư duy và kỹ năng ngôn ngữ, từ đó phát triển toàn diện năng lực. “Cách dạy học này rất cần được khuyến khích. Khi đó, giáo viên chỉ cần đóng vai trò hỗ trợ, theo dõi, hướng dẫn để các em tự thực hiện mọi hoạt động và gợi mở những điều các em có thể học được từ các hoạt động đó”, PGS.TS Lê Quang Sơn nói.

TS Đỗ Văn Tuấn, chuyên gia giáo dục Stem, giáo viên của Trường song ngữ liên cấp Sakura-Olympia cho biết, theo các số liệu nghiên cứu của Hội đồng quốc gia về tài nguyên của Mỹ, Stem được đánh giá là xu thế không thể đảo ngược khi đến năm 2030, máy tính sẽ thay thế con người trong khoảng 60% công việc. Lao động Stem sẽ đóng vai trò chi phối khi với chỉ 4% người lao động là nhà khoa học và kỹ sư nhưng đã tạo ra việc làm cho 96% số lao động còn lại; 10 công việc được trả lương cao nhất đều trong các lĩnh vực Stem...

Còn mới mẻ

Việc ứng dụng Stem trong giảng dạy còn khá mới mẻ ở thành phố Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung. Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (VNUK) hợp tác với Đại học Aston - một trong những trường đại học mới hàng đầu của Vương quốc Anh, tiến hành dự án xây dựng chương trình giảng dạy Stem kết hợp với khởi nghiệp. Hoạt động nổi bật đầu tiên của dự án là việc tổ chức thành công cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh THPT. Cuộc thi diễn ra từ tháng 1 đến tháng 3-2018. Tháng 5 vừa qua, VNUK phối hợp với tổ chức Saigon Scientist tổ chức chương trình tập huấn về phát triển giảng dạy Stem. Theo bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng phụ trách VNUK, giáo dục Stem về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật  và toán học. Các kiến thức và kỹ năng này (gọi là kỹ năng Stem) phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau, giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày. Giáo dục Stem cũng trang bị cho học sinh những kỹ năng phù hợp để phát triển trong thế kỷ 21, như: tư duy phản biện và giải quyết vấn đề phức tạp, kỹ năng trao đổi và cộng tác, tính sáng tạo và kỹ năng phát kiến... Những học sinh tiếp cận giáo dục Stem đã được chứng tỏ sẽ có các ưu thế nổi bật như: kiến thức khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học chắc chắn, khả năng sáng tạo, và có cơ hội phát triển các kỹ năng mềm toàn diện hơn trong khi không hề gây cảm giác nặng nề, quá tải.

Tuy vậy, việc ứng dụng Stem cũng gặp những khó khăn. PGS.TS Lê Quang Sơn cho biết, việc dịch chuyển mô hình tư duy cũ sang mô hình tư duy mới không phải là điều dễ dàng và cần phải có thời gian. Trong khi đó, TS Đỗ Văn Tuấn cho rằng, dạy học tích hợp lấy giáo dục Stem làm trọng tâm cần tập trung vào việc giúp học sinh hứng thú và phát triển tư duy; đánh giá xác thực học sinh, cá nhân hóa việc giảng dạy và học tập với kết quả đánh giá học sinh dựa trên Rubric và thống kê; phương pháp giảng dạy với 7 nguyên lý được hệ thống hóa trong học liệu... “Stem mở ra mô hình trường học kỹ thuật số với sự quản lý thông minh và những giải pháp dạy và học tương tác. Giáo dục Stem sẽ đem đến những tư duy và kỹ năng cần thiết nhất cho học sinh trong thế giới của cách mạng công nghiệp 4.0”, tiến sĩ Tuấn nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết phương pháp Stem lâu nay được ngành vận dụng linh hoạt trong quá trình dạy học để phát triển năng lực học sinh. Chẳng hạn như tăng cường các hoạt động trải nghiệm, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tăng cường kỹ năng thực hành, hướng dẫn cho các em tự học... Rõ nét nhất là hội thi Khoa học-Kỹ thuật cấp thành phố dành cho học sinh trung học được ngành giáo dục thành phố tổ chức hàng năm thu hút hàng trăm em tham gia giúp các em vận dụng kiến thức đã học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống. Hoạt động này cũng đã góp phần đổi mới hình thức tổ chức hoạt động dạy học, đổi mới hình thức và phương pháp đánh giá kết quả học tập cũng như phát triển năng lực của học sinh, nâng cao chất lượng dạy học trong các cơ sở giáo dục trung học.

Tuy nhiên, hiện nay chỉ có một số địa phương triển khai thí điểm phương pháp Stem nhưng chỉ ở một mức độ nào đó. Bởi để ứng dụng thì cần phải có rất nhiều yếu tố, điều kiện cơ sở vật chất, giáo viên... Thực tế hiện nay, sĩ số lớp đông nên giáo viên chỉ có thể dạy đơn môn và khó có thể triển khai tích hợp liên môn. Ngoài ra, việc dạy Stem cũng bị bó buộc bởi có lúc các em cần thí nghiệm thực hành thật nhiều, cần phòng học đạt chuẩn... là điều mà nhiều trường công lập đang bị hạn chế. Hơn nữa, lâu nay các em vẫn phải làm bài thi trắc nghiệm trong khi với Stem là chú trọng về sản phẩm nên khi các em vẫn phải học theo lối cũ để dự thi.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.
.