Trẻ là trung tâm để phát triển toàn diện

.

Việc xây dựng trường mầm non “lấy trẻ làm trung tâm” được ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng triển khai từ năm học 2016-2017, đến nay đã mang lại hiệu quả tích cực; trong đó, học sinh là đối tượng của mọi sự quan tâm, giáo dục trong nhà trường.

Tiết học dạy kỹ năng “tự phục vụ” của cô trò Trường mầm non Cẩm Nhung.
Tiết học dạy kỹ năng “tự phục vụ” của cô trò Trường mầm non Cẩm Nhung.

Sáng đầu tuần, hơn 30 cháu lớp Nhỡ 2, Trường mầm non Cẩm Nhung (quận Thanh Khê) được cô giáo Nguyễn Thị Thu Hiền dạy tiết học “Tự phục vụ bản thân”. Các đồ dùng được tái chế từ các vật dụng đời sống sinh hoạt hằng ngày được cô Hiền xếp, treo trên tường và cô thực hành trước, sau đó trẻ làm theo. Cô Hiền cho biết, ngoài chăm sóc, việc dạy các kỹ năng luôn được các cô giáo ở đây chú trọng cho trẻ. Ví dụ cách mặc áo, sắp xếp áo quần, giày dép hằng ngày, cách đánh răng, chải tóc để các em có thể tự phục vụ cho bản thân mình.

Hiệu trưởng Trường mầm non Cẩm Nhung Tạ Mỹ Trân cho biết, nhằm thực hiện tốt chuyên đề xây dựng trường mầm non “lấy trẻ làm trung tâm” (gọi tắt là chuyên đề), trường đã nỗ lực đầu tư cơ sở vật chất, thay thế các đồ chơi cũ, tạo ra các khu vực chơi động và tĩnh, góc thiên nhiên... Ở trong lớp, trường đầu tư nhiều dụng cụ đồ chơi, các vật liệu cơ bản để giáo viên trang trí, tạo ra các góc chơi theo hướng mở cho học sinh thỏa sức sáng tạo. “Mục đích cao nhất của việc dạy lấy trẻ làm trung tâm là tập trung mọi nguồn lực để giúp trẻ phát triển cả thể chất lẫn tinh thần, phát huy tối đa sự sáng tạo”, cô Trân chia sẻ.
Ở quận Hải Châu, nhắc đến việc thực hiện chuyên đề này phải kể đến Trường mầm non Bình Minh.

Ở trường mầm non này, việc bố trí sắp xếp các khu trò chơi, nhìn từ ngoài sân đến các lớp không khác một bức tranh. Cô Nguyễn Quốc Thư Trâm, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, để thực hiện chuyên đề hiệu quả nhất, trường chú trọng xây dựng môi trường, đầu tư cơ sở vật chất, sắp xếp và khai thác, sử dụng có hiệu quả vật dụng trong lớp học, ngoài sân một cách hợp lý. “Việc xây dựng môi trường giáo dục trong trường mầm non đáp ứng yêu cầu chuyên đề xây dựng trường mầm non “lấy trẻ làm trung tâm” thực sự cần thiết và rất quan trọng. Sau 3 năm triển khai, môi trường giáo dục trong và ngoài lớp học của Trường mầm non Bình Minh có sự chuyển biến rõ rệt”, cô Thư Trâm nhận định.

Tại quận Liên Chiểu, Trường mầm non Nốt Nhạc Xanh là điển hình cho việc thực hiện chuyên đề với những cách làm mới. Cô Đặng Thị Mỹ Dung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trường luôn duy trì việc phối hợp với phụ huynh nhằm thực hiện tốt công tác chăm sóc, giáo dục trẻ em. “Nhà trường thường xuyên tổ chức các tiết học giáo dục kỹ năng sống, mời phụ huynh trực tiếp tham gia cùng các con. Cách làm này luôn nhận được sự phản hồi tích cực từ phụ huynh, tạo động lực để giáo viên nỗ lực, gắn kết; từ đó, các hoạt động diễn ra suôn sẻ, hiệu quả hơn”, cô Mỹ Dung nói.

Bà Đặng Thị Cẩm Tú, Trưởng phòng Giáo dục mầm non (Sở GD-ĐT) cho biết, chuyên đề xây dựng trường mầm non “lấy trẻ làm trung tâm” được thí điểm từ năm học 2016-2017, đến nay được triển khai ở tất cả các trường mầm non trên địa bàn thành phố. Để thực hiện tốt chuyên đề, các trường mầm non công lập làm tốt công tác tham mưu với các cấp lãnh đạo, thực hiện tốt công tác xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất; đặc biệt là đổi mới phương pháp giáo dục phù hợp, tăng cường hoạt động rèn luyện sức khỏe, phát triển thể chất, nhận thức, kỹ năng sống. Thời gian qua, chuyên đề cũng đã được triển khai đến các nhóm lớp độc lập tư thục trên địa bàn thực hiện tốt chuyên đề để mọi trẻ mầm non đều được phát triển toàn diện, bà Tú cho biết.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.