Tập trung cho chương trình giáo dục phổ thông mới

.

Theo Sở GD-ĐT, điểm nổi bật của chương trình giáo dục phổ thông mới của Bộ GD-ĐT là xây dựng theo mô hình phát triển năng lực, thông qua những kiến thức cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học, giúp học sinh hình thành, phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng. Năm học 2020-2021 sẽ bắt đầu thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với lớp 1.

Người thầy là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục nói chung và việc thực hiện dạy học phân hóa nói riêng.
Người thầy là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục nói chung và việc thực hiện dạy học phân hóa nói riêng.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn cần phải vượt qua chính là việc dạy học theo hướng phân hóa (gọi tắt là dạy học phân hóa - DHPH) đối tượng học sinh bậc tiểu học.

Th.S Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho biết, việc DHPH thời gian qua đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự ủng hộ của nhiều lực lượng giáo dục trong xã hội, đặc biệt là của phụ huynh học sinh. Bản thân học sinh tích cực tham gia vào các hoạt động dạy học do giáo viên tổ chức. 100% trường trên địa bàn các quận đều được học 2 buổi/ngày; việc tổ chức các nội dung và hình thức DHPH ngoài không bị ràng buộc bởi thời khóa biểu; tính chất bài học cũng là một trong những điều kiện thuận lợi cho việc DHPH.

Dẫu vậy, việc DHPH vẫn gặp nhiều khó khăn bởi năng lực và trình độ của giáo viên còn hạn chế trong việc vận dụng phương pháp DHPH vào quá trình dạy học; việc biên soạn nội dung DHPH theo từng đối tượng học sinh; việc tổ chức giảng dạy, đánh giá, nhất là việc vận dụng các quan điểm, phương pháp dạy học tích cực, trong đó có việc áp dụng định hướng DHPH của giáo viên vẫn còn những hạn chế và gặp nhiều khó khăn.

Sỉ số lớp học ở nhiều trường quá đông, việc dạy học trong từng tiết học bị quy định bởi thời gian nên khó tiến hành phân hóa trong dạy học. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị học tập chưa được trang bị đầy đủ cho từng đối tượng học sinh, chưa tạo điều kiện để thực hiện các nội dung DHPH một cách có hiệu quả.

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, ngành giáo dục thành phố yêu cầu các trường tập trung thực hiện việc điều chỉnh nội dung dạy học cho phù hợp với đối tượng học sinh theo Công văn 896/BGD&ÐT-GDTH hướng dẫn việc dạy và học cho học sinh tiểu học do Bộ GD-ĐT, trên cơ sở ngành bảo đảm chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình.

Quan điểm chỉ đạo đó cũng chính là một trong những tư tưởng chủ đạo của phương pháp DHPH: “Lấy trình độ phát triển chung trong lớp làm trung tâm”. Ngành giáo dục đã tập trung chỉ đạo việc thực hiện nội dung phụ đạo học sinh khó khăn về học lực, học sinh khuyết tật học hòa nhập và công tác bồi dưỡng học sinh năng khiếu.

Trong khi đó, Th.S Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD-ĐT quận Hải Châu cho biết, nhằm thực hiện tốt việc DHPH, ngành giáo dục quận đã yêu cầu các tổ chuyên môn và mỗi giáo viên đứng lớp phải xây dựng kế hoạch phụ đạo học sinh khó khăn về học cụ thể ngay từ đầu năm học; lập hồ sơ theo dõi sự tiến bộ của học sinh; sử dụng các tiết tăng cường ở những trường học 2 buổi/ngày để bố trí các tiết học phụ đạo; tăng cường việc tổ chức, sinh hoạt chuyên môn theo định hướng nghiên cứu bài học để giáo viên giao lưu học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm học tập trong công tác này giữa các trường; trong thiết kế bài giảng, giáo viên phải xây dựng câu hỏi, bài tập dành riêng cho từng đối tượng học sinh để thực hiện việc DHPH. Việc giáo viên quan tâm, tác động đến từng đối tượng học sinh được xem là một tiêu chí quan trọng để đánh giá, xếp loại tiết dạy.

Bà Hà cho biết thêm, ngoài việc chỉ đạo thực hiện DHPH trong các môn học nói chung, ngành còn chỉ đạo thực hiện việc DHPH trong một số môn học cụ thể. Chẳng hạn, đối với môn Toán phải tổ chức cho tất cả học sinh được thực hiện các bài tập theo quy định của chuẩn kiến thức, kỹ năng môn Toán…

“Căn cứ vào tình hình thực tế của mỗi lớp học, giáo viên khuyến khích, tạo điều kiện để những học sinh có khả năng, có điều kiện giải quyết tất cả các bài tập trong sách giáo khoa; chủ động, linh hoạt, sáng tạo trong sử dụng sách giáo khoa khi dạy học nhằm phát triển năng lực của cá nhân học sinh, góp phần DHPH hiệu quả”, bà Hà cho hay.

Th.S Nguyễn Quỳnh Vân, Hiệu trưởng Trường tiểu học Phan Đăng Lưu cho biết, để phát huy hiệu quả của phương pháp DHPH và giúp giáo viên vận dụng quan điểm dạy học này vào thực tiễn dạy học thuận lợi hơn, cần phải tiến hành theo hai con đường: DHPH trong (phân hóa nội tại) và DHPH ngoài (phân hóa tổ chức). Mỗi một con đường lại có những hình thức, biện pháp tác động khác nhau.

Một trong những nội dung cơ bản trong DHPH ngoài là hoạt động ngoại khóa được tiến hành theo nhiều hình thức phong phú và đa dạng. Hơn nữa, mỗi môn học có những đặc trưng riêng về yêu cầu, nội dung và phương pháp. Vì vậy, cần có những nội dung hướng dẫn thực hiện cụ thể trong mỗi con đường DHPH cho từng môn, phân môn và cần yêu cầu các đơn vị tổ chức tốt các hoạt động ngoại khóa theo các môn học mà không nên chỉ dừng lại ở việc khuyến khích thực hiện; xem đây là một tiêu chí để đánh giá thực tiễn hoạt động giáo dục tại nhà trường…

Bên cạnh đó, người thầy là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục nói chung và việc thực hiện DHPH nói riêng. Để có cách nhìn nhận bao quát hơn, toàn diện hơn về việc vận dụng quan điểm DHPH theo từng đối tượng học sinh qua các môn học trong trường tiểu học, Phòng GD-ĐT quận Hải Châu đã tiến hành khảo sát giáo viên, kết quả phân tích cho thấy, số giáo viên có nhận thức đúng về việc DHPH theo từng đối tượng học sinh chiếm tỉ lệ thấp (23,5%).

Phần lớn giáo viên đều có nhận thức chưa đúng và chưa đầy đủ về DHPH, chưa nắm được hai con đường cơ bản để tiến hành DHPH đó là DHPH trong và DHPH ngoài; nhiều giáo viên còn nhầm lẫn giữa hai con đường DHPH này. Việc nhận thức về từng con đường DHPH cũng còn nhiều hạn chế, hơn 50% số giáo viên được điều tra cho rằng, DHPH chỉ là hoạt động phụ đạo học sinh khó khăn về học và bồi dưỡng học sinh năng khiếu. Đó chỉ là 2 nội dung của việc DHPH ngoài mà thôi.

Như vậy, để vận dụng tốt phương pháp DHPH vào dạy học thì điều kiện tiên quyết là giáo viên phải có nhận thức đúng và đầy đủ về DHPH bằng nhiều cách thức khác nhau.

“Dạy học nói chung, dạy học ở tiểu học nói riêng là cả một nghệ thuật, một quá trình rèn luyện không mệt mỏi của người thầy, để giúp cho mỗi một học sinh đều nỗ lực vươn lên trong học tập. Và theo chúng tôi, yếu tố quan trọng nhất, quyết định sự thành công trong DHPH chính là cái tâm và năng lực của người thầy. Tổ chức tốt việc DHPH sẽ góp phần to lớn vào việc thực hiện có hiệu quả chương trình mới năm 2020”, Th.S Trần Thị Thúy Hà nhận định.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.