Tăng cường đầu tư cho chương trình giáo dục phổ thông mới

.

Sở GD-ĐT cho biết, theo lộ trình của Bộ GD-ĐT, chương trình giáo dục phổ thông mới (GDPTM) áp dụng cho lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, đến năm học 2024 - 2025 sẽ áp dụng cho toàn thể các lớp học. Tuy nhiên, để thực hiện chương trình này, ngành GD-ĐT còn gặp nhiều khó khăn, thách thức...

Còn nhiều khó khăn

Theo lộ trình, thời gian áp dụng chương trình GDPTM chỉ còn hơn một năm. Ghi nhận của chúng tôi ở nhiều trường học cho thấy, các điều kiện về cơ sở vật chật, đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý để đáp ứng chương trình còn nhiều bất cập.

Cô Phan Thị Thu Lan, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lý Công Uẩn (quận Hải Châu) cho biết, việc triển khai thực hiện chương trình GDPTM đối với trường sẽ gặp nhiều khó khăn, điển hình như cơ sở vật chất chưa bảo đảm. “Hiện nay, trường chưa có các phòng bộ môn như Tin học, Anh văn, Giáo dục nghệ thuật. Cạnh đó, lớp học còn thiếu; các phòng chức năng như Hội đồng sư phạm, Y tế, truyền thống, phòng nghỉ giáo viên chưa có”, cô Thu Lan tâm tư.

Trong khi đó, theo cô Nguyễn Thị Kim Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (quận Sơn Trà), trong chương trình GDPTM, kế hoạch dạy học ở cấp THPT gồm môn học bắt buộc (Toán, Văn, Ngoại ngữ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh), môn học lựa chọn (khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, nhóm công nghệ và nghệ thuật), hoạt động giáo dục bắt buộc (hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp). Với kế hoạch giảng dạy và những yêu cầu của chương trình GDPTM, các trường THPT có những khó khăn, thách thức lớn khi triển khai thực hiện. 

Bên cạnh khó khăn về cơ sở vật chất thì nhiều trường còn thiếu đội ngũ nhân sự. Bởi lẽ, đội ngũ giáo viên là đối tượng quyết định sự thành bại trong việc triển khai kế hoạch giáo dục.

“Chương trình GDPTM muốn thực hiện được thì phải có con người, phải có đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đúng chuẩn và được tập huấn, bồi dưỡng đáp ứng bộ tiêu chuẩn giáo viên các cấp, chuẩn hiệu trưởng các cấp. Thách thức đặt ra cho các nhà trường rất lớn; cụ thể đối với các môn học mới hiện nay, các trường Đại học Sư phạm hầu hết chưa đưa vào chương trình đào tạo”, cô Kim Tiến chia sẻ.

Đây cũng là tâm tư của lãnh đạo nhiều trường học trước khi đưa vào áp dụng chương trình GDPTM của Bộ GD-ĐT.

Cần bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất

Cô Nguyễn Thị Hoài Tâm, Phó hiệu trưởng Trường THCS Trần Hưng Đạo (quận Hải Châu) cho biết, để tiếp cận chương trình GDPTM, ngành giáo dục cần sớm có kế hoạch bồi dưỡng chuyên môn để giáo viên tiếp cận, đổi mới phương pháp giảng dạy, hình thức tổ chức dạy học mới.

Việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên theo cô Hoài Tâm là phải chú trọng đến phát triển các năng lực về dạy học phân hóa, tích hợp, giáo dục biển đảo, môi trường, khí hậu và lịch sử địa phương; phát triển chương trình theo hướng mở, đánh giá năng lực học sinh qua năng lực ngoại ngữ, tin học, năng lực tổ chức các hoạt động, học tập để giải quyết những vấn đề liên quan của cuộc sống.

Ngoài ra, cô Hoài Tâm cho rằng, đối với đội ngũ cán bộ quản lý, nội dung bồi dưỡng phải tập trung vào tăng cường năng lực quản lý nhà trường; tổ chức xây dựng kế hoạch phát triển nhà trường, quản trị hoạt động dạy học, giáo dục học sinh, quản trị cơ sở vật chất, quản lý chất lượng giáo dục. Các chương trình phải phù hợp với cán bộ quản lý, đáp ứng yêu cầu, mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu vào, đầu ra của từng cấp học…

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường THPT Ông Ích Khiêm (huyện Hòa Vang) Võ Trinh đề nghị hoàn thiện mạng lưới trường, lớp phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, quy mô phát triển giáo dục của địa phương để làm cơ sở cho việc đầu tư; xây dựng quy hoạch cụ thể, chi tiết, bao gồm phòng học, bàn ghế học sinh, hệ thống điện, nguồn nước sạch, ánh sáng, thiết bị dạy học và học ngoại ngữ, tin học, khu thể chất, nhà đa năng, dụng cụ, thiết bị dạy thể dục - thể thao và quốc phòng, an ninh.

“Để triển khai thực hiện đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình GDPTM, ngành GD-ĐT cần xây dựng, ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu theo chương trình GDPTM đối với từng cấp học; ưu tiên đầu tư hiện đại phòng học bộ môn, phòng thí nghiệm, thực hành, thư viện chuẩn, phòng chức năng; chỉ đạo các cơ sở giáo dục mạnh dạn phát huy tính chủ động, đầu tư mua sắm, sửa chữa trang thiết bị đạt chất lượng theo nhu cầu của từng đơn vị”, thầy Võ Trinh hiến kế.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề xuất khai thác thế mạnh của công nghệ thông tin trong chương trình GDPTM. Bởi lẽ, trong việc đổi mới phương pháp giảng dạy và học đáp ứng chương trình GDPTM, vai trò của công nghệ thông tin rất quan trọng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn mới của ngành giáo dục.

Do vậy, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị cho công nghệ thông tin trường học là việc cần thiết; không chỉ là thiết bị phần cứng, như: phòng học tiên tiến, thông minh với đầy đủ trang thiết bị hiện đại (máy tính nối mạng, projector, bảng tương tác, máy tính bảng) mà còn trang bị những phần mềm hỗ trợ, sử dụng diễn đàn, email như một phương tiện để giao lưu, trao đổi kinh nghiệm...

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.