Chương trình giáo dục phổ thông mới: Chuẩn bị để thích ứng

.

Nhiều ý kiến cho rằng, ngành giáo dục cần chuẩn bị ngay từ bây giờ để có thể thích ứng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ áp dụng cho các cấp học theo lộ trình từ năm 2020 đến 2025.

Bộ Giáo dục và Đào tạo khai mạc đợt tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ giảng viên các trường sư phạm chủ chốt trên cả nước.
Bộ Giáo dục và Đào tạo khai mạc đợt tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ giảng viên các trường sư phạm chủ chốt trên cả nước.

Nói về chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy Trần Đạt, Hiệu trưởng Trường THPT Ngũ Hành Sơn (quận Ngũ Hành Sơn) cho rằng sẽ có những thay đổi cơ bản về phương pháp xây dựng chương trình giáo dục, cách phát triển và hình thành các năng lực cốt lõi cho học sinh gồm năng lực chung (bao gồm năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo) và năng lực đặc biệt, thông qua nhiều phương pháp giáo dục khác nhau như dạy học phân hóa, dạy học tích hợp, dạy học thông qua hoạt động...

Theo chương trình mới, giáo viên có nhiệm vụ tổ chức hoạt động cho học sinh, vừa là người hướng dẫn học sinh tự học; vừa là người hướng dẫn tìm kiếm, bổ sung thông tin, giúp học sinh vận dụng thông tin để giải quyết các tình huống, các vấn đề mới... “Thời gian từ nay đến khi chương trình mới được đưa vào các trường học không còn nhiều, đặt ra những thách thức về đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên cho các nhà trường nói riêng và toàn hệ thống nói chung”, thầy Trần Đạt nói.

Cũng theo thầy Đạt, để thực hiện đổi mới chương trình phổ thông hiệu quả, trước hết là nhận thức của đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo về quan điểm đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; điều cấp thiết phải có chương trình giáo dục phổ thông mới đồng bộ theo đúng quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4-11-2013; đồng thời, tổ chức bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo cốt cán tiếp cận với sách giáo khoa mới, tiếp cận phương pháp dạy mới; cần nhanh chóng phát hành bộ sách giáo khoa thật sớm (đối với bậc THPT nên phát hành ít nhất trước 1 năm) để cán bộ quản lý, giáo viên được tiếp cận và nghiên cứu nội dung chương trình sách giáo khoa và có sự phản hồi chỉnh sửa (nếu có những nội dung không phù hợp) trước khi tiến hành đưa vào giảng dạy.

Cùng quan điểm, thầy Bùi Minh Quảng, Hiệu trưởng Trường THPT Sơn Trà (quận Sơn Trà) cho rằng ngay từ bây giờ và trong suốt quá trình triển khai chương trình mới phải tích cực tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên về các năng lực, kỹ năng cần thiết; cần chú trọng việc bồi dưỡng qua mạng internet kết hợp trực tiếp giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thực hành các kỹ năng; tăng cường cơ sở vật chất, nhất là trang bị thiết bị dạy học cho các bộ môn khoa học tự nhiên; trang bị đồng bộ thiết bị CNTT (máy chiếu, bảng tương tác thông minh...).

“Cũng phải quan tâm đến việc thay đổi cách kiểm tra, đánh giá sao cho phù hợp vì hiện nay thi tốt nghiệp THPT quốc gia học sinh chỉ dự thi 6 môn-điều này ảnh hưởng đến việc giáo dục toàn diện bởi các em chỉ chú trọng đến các môn dự thi, đặc biệt đối với bộ môn giáo dục thể chất cần phải cho điểm số (hiện nay cách đánh giá chỉ nhận xét đạt hoặc không đạt)”, thầy Quảng nêu ý kiến.

Thời gian qua, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT thành phố, Phòng GD-ĐT các quận, huyện cũng chủ động có kế hoạch cho công tác này. Ông Lại Tiến Hương, Trưởng phòng GD-ĐT quận Thanh Khê cho biết, căn cứ vào tình hình thực tế và đội ngũ hiện có của các trường, hiện đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT với lộ trình phù hợp với điều kiện của các trường; đồng thời, tổ chức rà soát, đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên từng môn học, lớp học theo Đề án vị trí việc làm đã được Sở GD-ĐT phê duyệt; chủ động đề xuất kế hoạch sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên và cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới; đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn theo hình thức nghiên cứu bài học, lấy đó làm hình thức bồi dưỡng và tự bồi dưỡng thường xuyên của từng giáo viên và tập thể giáo viên...

“Bộ GD-ĐT cũng đã có lộ trình tập huấn về chương trình giáo dục phổ thông mới. Theo đó, sẽ sắp xếp, bổ sung đội ngũ giáo viên và cử cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn, đào tạo. Các trường học trên địa bàn quận được đầu tư cơ sở vật chất, nhất là các phòng thực hành, thí nghiệm, thiết bị công nghệ thông tin”, ông Hương nói thêm.

Trong khi đó, Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng đòi hỏi giảng viên sư phạm phải đổi mới, lựa chọn phương pháp sư phạm phù hợp, cách thức tổ chức dạy học để đào tạo đội ngũ giáo viên có thể đáp ứng điều kiện thực tế.

Tại Trường Đại học Sư phạm - Đại học Đà Nẵng, nhiều năm qua, nhà trường đã và đang đổi mới chương trình đào tạo theo hướng kết nối các lĩnh vực khoa học, giúp các giáo viên tương lai sẵn sàng thực hiện những nội dung dạy tích hợp trong chương trình mới. Đầu tháng 8 vừa qua, tại Đà Nẵng, Bộ GD-ĐT tổ chức tập huấn, bồi dưỡng về thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới cho đội ngũ giảng viên các trường sư phạm chủ chốt trên cả nước. Đây là hoạt động nhằm bồi dưỡng nhân sự tham gia phát triển tài liệu và bồi dưỡng giáo viên phổ thông, nâng cao năng lực thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ
 

;
;
.
.
.
.
.