Cần thêm nhà trẻ cho con công nhân

.

Thời gian qua, các nhóm trẻ độc lập tư thục (ĐLTT) ở các khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN-KCX) trên địa bàn thành phố nhận được nhiều sự hỗ trợ từ các đề án của chính quyền. Tuy nhiên, để trẻ em con công nhân có điều kiện phát triển toàn diện, vẫn cần thêm nhiều trường mầm non công lập, tư thục chất lượng tại khu vực này.

Các nhóm trẻ độc lập tư thục nỗ lực để chăm sóc, nuôi dạy trẻ con công nhân ngày một tốt hơn. Ảnh: NGỌC PHÚ
Các nhóm trẻ độc lập tư thục nỗ lực để chăm sóc, nuôi dạy trẻ con công nhân ngày một tốt hơn. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nỗ lực của các nhóm trẻ tư thục

Tại 6 KCN-KCX trên địa bàn Đà Nẵng, chuyện gửi trẻ con của công nhân còn là vấn đề nan giải; trong đó việc phải gửi con vào các nhóm trẻ ĐLTT gần như là sự lựa chọn không thể khác của công nhân. Theo thống kê của Sở GD&ĐT, tính đến năm học 2018-2019, trên địa bàn thành phố có 1.028 nhóm trẻ mầm non ĐLTT. Trong khi đó, một thực tế diễn ra khá phổ biến là nhóm trẻ ĐLTT ở KCN-KCX đều thiếu thốn về cơ sở vật chất như nhà vệ sinh, bếp ăn không bảo đảm; thiếu đồ chơi, đồ dùng học tập; nghiệp vụ của bảo mẫu còn hạn chế.

Tại nhóm trẻ Tâm Đức (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) có 44 cháu ở nhiều độ tuổi khác nhau. Cơ sở này là một ngôi nhà cấp 4 được chị Đinh Thị Kiều Tâm (chủ nhóm trẻ) thuê lại của một người quen, được chia thành 2 phòng cho trẻ độ tuổi dưới 2 tuổi và trên 2 tuổi. Chị Tâm cho biết, các cháu được chăm sóc tại đây đa phần là con công nhân nghèo đến từ các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam nên chị chỉ lấy mức phí 850.000 đồng/trẻ/tháng.

Trong năm học này, các cháu được hưởng lợi từ đề án Sữa học đường nên phụ huynh được giảm một phần tiền sữa cho con. Nhà vệ sinh cũng được chủ nhóm trẻ trang bị bệ ngồi cho lứa tuổi mầm non, bếp nấu ăn gọn gàng, sạch sẽ; tuy nhiên, do đây là cơ sở thuê nên nhóm trẻ không được hỗ trợ về đồ chơi, bếp ăn, nhà vệ sinh theo đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN-KCX đến năm 2020 tại TP. Đà Nẵng (đề án 404).

“Chúng tôi cố gắng bù đắp cho các cháu bằng tình yêu thương, chứ trong khả năng hạn hẹp về điều kiện cơ sở vật chất và kinh phí thì không thể đáp ứng nhu cầu phát triển tinh thần, thể chất như các cơ sở mầm non công lập khác”, chị Tâm nói.

Nhóm trẻ ĐLTT Xinh Xinh (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) có gần 20 trẻ, trong đó đa phần là con của công nhân KCN Hòa Cầm. Chị Nguyễn Thị Kim Anh, chủ nhóm trẻ cho biết, với mức phí mỗi tháng chỉ 1,2 triệu đồng – 1,25 triệu đồng tùy độ tuổi nên để tiết kiệm chi phí, người nhà chị phải hỗ trợ nấu ăn cho trẻ. Việc chăm sóc cũng chỉ dừng lại ở mức cho các cháu ăn, ngủ và học hát.

“Trong năm học 2016-2017, nhóm trẻ được Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố hỗ trợ đồ chơi và nhà vệ sinh theo đề án 404. Tuy nhiên, qua thời gian, đồ chơi cũng đã hư hỏng nên cơ sở sẽ phải trang bị lại”, chị Anh chia sẻ.

Trong xu thế cạnh tranh, nhiều nhóm trẻ ĐLTT cũng bắt đầu chú trọng đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô. Nhóm trẻ ĐLTT Ánh Ban Mai (phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu) có 102 cháu với 1 lớp nhỏ, 2 lớp nhỡ và 1 lớp lớn. Chị Đặng Thị Hạnh, chủ cơ sở cho biết, cơ sở nằm gần KCN Hòa Khánh nên đa phần trẻ gửi ở đây là con của công nhân.

Đội ngũ giáo viên tại cơ sở này có 6 người trình độ trung cấp, 1 cao đẳng, 3 đại học. Đặc biệt, chủ cơ sở đã trang bị hệ thống camera giám sát có thể kết nối với phụ huynh. Mức phí 1.280.000 đồng/tháng (tiền ăn tối thêm 300.000/trẻ/tháng), so với những trường tư thục lớn trên địa bàn là khá thấp.

Tiếp tục đầu tư, xây dựng nhà trẻ

Bà Lữ Thị Kim Hoa, Trưởng phòng GD&ĐT quận Liên Chiểu cho biết, quận Liên Chiểu có trên 200 nhóm trẻ ĐLTT, trong đó có 83 nhóm dưới 7 trẻ/nhóm, trên 7 trẻ là 103 nhóm. Nhóm dưới 7 trẻ được giao cho các phường quản lý. Đặc biệt, trên địa bàn quận có 3 trường mầm non công lập, 10 trường mầm non tư thục nằm trong khu vực có nhiều con công nhân.

“Chúng tôi đã tham mưu UBND quận, lãnh đạo thành phố, Sở GD&ĐT đẩy nhanh đề án Quy hoạch mạng lưới trường lớp từ nay đến năm 2020, tầm nhìn 2030 để có quỹ đất và vận động, khuyến khích các cá nhân, doanh nghiệp mở trường mầm non tư thục bảo đảm chất lượng thu hút con công nhân”, bà Hoa khẳng định.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Vĩnh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, từ khi có Chỉ thị 09/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22-5-2015 về việc đẩy mạnh thực hiện các giải pháp giải quyết vấn đề trường, lớp mầm non ở các KCN-KCX, hoạt động đầu tư xây dựng trường mầm non ở KCN-KCX trên địa bàn Đà Nẵng được quan tâm và đẩy mạnh.

Đến nay, trên địa bàn thành phố có Trung tâm Chăm sóc giáo dục mầm non OneSky, đặt tại phường Hòa Khánh Bắc (quận Liên Chiểu), thu nhận 238 trẻ là con công nhân trên địa bàn quận với mức phí 800.000 đồng/tháng. Ngoài ra, trên địa phường này còn có Trường mầm non Nốt Nhạc Xanh nhận gần 600 trẻ là con công nhân.

Thời gian qua, sở đã tham mưu UBND thành phố tiếp tục kêu gọi các nhà đầu tư, tổ chức, cá nhân mở trường mầm non ở KCN-KCX và mở rộng cơ sở các trường mầm non công lập trên địa bàn các phường: Thọ Quang, An Hải Bắc (quận Sơn Trà), Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ).

UBND thành phố cũng phê duyệt nhiều đề án, chính sách đối với bậc mầm non như: đề án Đầu tư trang thiết bị - đồ chơi cho trẻ 6-18 tháng tuổi tại các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2019; khảo sát 21 đơn vị thực hiện thí điểm để định hướng đầu tư, cải tạo cơ sở vật chất thu nhận trẻ 6-18 tháng tuổi vào các trường mầm non công lập trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018-2019; tiếp tục thực hiện đề án Hỗ trợ, phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu vực KCN-KCX.

“Nếu chúng ta quyết liệt đầu tư các trường mầm non công lập, tư thục tại các KCN-KCX thì sẽ có sự thay đổi đáng kể sau 1, 2 năm nữa. Các nhóm trẻ ĐLTT buộc phải thay đổi hoặc tự rơi rụng. Trong năm học 2018-2019, các nhóm trẻ ĐLTT đã giảm khoảng 70 nhóm”, ông Nguyễn Đình Vĩnh nói.

NGỌC HÀ – NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.
.