Nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học

.

Một trong những thế mạnh của ngành giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) thành phố trong những năm gần đây là phong trào học sinh nghiên cứu khoa học (NCKH) và tham gia các cuộc thi khoa học kỹ thuật (KHKT) các cấp ngày càng sôi động. Đây thực sự là sân chơi bổ ích, khơi gợi niềm đam mê, sáng tạo của học sinh trên toàn thành phố.

Đoàn học sinh Đà Nẵng tham gia hội thi kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2018-2019 tại thành phố Hồ Chí Minh và đạt giải cao.       Ảnh: NG. PHÚ
Đoàn học sinh Đà Nẵng tham gia hội thi kỹ thuật cấp quốc gia năm học 2018-2019 tại thành phố Hồ Chí Minh và đạt giải cao. 

Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Lê Thị Bích Thuận cho biết, những năm qua, bên cạnh việc nâng cao chất lượng dạy và học thì phong trào NCKH trong học sinh được sở quan tâm, đầu tư với mục đích tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh. Hằng năm, Sở GD-ĐT tổ chức tuyên truyền rộng rãi mục đích, ý nghĩa của công tác NCKH của học sinh trung học và các quy định, hướng dẫn của Bộ GD-ĐT về cuộc thi KHKT đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và cộng đồng xã hội.

Đồng thời, sở ban hành văn bản chỉ đạo các phòng GD-ĐT, các trường THPT lập kế hoạch, tổ chức triển khai công tác NCKH của học sinh phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị, đặc điểm của địa phương, đối tượng học sinh, chương trình, nội dung dạy học của trường; tổ chức hội thảo, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh về các quy định, hướng dẫn về công tác tổ chức cuộc thi, phương pháp NCKH, tạo điều kiện để học sinh, giáo viên tham gia NCKH và áp dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn.

Thầy Nguyễn Quang Hưng, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Châu Trinh cho biết, phong trào NCKH tại trường thời gian qua được học sinh hưởng ứng tích cực, nhất là việc tham gia các cuộc thi KHKT. Các cuộc thi này mang lại nhiều quyền lợi cho học sinh.

Trước hết, khi có giải thưởng cấp quốc gia, các em học sinh có thể được tuyển thẳng vào các trường đại học, cao đẳng; đối với giải cấp thành phố, một số trường cũng có thể làm căn cứ để xét tuyển. Tuy nhiên, theo thầy Hưng, điều quan trọng là đẩy mạnh phát triển năng lực tự học của học sinh. Chính vì thế, hằng năm, nhà trường đã tổ chức triển khai thi cấp trường. Tính chất là để các em có sự chuẩn bị về ý tưởng, về các quy trình thực hiện tạo ra các sản phẩm.

“Nhà trường đã chủ động phối hợp với một số trường đại học như FPT, Duy Tân, mời các chuyên gia hỗ trợ, giúp đỡ cho học sinh trong quá trình lựa chọn ý tưởng và đưa ra sản phẩm cũng như kiểm định sản phẩm. Cùng với đam mê KHKT, những học sinh tham gia kỳ thi KHKT cấp quốc gia các năm trước thành lập CLB KHKT và tư vấn, định hướng cho các học sinh khác về ý tưởng, kỹ thuật, quy trình tạo ra sản phẩm, tạo sự hứng thú, say mê để tạo ra những sản phẩm mới, hữu ích”. Năm học 2018-2019, trong 22 sản phẩm cấp trường, nhà trường chọn 19 sản phẩm đi thi cấp thành phố. Kết quả, 9 sản phẩm đạt giải, trong đó thành phố chọn 2 sản phẩm thi cấp quốc gia và và 1 sản phẩm đoạt giải nhất, 1 sản phẩm đoạt giải tư”, thầy Hưng chia sẻ.

Th.S Phạm Thị Trinh, Trưởng phòng Giáo dục trung học - Sở GD-ĐT cho biết, từ năm học 2010 đến nay, mỗi năm, sở đều tổ chức cuộc thi cấp thành phố và chọn 6 dự án tham gia thi cấp quốc gia và đều đoạt giải. Thành tích nổi bật nhất phải kể đến năm học 2018-2019, sở có 6 dự án tham gia và đều đoạt giải (2 giải nhất, 2 giải 3 và 2 giải tư). Trong đó, dự án “Ứng dụng deep learning vào phát hiện bệnh cây trên cây trồng qua hình ảnh” thuộc lĩnh vực Phần mềm hệ thống của 2 học sinh Đỗ Minh Huy và Phạm Nguyên Nam Khoa (Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn) được Bộ GD-ĐT lựa chọn tham gia thi quốc tế.

Bà Lê Thị Bích Thuận cho biết, với mục đích khơi dậy, khuyến khích học sinh NCKH, cuộc thi tạo điều kiện cho học sinh vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn, vận dụng để giải quyết các vấn đề thực tiễn cuộc sống; từ đó tích cực đổi mới dạy và học theo hướng tiếp cận năng lực và kéo gần khoảng cách giữa đại học với phổ thông. Qua các đề tài tham dự cuộc thi KHKT dành cho học sinh phổ thông cho thấy, hầu hết các ý tưởng của các em đều gắn với đời sống thực tiễn, phù hợp với điều kiện nghiên cứu trong trường.

Đặc biệt, thông qua nghiên cứu, sáng tạo KHKT, các em đã tìm cách vận dụng những kiến thức mình thu nhận được từ nhà trường, từ các nguồn tài liệu khác nhau để tạo ra những đề án thiết thực với cuộc sống hiện tại hay tạo ra những sản phẩm cụ thể có ích cho cộng đồng.

“Đây là kỹ năng rất cần thiết đối với mỗi học sinh trong thời kỳ hội nhập toàn cầu hiện nay. Đồng thời, hoạt động NCKH của học sinh cũng đòi hỏi giáo viên phải đào sâu nghiên cứu, mở rộng kiến thức của mình để hướng dẫn các em. Đây cũng là “cú hích” quan trọng để giáo viên thay đổi phương pháp dạy học, qua đó nâng cao chất lượng trong hoạt động giảng dạy của mình”, bà Lê Thị Bích Thuận khẳng định.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.