Kết nối xây dựng thành phố thông minh

.

Thời gian qua, Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) đã có nhiều hoạt động kết nối giữa “3 nhà” (nhà trường - nhà doanh nghiệp - Nhà nước) nhằm góp phần thúc đẩy xây dựng Đà Nẵng trở thành “thành phố thông minh”.

PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng (thứ hai, phải sang) trao tặng ăng-ten LoRa cho Sở Thông tin-Truyền thông.
PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng (thứ hai, phải sang) trao tặng ăng-ten LoRa cho Sở Thông tin-Truyền thông.

Tháng 3 vừa qua, Viện Công nghệ Quốc tế (ĐHĐN) phối hợp với Đại học Côte vùng d’Azurd, Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) và cộng đồng doanh nghiệp cùng các chuyên gia trong các lĩnh vực công nghệ 4.0 tổ chức cuộc thi Smart Campus  2019.

Hoạt động này nhằm hướng đến mục tiêu thiết lập mạng lưới kết nối các dịch vụ thông minh trong không gian các trường đại học thành viên ĐHĐN để hỗ trợ dạy, học, nghiên cứu và sáng tạo trên nền tảng mạng lưới vạn vật kết nối (IoTs) và trí tuệ nhân tạo.

Cuộc thi Smart Campus 2019 được triển khai, thiết kế ứng dụng tại 3 trường ĐH thành viên, đơn vị trực thuộc ĐHĐN gồm: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật và Khoa Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ĐHĐN) thu hút gần 60 đội đăng ký tham gia.

Đoạt giải nhất cuộc thi này là đề tài “Hệ thống quản lý xe máy vào ra cho sinh viên” thuộc về nhóm sinh viên đến từ Trường ĐH Bách khoa (ĐHĐN). Hoàng Trọng Nguyên (sinh viên lớp 15DT3 thuộc khoa Điện tử - viễn thông, Trường ĐH Bách khoa) cho biết, đề tài “Hệ thống quản lý xe máy vào ra cho sinh viên” tại Trường ĐH Bách khoa nhằm góp phần cải thiện những bất tiện của hệ thống cũ, định hướng xây dựng thành phố thông minh, trường học thông minh. Ở các trường ĐH, số lượng sinh viên sử dụng xe máy lớn nên mỗi lần gửi xe phải chờ, xếp hàng dài tới lượt để ghi phiếu trong khi chỉ có 1 đến 2 người ghi phiếu giữ xe. Tuy nhiên, khi sử dụng hệ thống này, tất cả gần như tự động. Sinh viên chỉ cần dùng thẻ quẹt để gửi và lấy xe ra rất tiện lợi và nhanh chóng.

“Hệ thống quản lý xe máy vào ra cho sinh viên” cũng phù hợp cho các trụ sở, công ty, khu công nghiệp, trường học, nơi có số người gửi xe thường xuyên và cố định. Hệ thống này của chúng em nhằm tận dụng mã vạch để định danh người dùng kết hợp xử lý ảnh để nhận diện biển số xe giúp kiểm soát quá trình gửi xe vào và lấy xe ra”, Nguyên chia sẻ. Theo Nguyên, cuộc thi Smart Campus thực sự là nơi để các bạn trẻ có thể trình bày được những ý tưởng đổi mới sáng tạo và được hỗ trợ nhằm ứng dụng vào thực tiễn mang lại hiệu quả cao.

TS. Lê Phước Cường, Giám đốc Trung tâm Học liệu và Truyền thông (Trường Đại học Bách khoa) nhận định: “Cuộc thi Smart Campus 2019 thực sự có ý nghĩa, không chỉ thúc đẩy phong trào nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại các trường đại học mà còn tạo tiền đề hỗ trợ, kết nối các đối tác giáo dục, chính phủ và doanh nghiệp phát triển nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các dự án khoa học công nghệ có tính gắn kết từ phân tích, thiết kế, quản lý, mô phỏng không gian/khuôn viên đại học thông minh”.

Theo TS. Lê Phước Cường, đây chính là bước khởi đầu đặt nền tảng hướng nhằm góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng - thành phố thông minh trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.

PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng, Phó Giám đốc ĐHĐN cho biết, điểm nhấn để hỗ trợ cuộc thi Smart Campus 2019 năm nay là Đại học vùng Côte d’Azur, Cộng hòa Pháp tài trợ lắp đặt các ăng-ten LoRa phủ sóng toàn bộ khuôn viên các trường thành viên của ĐHĐN tham gia chiến dịch. Đây là một mạng công suất thấp, chuyên phục vụ các ứng dụng IoTs được sử dụng tại một số doanh nghiệp lớn và nhiều thành phố tiên phong trong lĩnh vực smart city (đô thị thông minh) trên thế giới. Sau đó, dưới sự kết nối của ĐHĐN, ĐH vùng Côte d’Azur (UCA) Cộng hòa Pháp đã chuyển giao ăng ten LoRa, sản phẩm công nghệ 4.0 cho Sở Thông tin-Truyền thông.

“Với mục đích đẩy mạnh ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến vào thực tế thành phố Đà Nẵng trong tiến trình phát triển thành phố thông minh, ĐHĐN và Đại học vùng Côte d’Azur với vai trò đối tác chiến lược đồng hành trao tặng ăng-ten Lora cho Sở Thông tin và Truyền thông. Đây là minh chứng sinh động thể hiện mối quan hệ gắn kết giữa các ĐH đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp và chính quyền góp phần thiết thực thúc đẩy xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố thông minh”,  PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng chia sẻ.

Theo PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng, để tăng cường kết nối giữa “3 nhà” (nhà trường - nhà doanh nghiệp - Nhà nước) thì cần thành lập Liên hiệp khoa học và công nghệ gồm: ĐHĐN, cơ quan chức năng của thành phố Đà Nẵng và một số doanh nghiệp lớn/các hiệp hội doanh nghiệp tại Đà Nẵng nhằm trao đổi để giới thiệu về nhu cầu phát triển của thành phố và doanh nghiệp (bên cầu) đặt hàng với các nhà khoa học (bên cung) để từ đó các nhà khoa học triển khai nghiên cứu theo đặt hàng. Bên cạnh đó, thành phố cần phát triển hơn nữa không gian sáng tạo, khởi nghiệp.

“Trong 10-15 năm tới sẽ có những yêu cầu khác so với yêu cầu nhân lực truyền thống như hiện nay. Trí tuệ và sáng tạo sẽ giữ vai trò chủ lực, quyết định cơ hội việc làm của người lao động khác với các yêu cầu kỹ năng, khéo tay để thực hiện những công việc có tính lặp lại. Các hiệp định FTA thế hệ mới, cộng đồng kinh tế ASEAN cho phép sự dịch chuyển lao động tự do một số lĩnh vực ngành nghề. Vì thế, bên cạnh đào tạo nhân lực phục vụ cho yêu cầu trong nước cần phát triển các chuyên ngành, xây dựng chương trình đào tạo năng lực phù hợp để sinh viên tốt nghiệp có thể tìm được việc làm trên thị trường lao động khu vực và quốc tế”, PGS.TS. Ngô Văn Dưỡng nói.

Mô hình kết nối cung - cầu về khoa học công nghệ giữa trường ĐH, địa phương và doanh nghiệp
 
ĐHĐN vừa tổ chức thành công hội thảo quốc tế về Công nghệ Truyền thông và Điện toán - 2019 (RIVF-2019), qua đó kết nối cộng đồng khoa học và doanh nghiệp công bố những kết quả nghiên cứu mới nhất góp phần ứng dụng xây dựng “SmartCity”.
 
Tại tọa đàm “Liên kết phát triển khoa học công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố Đà Nẵng” vừa qua, PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐHĐN đã đề xuất với thành phố “mô hình” thành lập một “Liên hiệp khoa học công nghệ” (Science-Technology Consortium) giữa ĐHĐN Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng (gồm các Sở Khoa học-Công nghệ, Sở Tài chính, Sở LĐ-TB&XH và Khu Công nghệ cao) cùng một số doanh nghiệp lớn, các hiệp hội doanh nghiệp trong nước, quốc tế tại Đà Nẵng để tăng cường trao đổi, chia sẻ cung - cầu cho sự hợp tác thực chất, hiệu quả trong triển khai nghiên cứu, ứng dụng theo “đặt hàng”.
 
Lợi ích của mô hình này sẽ thu hẹp khoảng cách, tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong thực tế nghiên cứu ứng dụng còn nhiều bất cập như hiện nay để ngày càng bám sát giải quyết được những vấn đề “nóng”, cấp thiết của địa phương và doanh nghiệp.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
;
.
.
.
.
.