ĐH sẽ thay đổi thế nào khi áp dụng Luật Giáo dục ĐH sửa đổi?

.

Những thay đổi mang tính đột phá của luật sẽ giúp chất lượng giáo dục ĐH được cải thiện đáng kể, nhân lực được đào tạo ra sẽ đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như hội nhập quốc tế.

Luật GDĐH sửa đổi đặt yêu cầu 100% sinh viên ra trường phải đạt chuẩn đầu ra. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Mở TP HCM tìm hiểu thông tin việc làm tại ngày hội việc làm do trường tổ chức năm 2018
Luật GDĐH sửa đổi đặt yêu cầu 100% sinh viên ra trường phải đạt chuẩn đầu ra. Trong ảnh: Sinh viên Trường ĐH Mở TP HCM tìm hiểu thông tin việc làm tại ngày hội việc làm do trường tổ chức năm 2018

Sau 5 năm ban hành (2012) Luật Giáo dục đại học (GD ĐH) đã bộc lộ nhiều bất cập liên quan đến sự phát triển của hệ thống giáo dục ĐH, của quyền tự chủ của các trường ĐH mà cụ thể nhất là trường hợp của GS Trương Nguyện Thành khi nhà trường không quyết định được việc bổ nhiệm hiệu trưởng của chính nhà trường, do vậy thì việc ra đời của luật GDĐH sửa đổi là tất yếu.

3 vấn đề tác động mạnh đến sự phát triển ĐH

Luật GDĐH sửa đổi khẳng định đào tạo phải gắn liền với với nhu cầu sử dụng của thị trường lao động, không phân biệt văn bằng ĐH theo hình thức đào tạo, được tự chủ quyết định chính sách học phí, tuyển sinh và phải công khai thông tin trên website của đơn vị, không được tiếp tục tuyển sinh nếu chưa kiểm định chất lượng và đặc biệt những quy định giúp các trường hướng đến quản trị ĐH chứ không là quản lý,…

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Phó hiệu trưởng phụ trách Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP HCM, cho rằng những thay đổi trên sẽ giúp hệ thống GDĐH có những chuyển biến tích cực, các trường tự chủ tự chịu trách nhiệm với hoạt động của mình và có trách nhiệm giải trình của các trước xã hội. Những thay đổi mang tính đột phá của Luật GDĐH sẽ giúp chất lượng GDĐH được cải thiện đáng kể, nhân lực được đào tạo ra sẽ đáp ứng yêu cầu nhân lực cho phát triển kinh tế, xã hội của đất nước cũng như hội nhập quốc tế.

Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, nguyên Phó giám đốc ĐHQG TP HCM, Luật GDĐH sửa đổi tập trung vào những vấn đề lớn như vấn đề tự chủ của các trường ĐH, vấn đề cơ cấu hệ thống của trường ĐH và chất lượng của các trường ĐH. Đó là 3 vấn đề lớn mà cả xã hội và đương nhiên là các trường ĐH rất quan tâm.

"Về tự chủ của các trường ĐH, Luật GDĐH sửa đổi không dừng ở câu từ, chữ, nghĩa mà thực chất vai trò nhiệm vụ tăng lên rất nhiều. Cụ thể là Hội đồng trường có quyền quyết định khá nhiều trong dịnh hướng phát triển và tài chính nhân sự"- TS Nguyễn Đức Nghĩa, nói.

Cấu trúc của hệ thống GDĐH xuất hiện khái niệm ĐH bênh cạnh ĐHQG, ĐH vùng. Việc này nhằm hiện thực hóa những dự tính trước đây nhằm tái cấu trúc hệ thống giáo dục ĐH thí dụ sáp nhập những trường yếu kém hoặc phát triển thành những hệ thống… Việc hình thành những ĐH trong ĐH sẽ được chứng kiến trong thời gian sắp tới với những sự sáp nhập hoặc là tự nguyện hoặc là do bối cảnh nhu cầu.

Bên cạnh đó, vấn đề nâng cao chất lượng ĐH, ngay sau khi quốc hội thông qua Luật GD ĐH sửa đổi (19-10-2018) thì chưa đến 10 ngày sau Bộ GD-ĐT đã chuẩn bị đề án nâng cao chất lượng ĐH và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong đó có rất nhiều chỉ số mà GD ĐH phải đạt được từ nay đến 2025 như 100% sinh viên ra trường phải đạt chuẩn đầu ra, 100% giảng viên phải có trình độ sau ĐH, trong đó 35% phải là TS. "Đây rõ ràng là 3 mục tiêu lớn, 3 tác động lớn của luật GDĐH sửa đổi thì chắc chắn sẽ cải thiện nâng cao chất lượng, hiệu quả của hệ thống giáo dục trong bối cảnh đất nước đang rất cần nhân lực trình độ cao có chất lượng"- TS Nghĩa, tin tưởng.

Thánh thức về tồn tại hay sáp nhập

Luật GD ĐH tạo ra nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng không ít, cơ hội lớn nhất cho các trường đó là các trường được quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho sự phát triển của mình, những cải cách sẽ rũ bỏ "tấm áo cơ chế" mà các trường hay than phiền là làm kìm hãm sự phát triển của các trường.

PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn cũng cho rằng Luật GD ĐH sửa đổi cũng thực sự đặt ra không ít thách thức, các trường phải quan tâm hơn đến chất lượng đào tạo, quan tâm hơn đến dịch vụ cho người học, quan tâm hơn đến nhu cầu tuyển dụng từ doanh nghiệp... các trường phải thật sự đáp ứng được khách hàng thì mới có thể tồn tại và phát triển.

Và điều còn băn khoăn trong luật GD DH đó chính là vấn đề sáp nhập. Theo PGS Hoàn, ghép các trường lại thì về nguyên tắc sẽ là phương án làm giảm đi sự thiếu hiệu quả trong đào tạo, có nhiêu trường không tuyển sinh được do nhiều nguyên nhân nhưng nhà nước vẫn phải bao cấp thì sẽ là một gành nặng cho ngân sách, cho xã hội. Tuy nhiên nếu sáp nhập không khéo sẽ làm yếu các trường vốn mới chỉ đủ năng lực làm tốt cái mình đang có, đó là chưa kể những anh "yếu" sát nhập lại thì sẽ lại càng yếu hơn nữa.

Về vấn đề này cần có sự nghiên cứu kỹ, cần có quy hoạch mang tính lâu dài và phải chấp nhận việc giải thể các trường không thể tồn tại. Có lẽ ở đây nên bàn tới việc hợp tác và chia sẻ nguồn lực giữa các trường sao cho khai thác hết nguồn lực của nhau một cách hiệu quả nhất, và cơ chế là cho phép các trường hợp tác để chia sẻ nguồn lực sao cho tiết kiệm cho người học, hiệu quả trong việc sử dụng nguồn lực của các trường.

TS Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT Trường ĐH FPT, cho rằng luật GDĐH sửa đổi tạo thách thức cho cả trường và cơ quan quản lý nhà nước vì phải thay đổi quá nhanh. Tuy nhiên, các thay đổi này là rất cần thiết.

Theo NLĐ

;
;
.
.
.
.
.