Bài luận là mấu chốt thành công. Học bổng Fulbright thường yêu cầu ứng viên viết 2 bài luận, ứng viên nào bộc lộ được cá tính và sự phù hợp nhất với học bổng qua hai bài luận sẽ giành cơ hội thành công cao hơn.
Theo bà Nguyễn Thị Hạnh – Trợ lý chương trình Fulbright Việt Nam, bài luận (essay) là mấu chốt của sự thành công.
Bài luận thứ nhất - bài Study Objectives (từ hiện tại tôi đang làm gì - tương lai tôi muốn gì) là bài luận để ứng viên trình bày mục tiêu học tập.
Bạn phải mô tả rõ ngành bạn muốn học, tại sao bạn muốn học ngành đó, những hoạt động bạn đề xuất trong quá trình đi học 2 năm là gì? Sau này bạn có thể làm gì với những kinh nghiệm kiến thức bạn tích lũy được sau khi nhận học bổng đi Mỹ về?
Bài luận thứ hai - Personal statement là bài luận cá nhân. Đây là bài học đi từ quá khứ đến hiện tại. Tôi đã và đang chuẩn bị như thế nào cho những việc tôi muốn làm từ hiện tại đến tương lai.
Ứng viên kể câu chuyện bản thân hoặc tự giới thiệu về mình bằng một cách nào đó để hội đồng tuyển chọn Fulbright thấy rằng bạn là ai, bạn có gì đặc biệt, đam mê và cam kết của bạn là gì, tại sao bạn xứng đáng nhận học bổng?
Một sinh viên nữ hỏi chuyên gia tư vấn về bí quyết chinh phục học bổng Fulbright. |
“Nếu bạn nào tinh ý sẽ thấy rằng mình viết bài luận có sự xâu chuỗi với nhau để thông qua 2 bài luận nhà tuyển chọn học bổng sẽ thấy rõ nhất quá trình/ hành trình của một ứng viên từ trước đến giờ. Và họ sẽ đánh giá ứng viên đã sẵn sàng để đi học thạc sĩ hay chưa”, bà Hạnh “bật mí”.
Thư giới thiệu không cần quá… “hoành tráng”
Một trong những yếu tố quyết định sự thành công của hồ sơ du học chính nữa là thư giới thiệu, đặc biệt khi bạn xin học bổng danh giá của Chính phủ như Fulbright.
Nếu như essay là bạn tự giới thiệu, quảng cáo về bản thân mình thì thư giới thiệu là bạn xác thực những gì bạn quảng cáo về bản thân bạn là đúng.
Thông thường, các trường yêu cầu ít nhất 2 bức thư giới thiệu. Thư giới thiệu nên có 1 bức thư về học thuật (academic), do giảng viên, giáo sư trường đại học viết. Bức thư còn lại về chuyên môn (Professional) do cấp trên hoặc đồng nghiệp, đối tác cùng làm với bạn viết. Không nhất thiết phải người có học hàm học vị cao giới thiệu cho chúng ta. Quan trọng nhất là người viết thư giới thiệu biết rõ về mình và họ ủng hộ việc làm của mình, những người biết rất rõ năng lực học tập hoặc công tác của mình.
Các yếu tố còn lại: CV (sơ yếu lí lịch), bằng và bảng điểm, chứng chỉ tiếng Anh ứng viên có thể chuẩn bị dễ dàng. Cái quan trọng nhất ứng viên muốn giành học bổng Fulbright cần quan tâm là 2 bài luận và thư giới thiệu.
Không ít người nghĩ rằng,nhờ những người có chức vụ quan trọng viết thư giới thiệu sẽ hoành tráng và thuyết phục hơn. Tuy nhiên, các trường đại học Mỹ nói chung và cả chương trình học bổng Fulbright rất coi trọng về độ chi tiết và nội dung thư giới thiệu.
Những người đảm nhận chức vụ quan trọng thường bận rộn và có rất ít thời gian để viết thư giới thiệu về bạn một cách chi tiết. Hơn nữa, dù thư giới thiệu của bạn được viết bởi một người có chức vụ hay một giáo sư danh tiếng tại Việt Nam, bức thư cũng chỉ có giá trị tương đối bởi chưa chắc bộ phận tuyển sinh bên Mỹ đã biết về những người này.
Tiêu chí nào để tuyển chọn ứng viên?
“Hội đồng tuyển chọn Fulbright căn cứ vào tiêu chí nào để tuyển chọn ứng viên?”, một bạn trẻ tham dự chương trình đặt câu hỏi.
Trợ lý chương trình – Chương trình Fulbright Việt Nam cho hay: “Quan trọng nhất là Study Objectives (chuyên môn) và những kế hoạch của bạn trong tương lai.
Bạn phải thuyết phục được rằng cái bạn đang làm và cái bạn dự định học sẽ có ích đóng góp cho cái bạn đang và sẽ làm trong tương lai. Bạn phải chứng minh được mình đã có kinh nghiệm và hiểu biết về lĩnh vực mà mình định học. Bạn phải thể hiện được tố chất lãnh đạo.
Thông qua bài luận và thư giới thiệu, hội đồng tuyển sinh tìm kiếm bạn có tiềm năng tố chất lãnh đạo hay không. Bạn có mong muốn đóng góp cho Việt Nam bằng những gì mình có hay việc đi học bên Mỹ chỉ mang lại lợi ích cho mỗi cá nhân bạn? Các chương trình học bổng luôn tìm ứng viên có thể lan tỏa tầm ảnh hưởng, đóng góp của quỹ học bổng đó với cộng đồng.
Thường chúng ta nghe đến “leadership” sẽ nghĩ đến việc mình phải ngồi ở vị trí lãnh đạo người khác, quản lý người khác. Nhưng không phải như vậy, người Mỹ họ hiểu leadership ở đây là trong mỗi cá nhân đều có leadership – bạn tự lãnh đạo bản thân mình thế nào? Chẳng hạn trong cuộc sống bạn gặp khó khăn, cú sốc, bạn vượt qua nó bằng cách nào, vươn lên thế nào?
“Leadership” cũng có thể là bạn tin vào điều gì đó rất đúng đắn, bạn nói không với rác thải nhựa và luôn lan tỏa, gây ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng ý thức bảo vệ môi trường, vận động mọi người xung quanh bạn từ bỏ túi nhựa, ống hút nhựa từ gia đình, văn phòng, trường học…
Bà Nguyễn Thị Hạnh – Trợ lý Chương trình Fulbright Việt Nam chia sẻ bí quyết xây dựng bộ hồ sơ thành công tại Triển lãm Giáo dục Hoa Kỳ bậc Sau Đại học do Văn phòng Giáo dục Hoa Kỳ Education USA, trực thuộc phòng Văn hóa – Thông tin, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội tổ chức chiều ngày 12-9. |
Tóm lại, nếu một bài luận cá nhân mà chỉ xoay quanh "tôi" - bản thân ứng viên thì tỉ lệ thành công rất thấp. Ngoài ra, hội đồng tuyển sinh cũng chú ý đến sự chín chắn của ứng viên để ứng viên có thể thích nghi với môi trường văn hóa rất khác Việt Nam.
Fulbright cũng mong muốn tìm kiếm các bạn có thể đóng vai trò đại sứ văn hóa để giúp người Mỹ biết thêm một chút về Việt Nam và sau khi đi học về có thể giúp người Việt xung quanh mình biết thêm về Mỹ.
Ứng viên phải chứng tỏ khả năng, nét tính cách phù hợp với mục tiêu, sứ mệnh của học bổng.
Fulbright có ràng buộc gì với ứng viên không?
Fulbright không có ràng buộc nhưng mong muốn cao nhất của Fulbright là các bạn hứa những gì trong hồ sơ để có được Fulbright thì các bạn sẽ thực hiện lời hứa sau khi trở về.
Một ràng buộc duy nhất mà các bạn phải tuân thủ là mặt visa. Khi nhận bất kỳ học bổng nào của Chính phủ Mỹ để đi học, bạn sẽ được cấp J-1 visa.
Visa này quy định học xong bạn phải về nước sở tại của mình 2 năm trước khi bạn có thể xin một visa nhập cư hoặc làm việc ở bên Mỹ. Nghĩa là học xong học bổng Fulbright bạn sẽ không được xin visa ở lại làm việc tại Mỹ mà bạn phải về nước 2 năm.
Nếu bạn muốn sang các nước khác để làm việc vẫn được nhưng bạn vẫn nợ 2 năm (về quê hương) trước khi bạn quay trở lại Mỹ để làm việc hoặc nhập tịch.
Nếu bạn muốn ở lại Mỹ học lên tiến sĩ, đi hội thảo, đi du lịch ngắn ngày thì không ảnh hưởng gì.
Theo Báo Dân trí