"Xử phạt giáo viên bằng tiền sẽ gây tâm lý chán nản, ức chế"

.

Việc quy mọi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục như các lỗi chửi, đánh học sinh,… ra tiền phạt đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều.

Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục do Bộ Giáo dục và Đào tạo soạn thảo, bắt đầu được lấy ý kiến từ ngày 28-9. Văn bản này sau khi được hoàn thiện, sẽ được thông qua, thay thế Nghị định số 138 năm 2013.

Đáng chú ý, trong dự thảo có nội dung, hành vi xúc phạm nhân phẩm, danh dự người học bị phạt từ 10-20 triệu đồng, xâm phạm thân thể người học phạt từ 20-30 triệu đồng. Đi kèm với mức phạt này, giáo viên phải xin lỗi công khai và có thể bị đình chỉ từ 1-6 tháng.

Ngay sau khi được trưng cầu ý kiến, rất nhiều quan điểm tranh cãi gay gắt về vấn đề này.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT.
TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT.

TS Hoàng Ngọc Vinh, Nguyên Vụ trưởng vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GD-ĐT, cho rằng: “Theo Luật hiện hành, với những hành vi xâm hại danh dự, nhân phẩm, thân thể người khác nếu chưa đến mức phải xử lý hình sự sẽ được xử phạt hành chính. Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đưa ra lấy ý kiến, tôi cho rằng các nội dung sẽ phải sửa lại rất nhiều. Quan điểm cá nhân tôi cho rằng, việc xử phạt tiền với giáo viên là không nên. Nếu đã vi phạm đạo đức nhà giáo một cách nghiêm trọng thì đuổi ra khỏi ngành. Nếu lúc nào cũng đem hình phạt ra dọa giáo viên thì không còn tính mô phạm trong nhà trường”.

Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nếu thống kê lại các vụ giáo viên bạo hành học sinh đã xảy ra, thì con số không phải là nhiều. Trong khi đó, tình trạng bạo lực giữa học sinh với học sinh mới thực sự đáng ngại.

“Bộ cần xem xét lại vấn đề này. Về bản chất các giáo viên không ai muốn đánh học sinh, nhưng cũng có những giáo viên không được đào tạo bài bản, hay không thể kìm chế nóng giận, áp lực nên đã có những hành động không đúng. Đây là điều cần tuyệt đối cấm, nếu đã cấm hẳn thì không có chuyện chỉ xử phạt”, TS Vinh nêu quan điểm.

Theo ông Nguyễn Sóng Hiền, NCS Trường Đại học Newcastle (Australia), một chuyên gia giáo dục cho rằng, những quy định này dễ dẫn đến chồng chéo trong các điều khoản pháp luật.

“Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa đảm bảo được đời sống cho giáo viên, chưa đáp ứng được các yêu cầu về cơ sở vật chất giảng dạy, khi giáo viên đang phải căng mình vì những thay đổi của chương trình mới, của sách giáo khoa… thì e rằng những xử phạt này càng khiến cho tư tưởng và tâm lý giáo viên càng chán nản và ức chế”, ông Hiền lo ngại.

Cũng theo ông Nguyễn Sóng Hiền, trước khi ban hành bất kỳ một chính sách nào liên quan đến giáo viên đều cần lấy ý kiến rộng rãi từ đội ngũ giáo viên, như vậy, những chính sách ban hành ra mới có khả năng thực thi cao.

“Cách làm theo kiểu mệnh lệnh quan liêu hành chính cũ chỉ tạo nên những ức chế dồn nén trong đội ngũ giáo viên. Trong khi không ai khác, chính đội ngũ giáo viên là linh hồn của nhà trường, quyết định trực tiếp đến chất lượng giáo dục.

Xử phạt giáo viên bằng tiền là dấu hiệu của sự bất lực của một nền giáo dục tụt hậu. Khi tư tưởng, tâm lý giáo viên không thoải mái, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng giáo dục. Lúc này, người chịu thiệt không ai khác chính là học sinh.

Nếu quy định xử phạt hành chính này được áp dụng, sẽ khó tránh khỏi tình trạng giáo viên không dại gì mà để liên lụy đến thân. Rồi học sinh sẽ bị để cho “sống chết mặc bay”, thầy phải an toàn.

Cách làm hiện nay của Bộ chỉ mang tính chắp vá thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu một triết lý giáo dục làm nền tảng căn cơ để thúc đẩy các nguồn lực giáo dục hướng tới tầm nhìn của con người thế kỷ 21- thế kỷ toàn cầu hoá - thế kỷ của công dân toàn cầu chứ không phải luẩn quẩn mãi với những giáo điều đã cũ. Đừng nhìn thầy cô như tội phạm”, ông Nguyễn Sóng Hiền nhấn mạnh.

Cũng theo chuyên gia giáo dục này, pháp luật chỉ mang tính răn đe, nhưng lại không thể triệt tiêu được tận gốc những vấn đề bạo lực. Điều cần thiết hơn là nâng cao chất lượng đầu vào của ngành sư phạm, tuyển chọn những người thực sự có tố chất, năng lực, phẩm chất. Việc tuyển sinh tràn lan đối với ngành giáo dục mầm non nói riêng và ngành sư phạm nói chung những năm trước đây là nguyên nhân dẫn đến chất lượng đầu vào giáo viên thấp.

Ông Hiền cũng nhấn mạnh rằng, không thể xem một vài hiện tượng cá biệt đã xảy ra mà đánh đồng toàn bộ giáo viên hiện nay, coi họ như tội phạm, phải đưa ra đủ kiểu hình phạt. Học sinh sẽ nghĩ gì, phụ huynh nghĩ gì về những người được xem là tấm gương mẫu mực?

Vẫn nên có chế tài?

Trái lại với những quan điểm trên, GS.TS Đào Trọng Thi, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội lại cho rằng, cần bàn cụ thể hơn về nội dung hình thức phạt cụ thể, song việc ban hành các mức phạt hành chính trong giáo dục là cần thiết.

GS.TS Đào Trọng Thi, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội,
GS.TS Đào Trọng Thi, Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội,

“Nếu chỉ nói là không cho phép làm, nhưng lại không có chế tài cụ thể, cách xử lý thì không hiệu quả. Khi đã có chế tài, thì lại đặt ra vấn đề về lực lượng thực thi ra sao. Tôi cho rằng bước quy định trong nghị định về các hình thức xử phạt, mức xử phạt là cần thiết, hợp lý. Tuy nhiên, chuyện thực thi ra sao, lại là chuyện cần tính kỹ.

Mục đích của xử phạt không phải để xử phạt, mà để nhắc nhở mọi người đừng vi phạm. Cái đó mới quan trọng, chúng ta phạt để họ đừng vi phạm chứ không phải thu được tiền. Tuy nhiên, cần cân nhắc kỹ để quá trình thực thi không gây áp lực cho giáo viên”, GS Đào Trọng Thi nhấn mạnh.

Theo VOV

;
.
.
.
.
.
.