'Số hóa' trường học

.

Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục thành phố; góp phần giúp học sinh tiếp nhận kiến thức tốt, tạo khí thế học tập sôi động, tăng cường tương tác giữa giáo viên và học sinh, đem lại hiệu quả học tập cao.

Việc ứng dụng CNTT vào dạy học giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, đem lại hiệu quả học tập cao hơn. Ảnh: Huy Hoàng
Việc ứng dụng CNTT vào dạy học giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, đem lại hiệu quả học tập cao hơn. Ảnh: Huy Hoàng

Trong tiết Sinh học 9 của thầy và trò Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), thay vì học theo kiểu truyền thống “thầy đọc trò chép”, học sinh được lên bảng, tương tác trực tiếp với màn hình chiếu, cùng giáo viên xây dựng bài học.

Theo cô giáo Vũ Thị Kim Ngọc, giáo viên bộ môn Sinh học, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, việc ứng dụng CNTT, đặc biệt là sử dụng máy chiếu projector và thiết bị tương tác thông minh U-Pointer vào dạy học giúp tăng cường sự tương tác giữa giáo viên và học sinh.

“Các em được lên bảng, tương tác với màn hình chiếu, sửa bài ngay trên màn hình, tham gia cùng giáo viên trong xây dựng bài giảng. Nhờ đó, các em nắm kiến thức tốt hơn, hiểu bài dễ dàng hơn”, cô Ngọc cho biết.

Mặt khác, nhờ có CNTT, giáo viên có thể tích hợp nhiều hình ảnh, video, âm thanh sống động, thú vị hoặc thiết kế các bài tập nhỏ, trò chơi trắc nghiệm, hỏi đáp đúng - sai đan xen trong giờ học; qua đó, vừa truyền tải kiến thức, vừa giúp bài giảng trở nên sinh động, tạo hứng thú cho học sinh.

“Học trên bài giảng điện tử, em hiểu bài nhanh hơn, kỹ hơn thông qua các hình ảnh minh họa sinh động của môn học. Bên cạnh đó, em cảm thấy hứng thú hơn trong các giờ học nhờ các trò chơi kiến thức kết hợp”, em Trần Quỳnh An, học sinh lớp 8/5, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu) háo hức.

Theo thầy giáo Mai Xuân Nhân, giáo viên bộ môn Toán, Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu), việc ứng dụng CNTT vào dạy học không chỉ giúp học sinh tiếp thu kiến thức tốt hơn mà còn giúp giáo viên đỡ vất vả. Đến giờ dạy, giáo viên chỉ cần truy cập mạng, tải giáo án xuống máy tính và mở ra dạy. Nhờ vậy, giáo viên đỡ vất vả trong việc mang dụng cụ dạy học, giáo án giấy lên lớp, nhất là với các môn cần sử dụng nhiều mô hình dạy học, dụng cụ thí nghiệm… như: Sinh học, Vật lý, Hóa học.

Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh Phạm Phú Quang, cho biết: Từ năm 2013, trường đầu tư hệ thống mạng wifi nội bộ phủ sóng toàn trường, tất cả các phòng học đều được trang bị máy tính và màn hình ti vi tương tác. Nhà trường luôn khuyến khích giáo viên sử dụng giáo án điện tử trong giảng dạy; hằng năm, trường tổ chức các buổi tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên về các phần mềm, tiện ích mới để ứng dụng vào giảng dạy hiệu quả hơn. Hầu hết giáo viên đều sử dụng thành thạo CNTT.

Ngoài giảng dạy, các trường cũng chú trọng ứng dụng CNTT vào hoạt động quản lý học sinh bằng việc đưa vào sử dụng sổ điểm điện tử. Điểm số tự động chuyển về cho phụ huynh qua tin nhắn SMS nếu phụ huynh đăng ký. Điều này giúp tránh nhầm lẫn, sai sót trong quá trình nhập điểm; giúp việc lưu trữ tốt hơn. Khi cần, giáo viên có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi thông qua tài khoản. Từ năm học 2018-2019, các trường đưa vào sử dụng học bạ điện tử cho khối học sinh lớp 6, từng bước “điện tử hóa” trong hoạt động quản lý giáo dục.

Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng CNTT - Khảo thí và Kiểm định (Sở GD-ĐT) Đoàn Xuân Cảnh nhận định, CNTT chính là công cụ đắc lực hỗ trợ đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy, hỗ trợ đổi mới quản lý giáo dục, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó, việc ứng dụng CNTT vào dạy học là nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Để việc ứng dụng CNTT ngày càng hiệu quả, Sở GD-ĐT thường xuyên cập nhập, giới thiệu công nghệ, phần mềm mới; tổ chức tập huấn, trau dồi kỹ năng, kiến thức cho giáo viên, hướng đến công nghệ hóa hoạt động giảng dạy và quản lý giáo dục. Hằng năm, Sở GD-ĐT còn tổ chức các cuộc thi thiết kế bài giảng điện tử E-Learning nhằm khuyến khích giáo viên ứng dụng CNTT, tạo thói quen sử dụng CNTT trong hoạt động giảng dạy.

HUY HOÀNG – THỤC ANH

;
;
.
.
.
.
.