NÂNG CHUẨN GIÁO VIÊN BẬC MẦM NON, TIỂU HỌC

Chất lượng giáo viên tăng

.

Từ năm 2014, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng có chủ trương ưu tiên tuyển dụng đối với giáo viên trình độ đại học (ĐH) nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy.

So với dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đề cập nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học (trung cấp lên cao đẳng và tiến tới ĐH) và giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng thì Đà Nẵng đã đi trước một bước, tiết kiệm nguồn ngân sách cho công tác đào tạo lại. Báo Đà Nẵng đã trao đổi với Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng (ảnh) về vấn đề này.

*Thưa ông, tại Đà Nẵng, chuẩn trình độ đầu vào giáo viên các bậc học là ĐH, nghĩa là Đà Nẵng đã đi trước một bước về nâng chuẩn trình độ giáo viên. Ông có thể cho biết cụ thể về chủ trương này?

- Theo tiêu chuẩn quy định tại Luật Giáo dục và các thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ, giáo viên mầm non có trình độ trung cấp sư phạm mầm non trở lên, giáo viên tiểu học có trình độ trung cấp sư phạm tiểu học trở lên, giáo viên THCS có trình độ cao đẳng trở lên.

Tại Đà Nẵng, trên cơ sở tiêu chuẩn tối thiểu, từ năm 2014, lãnh đạo thành phố có chủ trương ưu tiên tuyển dụng đối với giáo viên có trình độ ĐH nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ viên chức, nâng cao chất lượng giáo dục.

Tiêu chuẩn này không trái với quy định mà cao hơn so với chuẩn tối thiểu, phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, mặt bằng dân trí tại thành phố.

Qua thực tế theo dõi trong các năm học trước, nguồn giáo viên có trình độ ĐH sư phạm, ĐH nhiều, bảo đảm đủ thực hiện công tác tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, việc tuyển dụng viên chức làm giáo viên tại các cơ sở GD&ĐT công lập tại thành phố Đà Nẵng chủ yếu được thực hiện theo hình thức thi tuyển cạnh tranh; do đó, nâng cao được chất lượng giáo viên tuyển dụng; các giáo viên sau khi tuyển dụng đa số đều hoàn thành tốt nhiệm vụ, phát huy trình độ chuyên môn.

Chính phủ trình Quốc hội khóa XIV xem xét thảo luận Luật Giáo dục (sửa đổi), trong đó quy định chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học, giáo viên THCS là ĐH và giáo viên mầm non là cao đẳng. Thực tế, trong trường hợp nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên thì sẽ có một số lượng lớn giáo viên chưa đạt chuẩn và cần phải được đào tạo nâng cao trình độ, bảo đảm tiêu chuẩn mới.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, việc đào tạo lại giáo viên sẽ làm tăng chi ngân sách địa phương cho giáo dục, tăng chi phí đào tạo bồi dưỡng giáo viên cho các cơ sở giáo dục (như đối với bậc mầm non, giáo viên đã có bằng trung cấp học tiếp để lấy bằng cao đẳng cần thời gian 1 năm, tổng kinh phí đào tạo dự kiến để nâng chuẩn đối với 107.150 giáo viên mầm non chưa đạt trình độ cao đẳng trong cả nước ước tính khoảng 857,2 tỷ đồng).

Đối với Đà Nẵng, trong trường hợp quy định chuẩn mới được thông qua, thì số lượng giáo viên không đạt chuẩn mới rất ít (chủ yếu là lực lượng giáo viên được tuyển dụng từ lâu, trong đó có nhiều giáo viên đã lớn tuổi, sắp hết tuổi lao động), do đó áp lực cho việc phải đào tạo lại, đào tạo nâng cao trình độ giáo viên không lớn, thuận lợi cho việc triển khai thực hiện, nâng cao chất lượng giáo dục trong trường hợp quy định mới được ban hành.

Một giờ dạy tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ
Một giờ dạy tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Đà Nẵng. Ảnh: PHƯƠNG TRÀ

*Mới đây, một số địa phương như huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, quận Ngũ Hành Sơn đề nghị hạ tiêu chí trình độ đào tạo của người dự tuyển trong tuyển dụng, từ bậc ĐH theo yêu cầu của Sở Nội vụ xuống các bậc thấp hơn vì không đủ nguồn tuyển. Ý kiến của Sở Nội vụ về vấn đề này thế nào, thưa ông?

- Trong các năm học trước, nguồn giáo viên có trình độ ĐH, ĐH sư phạm bảo đảm đủ thực hiện công tác tuyển dụng viên chức các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố. Số chỉ tiêu tuyển dụng viên chức giáo viên trong các năm trước cũng không quá nhiều.

Do đó, số thí sinh đăng ký dự tuyển, số lượng giáo viên được tuyển dụng qua thi tuyển cạnh tranh vẫn bảo đảm đủ theo nhu cầu của các địa phương. Các giáo viên được tuyển dụng đều có trình độ, tiêu chuẩn bảo đảm quy định.

Riêng trong kỳ thi tuyển viên chức giáo viên năm học 2018 - 2019 (tổ chức vào tháng 8-2018), vị trí tuyển dụng giáo viên mầm non gặp khó khăn nhất định: tại một vài hội đồng thi tuyển (huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn), số thí sinh tham gia thi tuyển không đủ số chỉ tiêu thông báo tuyển dụng.

Lý do của tình trạng này là do năm học 2018-2019, UBND các quận, huyện đồng loạt tuyển dụng viên chức là giáo viên mầm non với số lượng chỉ tiêu tuyển dụng lớn (do số lượng trẻ mầm non, số lượng học sinh tuyển sinh đầu cấp tăng cao làm số lớp học tăng), dẫn đến số lượng thí sinh dự tuyển có trình độ, tiêu chuẩn bảo đảm không đủ nhu cầu; số lượng hồ sơ đăng ký dự tuyển cũng bị phân tán tại nhiều hội đồng thi của quận, huyện; đồng thời các thí sinh dự tuyển có sự cân nhắc trong việc lựa chọn đăng ký giảng dạy tại các địa bàn khá xa trung tâm thành phố như huyện Hòa Vang, quận Ngũ Hành Sơn.

Sở Nội vụ đang tiếp tục rà soát thực trạng, lấy ý kiến của Sở GD&ĐT để có cơ sở tham mưu UBND thành phố chính sách phù hợp, vừa bảo đảm việc tuyển dụng được giáo viên mầm non tham gia giảng dạy, nuôi dưỡng trẻ vừa bảo đảm việc nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn thành phố.

* Xin cảm ơn ông.

Ông NGUYỄN ĐÌNH VĨNH, Giám đốc Sở GD&ĐT:
 
Xem xét, điều chỉnh tiêu chí tuyển dụng giáo viên
 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo UBND thành phố, Sở Nội vụ đã phối hợp với Sở GD&ĐT căn cứ tình hình thực tế tại một số địa phương báo cáo thành phố xem xét, điều chỉnh tiêu chí tuyển dụng giáo viên mầm non từ trình độ đào tạo ĐH xuống cao đẳng tại một số quận, huyện trên địa bàn thành phố (phù hợp với Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 8-8-2018 về phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7-2018).
 
Song song đó, Sở GD&ĐT dự kiến sẽ phối hợp với Trường Đại học Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) tổ chức những lớp đào tạo nâng chuẩn cho số giáo viên mầm non tại các trường mầm non công lập có trình độ trung cấp.
 
Cô PHAN THỊ THU BA, Hiệu trưởng Trường tiểu học Ông Ích Khiêm (quận Hải Châu): 
 
Trình độ giáo viên cao đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục
 
Hiện đội ngũ giáo viên của trường đa phần có trình độ ĐH, một vài trường hợp trình độ cao đẳng rơi vào những giáo viên đã lớn tuổi, sắp hết tuổi lao động. Có thể nói, trình độ giáo viên cao đáp ứng yêu cầu giảng dạy, nhất là trong bối cảnh cải tiến, đổi mới phương pháp dạy và học. Bên cạnh trình độ, giáo viên nhà trường thường xuyên được tham gia các lớp tập huấn, lớp nghiệp vụ do Phòng GD&ĐT quận tổ chức để cập nhật kiến thức, bổ sung chuyên môn.
 
Cô VƯƠNG THỊ NGUYỆT, Hiệu trưởng Trường mầm non chất lượng cao Hồng Nhung (quận Thanh Khê): 
 
Ngoài trình độ, yếu tố tình thương đặc biệt quan trọng
 
Tại các hệ thống trường dân lập, quốc tế, việc tuyển dụng giáo viên trình độ ĐH trở lên đã được áp dụng từ lâu, chưa kể bên cạnh đó là một số chứng chỉ bắt buộc kèm theo như ngoại ngữ, tin học ở một số trình độ được quy định. Trường mầm non chất lượng cao Hồng Nhung cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, theo tôi, với giáo viên cấp bậc mầm non, ngoài trình độ cần phải trau dồi kỹ năng chăm sóc trẻ, đặc biệt yếu tố tình thương với con trẻ mới là điều quan trọng nhất.

NGỌC HÀ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.
.