Trường Đại học Bách khoa (ĐH Đà Nẵng): Hướng đến mục tiêu tất cả sinh viên có việc làm

.

Vài năm gần đây, Trường Đại học (ĐH) Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) duy trì được tỷ lệ sinh viên (SV) tốt nghiệp có việc làm khá cao, thậm chí tỷ lệ đạt trên 94%.

Những năm qua, Trường Đại học Bách khoa luôn chú trọng đào tạo gắn với thị trường lao động.
Những năm qua, Trường Đại học Bách khoa luôn chú trọng đào tạo gắn với thị trường lao động.

Trên 94% sinh viên ra trường có việc làm

Khảo sát của Trường ĐH Bách khoa năm 2016 về tỷ lệ SV ra trường có việc làm là 96,88%. Cụ thể, trong số 2.550 SV tốt nghiệp, có 12,5% người làm việc ở khu vực Nhà nước, 64% làm việc khu vực tư nhân, 20,7% người làm việc khu vực liên doanh nước ngoài và 2,8% người tự tạo việc làm cho mình. Đặc biệt, trong số người có việc làm, có đến hơn 76,6% tiếp tục học nâng cao trình độ. Riêng nhóm chưa có việc làm thì có 25 người đang bận đi học chương trình chuyên sâu hoặc sau đại học.

Trong khi đó, khảo sát việc làm sau khi ra trường của SV năm 2017, dù tỷ lệ thấp hơn năm 2016 với 94,6% người được khảo sát có việc làm, nhưng về cơ cấu việc làm lại thêm yếu tố tích cực, thể hiện sự năng động thích ứng với nhu cầu thị trường lao động hiện nay. Theo đó, trong số 2.275 SV tốt nghiệp năm 2017 có 9,2% làm việc ở khu vực Nhà nước, khu vực tư nhân là 67,7%, liên doanh nước ngoài là 19,9% và tự tạo việc làm cho chính mình là 3,2%.

Anh Nguyễn Thành Phong, cựu SV khoa Kỹ thuật nhiệt, tốt nghiệp năm 2014 cho biết, xu hướng SV ra trường làm việc ở khu vực tư nhân và đặc biệt tự tạo việc làm cho mình là tín hiệu tích cực, cho thấy nhà trường đã trang bị cho SV kiến thức cần thiết để tham gia thị trường lao động ở bất cứ khu vực nào.

Bản thân anh sau tốt nghiệp từng trúng tuyển vào một công ty Nhà nước tại Đà Nẵng, nhưng sau đó anh quyết định trở về Hội An thành lập doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị nhiệt cho các khu du lịch trên địa bàn. Hiện nay, không những có nguồn thu ổn định, công ty anh còn tạo việc làm cho 15 người, trong đó có 3 kỹ sư từng học tại Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng).

Theo PGS.TS Nantana Gajaseni, Chủ tịch Hội đồng bảo đảm chất lượng mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á, đây là kết quả của cả quá trình gắn “học đi đôi với hành” của nhà trường, song hành với đó là việc chuẩn hóa hệ thống đào tạo theo các trường kỹ thuật tiên tiến trên thế giới. Nhờ vậy, SV ra trường có thể đáp ứng nhu cầu của nhà tuyển dụng, bất kể khu vực Nhà nước, tư nhân, liên doanh hay tự tạo việc làm cho chính các em.

Đổi mới đào tạo gắn với nhu cầu thị trường

Năm 2018, Trường ĐH Bách khoa có đến 4 chương trình đào tạo gồm: Kỹ thuật điện-điện tử, Kỹ thuật điện tử-viễn thông, Công nghệ thông tin và Kỹ thuật dầu khí được công nhận đạt chuẩn theo bộ tiêu chuẩn AUN-QA (chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á), nâng tổng số lên 6 chương trình đạt chuẩn AUN-QA. Cả 4 chương trình đều thuộc những nhóm ngành, nghề đang có sức hút trên thị trường lao động nhiều năm qua.

Đón đầu và chuẩn bị từ sớm việc chuẩn hóa các ngành đào tạo mũi nhọn này được xem là yếu tố giúp nhà trường đáp ứng nhu cầu thị trường lao động. Trước đó, trường cũng được công nhận đạt chất lượng giáo dục quốc gia giai đoạn 2016-2021 và đạt chuẩn kiểm định trường ĐH của Tổ chức kiểm định châu Âu HCERES với thời hạn 5 năm (giai đoạn 2017-2022). Ngoài ra, trường còn có 3 chương trình đào tạo kỹ sư chất lượng cao (PFIEV) được Tổ chức Ủy ban bằng kỹ sư Pháp công nhận đạt chất lượng giáo dục theo bộ tiêu chuẩn CTI (Ủy ban bằng kỹ sư Pháp) giai đoạn 2016-2021.

PGS.TS Nguyễn Hồng Hải, Trưởng phòng Đào tạo của nhà trường chia sẻ: “Chúng tôi không thể hài lòng với những gì đạt được mà vẫn tiếp tục đổi mới mạnh mẽ chương trình đào tạo, với mục tiêu “sản phẩm” của trường được thị trường lao động chấp nhận ngay”.

Theo đó, trường đang triển khai ứng dụng, cải tiến các chương trình đào tạo chất lượng cao định hướng học theo dự án (Project Based Learning). Đây là các chương trình được cho là tiên tiến nhất theo định hướng của Tổ chức kiểm định Hoa Kỳ ABET, với ưu điểm rút ngắn thời gian đào tạo từ 5 năm còn 4 năm, gồm 120 tín chỉ. Điểm nhấn của các chương trình là giảm thời gian học lý thuyết, tăng thời gian thực hành tại các doanh nghiệp.

Quá trình học-thực hành sẽ dành tối đa cơ hội cho SV thể hiện năng lực giải quyết vấn đề cụ thể, tự nghiên cứu sáng tạo, khả năng làm việc nhóm... Đây là những kỹ năng rất cần thiết của một người lao động. Đặc biệt, chương trình tăng thời lượng học ngoại ngữ để bảo đảm đạt mức 4 trong khung năng lực ngoại ngữ quốc gia (B2), nhằm giúp SV có thể tìm việc ở nước ngoài hoặc trong khối liên doanh. Nhà trường cũng cam kết bảo đảm 100% sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi có việc làm ngay khi tốt nghiệp.

Bài và ảnh: THANH VÂN
 

;
;
.
.
.
.
.