Việc bỏ thi môn Ngoại ngữ, theo giải thích của lãnh đạo Sở GD-ĐT, là tạo sự công bằng, khách quan cho các học sinh trong kỳ thi; đồng thời giảm áp lực ôn tập cho học sinh.
Việc thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10 nhằm bảo đảm công bằng, khách quan cho học sinh. TRONG ẢNH: Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019. (Ảnh minh họa) Ảnh: NGỌC PHÚ |
Nhiều ý kiến trái chiều
UBND thành phố vừa ban hành công văn thống nhất theo đề xuất của Sở GD-ĐT về việc thay đổi quy định tuyển sinh lớp 10 THPT năm học 2019-2020 với phương thức tuyển sinh: kết hợp thi tuyển với xét tuyển; trong đó, môn thi tuyển là Toán và Ngữ văn. Điều này có nghĩa là bỏ thi môn Ngoại ngữ trong kỳ tuyển sinh này. Sau khi văn bản ban hành, có nhiều ý kiến trái chiều chung quanh vấn đề này.
Nhiều phụ huynh bức xúc việc bãi bỏ thi môn Ngoại ngữ và không áp dụng cộng điểm khi học sinh nộp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế theo nội dung Quyết định 2377/QĐ-SGDĐT “về việc ban hành Quy định tuyển sinh lớp 1, 6 và lớp 10 năm học 2019-2020” được ban hành vào cuối tháng 12-2018. Bởi lẽ, thời gian qua, nhiều phụ huynh đầu tư cho học sinh theo học các trung tâm để có được chứng chỉ ngoại ngữ; ngoài ra, việc thay đổi ngay gần sát thời gian kỳ thi tuyển sinh sẽ tạo nên bất ổn trong tâm lý học sinh.
Tuy nhiên, một số ý kiến đồng ý với quyết định bỏ thi môn Ngoại ngữ để tránh tình trạng “chạy” chứng chỉ. Theo nhiều phụ huynh, không tránh khỏi tình trạng nhiều em học sinh học ngoại ngữ ở mức trung bình, thậm chí là yếu nhưng lại có chứng chỉ quốc tế. “Những cháu học giỏi thực sự, thi một cách nghiêm túc để lấy được bằng thì kiến thức vẫn còn đó và sẽ là vốn liếng sau này cho các cháu. Còn những trường hợp nộp tiền vào để lấy bằng thì chỉ đạo của Sở GD-ĐT là hợp lý, sẽ công bằng cho tất cả học sinh không thi lấy bằng rất nhiều”, chị H.T, một phụ huynh có con chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10 chia sẻ.
Trong khi đó, theo ghi nhận từ Sở GD-ĐT, tính đến ngày 10-5, 2.312 học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố nộp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế (chiếm 17,48% tổng số học sinh lớp 9). Qua khảo sát, trong số này, 17 em có học lực ở trường đạt trung bình môn ngoại ngữ 5,0; 252 em đạt từ 5,0-6,5.
Tạo sự công bằng, khách quan
Giải thích việc bãi bỏ thi ngoại ngữ tại kỳ thi tuyển sinh, bà Lê Thị Bích Thuận, Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT cho rằng, qua thực tế triển khai công tác tuyển sinh và rà soát quy trình ban hành các văn bản theo quy định của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT nhận thấy việc ban hành Quyết định 1377/SGDĐT ngày 27-12-2018 “về việc ban hành Quy định tuyển sinh lớp 1, 6 và lớp 10 năm học 2019-2020” và Quyết định số 2378/QĐ-SGDĐT “về việc ban hành Quy định tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2019-2020” có một số vấn đề vướng mắc, chưa phù hợp, chưa đầy đủ theo chỉ đạo của UBND thành phố về việc hoàn chỉnh quy định tuyển sinh, như: học sinh THCS có một trong các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có giá trị sử dụng đến ngày 2-6 được miễn thi môn Ngoại ngữ (hệ số 1) và được quy đổi thành điểm 9, 10; điểm ưu đãi đối với học sinh đăng ký nguyện vọng 1 dự tuyển vào các trường THPT theo đúng địa bàn đang học THCS.
Qua theo dõi việc ban hành các quyết định trên, Sở GD-ĐT nhận được nhiều ý kiến chưa đồng tình về cách quy đổi điểm và cộng điểm ưu đãi. Vì vậy, Sở GD-ĐT đã tổng hợp tình hình, báo cáo UBND thành phố. Trên cơ sở thống nhất của lãnh đạo UBND thành phố, Sở GD-ĐT tiến hành rà soát các quy định về công tác tuyển sinh và ban hành Quyết định số 614/QĐ-SGDĐT ngày 15-5 “về việc ban hành Kế hoạch tuyển sinh lớp 10 THPT và tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2019-2020” để thay thế Quyết định 2377; hạn chế tối đa ảnh hưởng không tốt đến việc ôn tập và thi tuyển của học sinh. Trong đó, có thay đổi một số điểm nhằm bảo đảm tính công bằng, khách quan cho học sinh trong thi tuyển.
Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2018-2019. (Ảnh minh họa) |
Theo bà Lê Thị Bích Thuận, đối với tuyển sinh lớp 10 THPT, học sinh thi 2 môn Ngữ văn và Toán. Vì không thi môn ngoại ngữ nên không áp dụng quy chế đổi điểm đối với các chứng chỉ ngoại ngữ, không tính điểm ưu đãi đối với học sinh đăng ký nguyện vọng 1 dự tuyển vào các trường THPT theo đúng địa bàn đang học THCS. Còn đối với tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, học sinh thi 3 môn gồm Toán, Ngữ văn và môn chuyên.
“Để bảo đảm quyền lợi và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh, Sở GD-ĐT thống nhất học sinh được thay đổi nguyện vọng đăng ký thi tuyển vào các trường THPT 2 lần. Cụ thể, lần 1 từ ngày 14-5 đến 17 giờ ngày 18-5; lần thứ 2 từ ngày 19-5 đến 17 giờ ngày 22-5. Sáng 16-5, sở cũng đã họp với các trường nhằm thông báo cho học sinh để đăng ký, chỉnh sửa nguyện vọng. Nếu nguyện vọng các em đã đăng ký trước đó cảm thấy chưa ổn thì tiếp tục sửa đổi, sở sẽ tạo điều kiện tối đa cho các em. Việc đăng ký này sẽ không gặp khó khăn gì”, bà Thuận khẳng định.
Cũng theo bà Bích Thuận, ngay sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và tuyển sinh lớp 10 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn năm học 2019-2020, Sở GD-ĐT sẽ tiến hành kiểm tra, đánh giá công tác tuyển sinh năm học 2019-2020, báo cáo UBND thành phố và sớm nghiên cứu, đề xuất phương án tuyển sinh cho năm học 2020-2021.
Năm học 2019-2020, ngành giáo dục thành phố Đà Nẵng tuyển sinh 9.440 chỉ tiêu với 236 lớp 10. Đến ngày 16-5, 13.128 hồ sơ học sinh lớp 9 đăng ký nguyện vọng 1; 12.497 hồ sơ học sinh lớp 9 đăng ký nguyện vọng 2 vào 20 trường THPT công lập (trừ Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn). |
Bài và ảnh: NGỌC PHÚ