Tiên phong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra nhiệm vụ “...thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực; xây dựng và triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học đạt chuẩn quốc tế...”.

Phóng viên Báo Đà Nẵng đã trao đổi với PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) về thực hiện nhiệm vụ đào tạo nhân lực theo Nghị quyết số 43-NQ/TW cho thành phố trong những năm tới...

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (thứ 7, phải sang) tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với cán bộ chủ chốt của Đại học Đà Nẵng.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (thứ 7, phải sang) tại buổi làm việc của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo với cán bộ chủ chốt của Đại học Đà Nẵng.

* Là ĐH vùng trọng điểm quốc gia đóng trên địa bàn, ông cho biết ĐH Đà Nẵng phát huy tiềm năng, thế mạnh gì trong đào tạo nhân lực chất lượng cao để thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW?

- Trước hết, tiềm năng lớn nhất của ĐH Đà Nẵng là bề dày truyền thống trong đào tạo nguồn nhân lực. Gần 45 năm qua, các trường thành viên đã cung cấp đội ngũ lớn cán bộ, chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo trên hầu khắp các lĩnh vực trọng yếu cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Các cựu sinh viên hiện giữ nhiều vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp. Đây là thế mạnh để gắn kết nhà trường và các địa phương, doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực.

ĐH Đà Nẵng hội đủ tiềm lực với 1.500 giảng viên, trong đó hơn 500 giáo sư, phó giáo sư và tiến sĩ, gần 900 thạc sĩ phần lớn đào tạo ở nước ngoài, giỏi ngoại ngữ, có quan hệ hợp tác với nhiều đồng nghiệp, đối tác quốc tế.  Về ngành nghề, có đầy đủ với 150 ngành ĐH, 44 ngành thạc sĩ và 22 ngành tiến sĩ, đặc biệt là 42 chương trình tiên tiến, chất lượng cao hầu hết thuộc các ngành, lĩnh vực mũi nhọn đáp ứng được yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiện đã có 15 chương trình kiểm định đạt chuẩn quốc tế theo CTI (châu Âu) và AUN-QA (Đông Nam Á). Về chất lượng sinh viên, trong điều kiện cả nước gặp khó khăn thì tuyển sinh đầu vào ĐH Đà Nẵng có điểm chuẩn khá cao, sinh viên có năng lực tư duy tốt. Đây là điều kiện thuận lợi để nâng cao chất lượng đào tạo, NCKH, nhiều sinh viên luôn đạt thành tích xuất sắc trong nhiều cuộc thi, giải thưởng quốc gia, quốc tế.

ĐH Đà Nẵng thừa hưởng lợi thế đóng trên địa bàn thành phố năng động, đang phát triển mạnh theo hướng bền vững. Đây là thế mạnh để thu hút nhân tài về làm cán bộ giảng dạy, nghiên cứu và sinh viên giỏi đến học tập, khi ra trường tiếp tục đóng góp cho Đà Nẵng. Sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo, sự ủng hộ, tin yêu của nhân dân là động lực lớn để ĐH Đà Nẵng thực hiện được sứ mệnh đối với thành phố.

Ngày 25-4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương thành lập Trường ĐH Công nghệ Thông tin và Truyền thông Việt-Hàn thuộc ĐH Đà Nẵng, qua đó nâng tổng số trường thành viên lên 6 trường ĐH và 6 viện, khoa, phân hiệu trực thuộc. Trước đó, Thủ tướng đã phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch xây dựng ĐH Đà Nẵng tại Hòa Quý - Điện Ngọc trở thành “trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế”.

* Theo ông, ĐH Đà Nẵng có định hướng, giải pháp gì để đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao cho các ngành mũi nhọn mà thành phố đang “khát”?

- Với hơn 10.000 kỹ sư, cử nhân tốt nghiệp mỗi năm, ĐH Đà Nẵng là “cái nôi”, địa chỉ tin cậy trong đào tạo nhân lực chất lượng cao. Thành phố cần xây dựng cơ chế, chính sách “đặt hàng”, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực này sẽ hiệu quả hơn thay vì bỏ tiền gửi đi đào tạo. ĐH Đà Nẵng sẽ tập trung ưu tiên đào tạo các ngành mũi nhọn có lợi thế, năng suất cao, phân công lao động sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu (công nghệ thông tin, điện tử - viễn thông, tự động hóa, công nghệ sinh học, vật liệu mới, năng lượng sạch, nông nghiệp công nghệ cao, du lịch, dịch vụ tài chính-ngân hàng, logistics...) gắn với chiến lược xây dựng “thành phố thông minh/môi trường/sáng tạo - khởi nghiệp” theo Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Nâng cao chất lượng theo chuẩn quốc tế là chiến lược xuyên suốt để tiếp tục khẳng định vai trò chủ lực, tiên phong trong đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao: ổn định quy mô để tập trung nâng cao chất lượng đào tạo; hợp tác với các trường ĐH nước ngoài và doanh nghiệp đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy - học tiên tiến (học theo dự án (Project Based Learning), đào tạo theo CDIO từ hình thành ý tưởng - thiết kế - thực hiện và vận hành); mời chuyên gia, doanh nhân tham gia giảng dạy, hướng dẫn tốt nghiệp; tăng cường ngoại ngữ, tin học và kỹ năng mềm cho sinh viên; đào tạo đặc thù (tăng đáng kể thời lượng thực hành, thực tập tại doanh nghiệp) đối với ngành công nghệ thông tin, du lịch...

ĐH Đà Nẵng sẵn sàng tham gia, chủ trì các dự án, chương trình nghiên cứu để chủ động trước biến động kinh tế-xã hội; tham mưu xây dựng, phản biện chính sách; đề xuất giải pháp cho những vấn đề “nóng” của thành phố. Với quy mô hơn 55.000 sinh viên là lực lượng trẻ trung, năng động; nhiều em có ý tưởng tốt, tích cực đóng góp cho thành phố. Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng vừa nhận “đặt hàng” đào tạo nhân lực cho một số tập đoàn đầu tư công nghệ cao tại Đà Nẵng (UAC, Key Tronic EMS, Hoa Kỳ...). Tôi cho rằng, thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế của thành phố sẽ tạo thêm nhiều việc làm là cách tốt nhất để thu hút, “giữ chân” các em ưu tú, tài năng là nguồn lực quý báu để thành phố phát triển bền vững.

* Để thực hiện thành công Nghị quyết số 43-NQ/TW, ông có ý kiến đề xuất gì đối với thành phố và Trung ương?

- Tôi cho rằng, đội ngũ cán bộ có vai trò rất quan trọng để tạo động lực mới cho sự phát triển bền vững. Vì vậy, việc tạo nguồn, quy hoạch và bổ nhiệm cán bộ không nên chỉ “đóng khung” trong phạm vi các quận, huyện, sở, ban, ngành mà cần mở rộng “chiêu hiền đãi sĩ”, thu hút đội ngũ trí thức, chuyên gia từ các cơ quan Trung ương và các trường ĐH đóng trên địa bàn. Đây là kinh nghiệm như TP. Hồ Chí Minh có nhiều cán bộ, lãnh đạo được điều động từ nguồn giảng viên các trường đại học.

Thành phố ủng hộ định hướng cho thành lập ĐH Quốc gia Đà Nẵng trên cơ sở sắp xếp lại, đầu tư nâng cấp ĐH Đà Nẵng và các trường ĐH trên địa bàn. Đây có thể xem như bước đột phá đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học lớn, có uy tín quốc gia và quốc tế. Trước mắt Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo tạo điều kiện để ĐH Đà Nẵng được hưởng cơ chế “tương tự ĐH quốc gia”, hỗ trợ về mọi mặt để đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng tại Hòa Quý - Điện Ngọc.

* Cám ơn ông.

HẢI ĐĂNG thực hiện

;
;
.
.
.
.
.