Thi thử theo chất lượng thật

.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019, các trường THPT đã và đang tổ chức kỳ thi thử nhằm đánh giá năng lực và có phương pháp ôn tập cho từng học sinh.

Sau kỳ thi thử tốt nghiệp THPT tại các trường, học sinh đăng ký chọn nguyện vọng tại các trường đại học phù hợp với sức của mình. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám đăng ký nguyện vọng.
Sau kỳ thi thử tốt nghiệp THPT tại các trường, học sinh đăng ký chọn nguyện vọng tại các trường đại học phù hợp với sức của mình. TRONG ẢNH: Học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám đăng ký nguyện vọng.

Cuối tháng 3, đầu tháng 4-2019, Trường THPT Thanh Khê tổ chức kỳ thi thử lần 1 cho 396 học sinh lớp 12.

Thầy Nguyễn Duy Thảo, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, mặc dù thi thử nhưng nhà trường đặt nặng hơn kỳ thi thực, tổ chức nghiêm túc, có hội đồng coi thi.

“Việc thi thử nhằm kiểm tra kiến thức, đánh giá thực lực của từng học sinh; qua đó, nhà trường có kế hoạch phối hợp với gia đình ôn tập, nâng cao kiến thức cho học sinh trước khi bước vào kỳ thi THPT quốc gia”, thầy Thảo chia sẻ.

Đầu tháng 4-2019, 465 học sinh lớp 12 Trường THPT Hoàng Hoa Thám cũng bước vào kỳ thi thử do nhà trường tổ chức. 3 môn thi bắt buộc là Toán, Văn, Anh cùng với các bộ môn tổ hợp tự nhiên và xã hội được lấy theo cấu trúc đề tham khảo của Bộ GD-ĐT.

Thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, ngoài 100% học sinh lớp 12 của trường, nhiều học sinh tự do cũng tham gia kỳ thi thử. Đặc biệt, mọi năm, nhiều học sinh e ngại thi thử bởi sợ điểm số thấp nên tìm mọi lý do để “trốn”. Tuy nhiên, năm nay, nhà trường thực hiện quyết liệt, tổ chức thi riêng và có sự giám sát của các giám thị cũng như Ban Giám hiệu nhà trường đối với các trường hợp ốm đau.

Em Nguyễn Hoàng Hà, học sinh Trường THPT Hoàng Hoa Thám cho biết, qua kỳ thi thử, em thấy kiến thức mình còn “hụt” nên sẽ cố gắng hơn để đạt kết quả tốt trong kỳ thi THPT quốc gia. Cũng như Hà, nhiều học sinh đã đúc rút kinh nghiệm cho bản thân qua việc làm bài tại kỳ thi thử.

Theo thầy Phạm Tấn Ngọc Thụy, kết quả kỳ thi thử đã đánh giá được chất lượng học sinh; qua đó, giúp học sinh đăng ký nguyện vọng phù hợp với sức của mình. Tuy nhiên, để học sinh thi tốt trong kỳ thi THPT quốc gia, nhà trường sẽ tăng cường ôn tập các môn Toán, Anh, Văn và các bộ môn tổ hợp sau khi các em học sinh kết thúc môn học.

Trong khi đó, tại kỳ thi thử vào tháng 3-2019, Trường THPT Ngô Quyền ra bộ câu hỏi các môn trắc nghiệm, tự luận vừa phải trong chương trình lớp 12 cũng như một phần của lớp 11. Thầy Lê Phước Thi, giáo viên môn Vật lý cho biết, với việc chọn ra đề trong chương trình 12 khá vừa sức với học sinh nên kết quả môn Vật lý các em đạt điểm tương đối tốt.

“Tuy nhiên, bộ đề thi của Bộ GD-ĐT vẫn quá sức so với  nhiều học sinh. Vì vậy, sau kỳ thi này, nhà trường, giáo viên sẽ có phương án để bổ sung kiến thức cho các em học sinh, nhất là những học sinh còn yếu”, thầy Thi cho biết.

Th.s Phạm Thị Trinh, Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD-ĐT) cho biết, nhằm chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019, ngay từ đầu năm học, sở đã chỉ đạo các trường THPT có kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh; trong đó, các trường chủ động cho học sinh thi thử. Từng trường có thể ra đề riêng nhưng áp dụng theo bộ quy tắc của Bộ GD-ĐT để học sinh làm quen.

Ngoài ra, từ ngày 9 đến ngày 11-5, Sở GD-ĐT tổ chức kỳ thi thử tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2019 với đề thi theo cấu trúc đề minh họa của Bộ GD-ĐT. Trong quá trình thi thử, Thanh tra và Phòng Giáo dục Trung học sẽ giám sát. Đây là năm thứ 3 từ khi Bộ GD-ĐT thay đổi phương án thi mới, thi trắc nghiệm, bài thi tổ hợp.

“Kỳ thi thử không chỉ giúp học sinh chuẩn bị kiến thức, kỹ năng làm bài trắc nghiệm, tâm thế làm bài tổ hợp mà còn giúp cán bộ quản lý, giáo viên nắm quy trình coi thi, tổ chức thi; quy trình phát đề trắc nghiệm, tiếp cận hình thức, kỹ thuật ra đề trắc nghiệm, ôn luyện kiến thức cho học sinh”, bà Phạm Thị Trinh nhận định.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ
 

;
;
.
.
.
.
.