Việc học sinh lưu ban những năm gần đây trở nên hiếm, thế nhưng ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu (quận Hải Châu) đây lại là chuyện... thường; bởi nhiều năm nay, nhà trường luôn đặt trọng mục tiêu không để học sinh “ngồi nhầm lớp”.
Ở Trường tiểu học Võ Thị Sáu, hằng năm đều có 1 đến 2 học sinh lưu ban, có em lưu ban đến hai, ba lần. Riêng năm học 2018-2019, nhà trường có 22 học sinh (19 học sinh lớp 1; 2 học sinh lớp 2 và 1 học sinh lớp 3) lưu ban, không vì “bệnh” thành tích mà để các em “ngồi nhầm lớp”. Đây có thể nói là chuyện hiếm của ngành giáo dục.
Ban Giám hiệu nhà trường cho biết, những em lưu ban đều gặp nhiều khó khăn trong học tập, như trí nhớ kém, tăng động, có những biểu hiện hành vi bất thường. Mặc dù Ban giám hiệu nhà trường đã nhiều lần động viên, thuyết phục gia đình đưa con đi giám định để có giấy chứng nhận học sinh khuyết tật để áp dụng giảm tải chương trình học so với chuẩn kiến thức - kỹ năng nhưng không nhận được sự hợp tác từ phụ huynh.
Thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường tiểu học Võ Thị Sáu cho biết, khi biết con bị lưu ban, một số phụ huynh đã năn nỉ cho con mình lên lớp, nhưng nhà trường đã tuyên truyền, vận động họ chấp nhận kết quả; quyết tâm không vì thành tích mà cho các em lên lớp. “Nhiều năm làm trong ngành giáo dục, chúng tôi nhận thấy học sinh không đủ chuẩn mà cho lên lớp là hại các em.
Do đó, nhà trường giao nhiệm vụ cho giáo viên phải theo dõi, đánh giá đúng thực lực các em; nếu học sinh nào học quá yếu phải lưu ban để tiếp tục củng cố kiến thức. Nhà trường cũng không đưa việc học sinh lưu ban để đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên là chưa hoàn thành nhiệm vụ”, thầy Nguyễn Thái Phong chia sẻ.
Việc Trường tiểu học Võ Thị Sáu kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp” đã được nhiều phụ huynh đồng tình ủng hộ, bởi, đó là cách tốt nhất cho tương lai các em. Nên chăng, các trường học trên cả nước nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng cần kiên quyết không để học sinh “ngồi nhầm lớp”, qua đó tránh được căn bệnh thành tích trong giáo dục.
NGỌC PHÚ