Xây dựng môi trường mạng lành mạnh, an toàn

.

Trước những nguy cơ mà thanh, thiếu niên dễ gặp phải khi truy cập internet, tham gia vào mạng xã hội, thời gian qua, Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động truyền thông nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức an toàn trên môi trường mạng cho thanh, thiếu niên.

Học sinh tham gia một buổi tuyên truyền về an toàn mạng cho học sinh trên địa bàn thành phố.
Học sinh tham gia một buổi tuyên truyền về an toàn mạng cho học sinh trên địa bàn thành phố.

Tháng 3-2019, chương trình Ngày hội truyền thông nhằm trang bị kỹ năng, kiến thức an toàn trên môi trường mạng do Trung tâm Dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng phối hợp với Quận Đoàn Sơn Trà tổ chức thu hút hàng trăm đoàn viên, thanh niên, học sinh THPT tham gia. Tại đây, các em được cung cấp kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ số an toàn, tự phòng ngừa bạo lực, xâm hại...

Các chuyên viên cũng đã chia sẻ những nguy cơ, rủi ro và kỹ năng phòng chống xâm hại qua môi trường mạng cũng như cách tìm kiếm các nguồn hỗ trợ khi cần thiết. Lê Gia Hân, học sinh lớp 11 Trường THPT Tôn Thất Tùng cho biết: “Tụi em thường xuyên lên mạng để tìm thông tin cho việc học và giải trí. Hầu hết các bạn cũng có tài khoản facebook và lập nhóm để trao đổi học tập, nhóm để tụ tập đi chơi sau những giờ học căng thẳng. Sau khi tham gia ngày hội này, em biết thêm về cách chọn lọc những thông tin trên mạng và cách từ chối những thông tin xấu, những dòng status (trạng thái) không lành mạnh trên facebook”.

Không chỉ tư vấn cho thanh, thiếu niên - đối tượng chính tham gia và chịu tác động bởi mạng xã hội, vừa qua, UBND phường Hòa Cường Nam (quận Hải Châu) cùng Trung tâm Dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng còn tổ chức lớp học về nội dung “An toàn mạng cho trẻ em”  cho hơn 30 phụ huynh và các cộng tác viên trẻ em trên địa bàn. Các phụ huynh được chia sẻ những nội dung liên quan đến an toàn mạng, những đặc tính cơ bản và lợi ích mà mạng internet mang lại cùng những rủi ro và nguy cơ có thể gặp phải khi trẻ em sử dụng internet không an toàn. Ngoài ra, báo cáo viên cũng cung cấp các thông tin về thuật ngữ mạng và kỹ năng để phụ huynh đồng hành cùng con giúp con tránh nguy cơ có thể gặp phải ở môi trường mạng.

Tham gia lớp học, chị Nguyễn Thị Dung (35 tuổi) cho hay, thực tế hiện nay, phụ huynh gặp nhiều khó khăn trong việc giám sát các hoạt động của con ở môi trường mạng. “Không phải lúc nào mình cũng có thể giám sát con, ở môi trường mạng lại càng khó. Bởi vậy, mình phải học cách tiếp cận con và hướng cho các con đi đúng hướng, biết sử dụng internet và mạng xã hội đúng cách để tránh được những rủi ro luôn rình rập”, chị Dung nói.

Trước đó, hàng loạt buổi truyền thông về chủ đề này cũng được tổ chức, như: “Truyền thông giáo dục văn hóa ứng xử với mạng xã hội - Phòng chống ma túy, bạo lực học đường cho thanh niên” tại các trường THPT trên địa bàn do Công an thành phố phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo tổ chức, Ngày hội “Công tác xã hội phòng ngừa xâm hại trẻ em” do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức...

Thực tế hiện nay, mạng xã hội đã trở thành công cụ không thể thiếu trong đời sống với nhiều tác động sâu rộng đối với cộng đồng. Nghiên cứu về sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh, thiếu niên Việt Nam, UNICEF cảnh báo, sử dụng internet quá nhiều khi thiếu sự kiểm soát, định hướng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng tỷ lệ người trẻ gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần.

Trên thực tế, một số trẻ em “nghiện” mạng xã hội đã bị trầm cảm phải vào bệnh viện điều trị hoặc tự tìm đến cái chết; có không ít trẻ em học hành sa sút, chậm phát triển trí tuệ.  Đáng lo hơn, trẻ em tham gia mạng xã hội đối mặt với nguy cơ bị lừa, đe dọa, xâm hại, bị mua bán, lộ bí mật đời sống riêng tư...

Thầy Nguyễn Đình Hòa, giáo viên dạy Văn, Trường THPT Trần Phú chia sẻ: “Cần tạo thêm nhiều sân chơi lành mạnh, bổ ích ở ngoài đời sống lẫn sân chơi trên mạng xã hội cho các em tham gia; đồng thời đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động truyền thông với nhiều hình thức phong phú hơn. Điều quan trọng nhất là nhà trường và gia đình phải lắng nghe tiếng nói phản biện của các em ở ngoài đời cũng như trên mạng xã hội để kịp thời điều chỉnh những hành vi không đúng”. Theo thầy Hòa, cần giáo dục cho các em hiểu được rằng, sau những hình đại diện ảo là con người thật và sau mỗi nút like (thích) có thể là một hành động ảnh hưởng đến cả một con người, một số phận để có suy nghĩ đúng đắn, đừng làm tổn hại đến người khác.

Còn theo bà Trương Thị Như Hoa, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Công tác xã hội Đà Nẵng - đơn vị tổ chức khá nhiều hoạt động truyền thông về an toàn mạng thời gian qua - cho biết, việc lạm dụng và chìm đắm vào mạng xã hội khiến các em dễ tin vào những giá trị “ảo”, giảm khả năng bộc lộ cảm xúc, dễ mắc bệnh về tâm lý, ít thích giao tiếp nên cần tuyên truyền, giáo dục và định hướng giá trị cho các em nhằm ngăn chặn mặt trái của mạng xã hội.

Bài và ảnh: PHƯƠNG MINH

;
;
.
.
.
.
.