Nhà vệ sinh trường học: Không còn là nỗi ám ảnh

.

Năm học 2018-2019, các trường học trên địa bàn thành phố được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa nhà vệ sinh (NVS) theo hướng hiện đại, đồng bộ, xóa nỗi ám ảnh của học sinh, phụ huynh về khu vực này...

Khu nhà vệ sinh tại Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) được đầu tư khá khang trang, sạch đẹp.
Khu nhà vệ sinh tại Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) được đầu tư khá khang trang, sạch đẹp.

Sạch sẽ, tiện ích

Trường THCS Phan Đình Phùng (quận Thanh Khê) có hai dãy NVS khang trang, một dành cho nam và một dành cho nữ với nền gạch men sáng bóng, bên ngoài là khu rửa mặt, rửa tay có xà phòng, khăn lau. Thầy Trần Công Mỹ, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Đình Phùng cho biết, khu NVS này được UBND quận Thanh Khê đầu tư và đưa vào sử dụng trong năm học 2018-2019. Ngoài ra, nhà trường cũng vừa sửa chữa lại khu NVS của giáo viên bằng nguồn kinh phí của trường.

“Đây có thể gọi là thay đổi lớn của trường trong năm học này, bởi biết bao thế hệ học sinh và thầy cô giáo đã chịu cảnh NVS xuống cấp và bất tiện trong thời gian dài”, thầy Mỹ chia sẻ. Tương tự, Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà) có khu NVS khá sạch đẹp, sử dụng hộp giấy vệ sinh treo tường và đặt cây xanh tạo điểm nhấn.

Với bậc tiểu học, các trường hướng đến sự tiện ích cho học sinh. Trường tiểu học Trần Văn Ơn (quận Hải Châu) có một NVS dành riêng cho học sinh lớp 1 với khoảng 20 bộ áo quần dự phòng đủ các kích cỡ để các em thay trong trường hợp bị ướt. Trước khu vực NVS lớp 1 luôn có nhân viên túc trực. Ngoài nhiệm vụ làm công tác vệ sinh, nhân viên này kiêm việc giúp đỡ học sinh trong lúc đi vệ sinh.

Trong khi đó, Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê) mới đây cũng đưa vào sử dụng NVS được đầu tư 800 triệu đồng từ nguồn ngân sách của quận và cải tạo lại khu NVS cũ bằng nguồn kinh phí 100 triệu đồng của Phòng GD&ĐT quận. Tại các khu NVS, nhà trường dùng loại dép chống trơn trượt và thường xuyên lau dọn để nền nhà khô ráo. Thầy Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, lứa tuổi tiểu học còn khá nhỏ, nhất là khối lớp 1 vừa chuyển từ bậc mầm non lên nên đôi khi chưa quen với việc tự lập. Do đó, Ban Giám hiệu yêu cầu giáo viên đứng lớp nhắc nhở, tập dần cho các em ý thức giữ vệ sinh và không được nhịn, nín đi vệ sinh.

Cần quản lý hiệu quả

Có được NVS khang trang, hiện đại cũng đặt ra cho các trường nhiệm vụ quản lý, giữ gìn sao cho sạch đẹp, hiệu quả lâu dài. Theo quan sát của chúng tôi, các trường đều đặt bảng hướng dẫn sử dụng NVS đúng cách với những hình ảnh sinh động và dòng nhắn gửi dễ thương đến học sinh.

Thầy Trần Công Mỹ cho biết, Sở GD&ĐT đã ban hành văn bản hướng dẫn quy trình vận hành, dọn dẹp NVS trong trường học. Nhiều năm qua, sở cũng tham mưu và được HĐND thành phố cho phép thu phí dịch vụ vệ sinh, tạo điều kiện để các trường chủ động triển khai thực hiện. Từ phí dịch vụ này, nhà trường thuê một nhân viên làm công việc lau chùi, dọn vệ sinh hằng ngày. Mỗi buổi, Ban Giám hiệu có nhiệm vụ kiểm tra từng khu vệ sinh. Ngoài ra, nhà trường lồng ghép việc giữ gìn vệ sinh chung vào các tiết học giáo dục công dân, những buổi nói chuyện dưới cờ nhằm nâng cao ý thức cho học sinh và có thùng thư để học sinh bày tỏ ý kiến.

Theo ông Phạm Đình Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê, một thời gian dài, học sinh phải âm thầm nín nhịn chờ tan buổi học mới về nhà đi vệ sinh. Năm học 2018-2019, trên địa bàn quận có 100% trường học được sửa chữa, xây mới NVS.

“NVS trường học rất quan trọng và phải được đầu tư ngang bằng các cơ sở vật chất phục vụ dạy - học, bởi nếu không được quan tâm đúng mức sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả học tập và sức khỏe của học sinh. Những trường đã được đầu tư thì cần bảo đảm NVS sạch sẽ, thông thoáng và tăng cường công tác giáo dục cho học sinh về việc giữ gìn vệ sinh thân thể cũng như bảo đảm vệ sinh chung”, ông Sơn nói.

Trong 3 năm, từ 2013-2016, Đà Nẵng đầu tư khoảng 67 tỷ đồng để xây dựng và cải tạo NVS ở 98 trường học. Theo chương trình này, các trường thiếu NVS hoặc có NVS xuống cấp đã được đầu tư xây mới hoặc sửa chữa theo hướng hiện đại, đồng bộ. Đến nay, chương trình này đã kết thúc nhưng UBND thành phố giao UBND các quận, huyện dựa vào tình hình thực tế, chủ động triển khai thực hiện trong nguồn ngân sách quận, huyện.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.
.